Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến 15% bà mẹ mới sinh, nhưng các nghiên cứu cho thấy nhiều ông bố cũng có các triệu chứng của căn bệnh này. Trong số đó chỉ có một số lượng nhỏ các ông bố được hỗ trợ y tế.
“Thật khó để thừa nhận rằng một điều tự nhiên như làm cha lại trở nên rất khó khăn đối với bạn”
70 tiếng sau khi vợ được đưa vào phòng sinh để sinh đứa con đầu lòng, Lewis được thông báo rằng vợ anh cần được đưa vào phòng phẫu thuật khẩn cấp để sinh mổ.
Quá trình mang thai của vợ chồng anh được xem là khá suôn sẻ, nhưng khi biến động này xảy đến, Lewis hoàn toàn bị động.
Dằn vặt dẫn tới trầm cảm vì chẳng giúp được gì cho vợ
“Tôi vẫn không thể diễn tả chính xác mọi thứ dù đã sau 5 năm” người đàn ông 35 tuổi nói. “Điều đã xảy ra thật khủng khiếp. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra và tôi không thể làm bất cứ điều gì, ngoại trừ việc đứng nhìn mạng sống của vợ con có khả năng gặp nguy hiểm”.
Một giờ sau đó, con trai của anh đã chào đời. Vợ anh vẫn ổn và đứa bé vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, ký ức về sự ra đời đầy đau đớn đó vẫn tiếp tục lặp lại trong tâm trí Lewis, rất lâu sau khi gia đình trở về nhà.
“Sau ca sinh, vợ tôi vẫn đang hồi phục sau ca phẫu thuật lớn, vì vậy tôi bị bỏ lại một mình với con, nhưng tôi không cảm thấy mối liên hệ đặc biệt mà mọi người thường nói đến”, anh nói thêm. “Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng vợ tôi vẫn ổn. Con tôi đã trở thành thứ mà tôi phải đối phó”.
Lewis thấy mình trải qua những biến chuyển khi nuôi dạy con cái. Từ giấc ngủ chập chờn mỗi đêm, phải thay tã liên tục đến việc nhìn vào hai mẹ con thân thiết thông qua việc cho con bú.
Anh bắt đầu cảm thấy vô cùng buồn bã, như thể có điều gì đó không ổn đang xảy đến với mình. Điều đó thật lạ, bởi nhiều người khác khi làm cha đều thể hiện sự yêu mến đối với những đứa con của họ.
Nhưng sau đó Lewis phát hiện anh đang trải qua các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Đó là một mảng mà phần lớn vẫn chưa được khám phá ở nam giới.
Chứng trầm cảm sau sinh được biết đến nhiều hơn như một rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến phụ nữ, với từ 10% đến 15% bà mẹ nghĩ rằng mình đã trải qua nó.
Ở Anh, các phụ nữ mới sinh được theo dõi chứng bệnh trầm cảm sau sinh trong các chuyến thăm sức khỏe định kỳ của Dịch vụ Y tế quốc gia.
Tuy nhiên, những người cha lại không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn hoặc kiểm tra định kỳ về căn bệnh này, mặc dù nghiên cứu cho thấy có tới 10% trong số họ có các triệu chứng.
“Cả cha và mẹ đều dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức về sức khỏe tâm thần trong và sau sinh”, tiến sĩ Sharin Baldwin, trưởng nhóm học thuật lâm sàng về điều dưỡng tại Dịch vụ Y tế quốc gia chăm sóc sức khỏe – Đại học Tây Bắc London, nói với báo The Guardian.
Tiến sĩ Baldwin là một trong số ít các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu về tỉ lệ trầm cảm sau sinh ở nam giới.
Sự quan tâm của bà đối với chủ đề này bắt đầu khi chồng bà nói rằng bản thân cảm thấy bị bỏ rơi bởi các dịch vụ sức khỏe trẻ em sau khi đứa con đầu lòng của họ ra đời. Các ấn phẩm tài liệu hoặc sự giúp đỡ cho trẻ sơ sinh dường như chỉ đặt tên là “mẹ và bé”.
Bà bắt đầu “New Dad Study” (Nghiên cứu về người lần đầu làm cha) gồm 3 phần vào năm 2016. 21 người đàn ông thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đã được phỏng vấn về trải nghiệm có con của họ.
Và bà đã thấy rằng một số chủ đề gắn kết họ lại với nhau. “Rất nhiều người đàn ông đã nói về sự kiệt sức của họ khi phải trở lại làm việc và vẫn chăm sóc con cái khi chúng ở nhà, cũng như khó khăn trong việc tách khỏi chúng”, bà Baldwin nói thêm.
Là đàn ông thì phải “nuốt nước mắt vào trong”?
“Cảm giác như không có lối thoát” là vấn đề chung của nhiều người lần đầu làm cha
Lewis cảm thấy mâu thuẫn khi anh ấy trở lại làm việc sau hai tuần nghỉ phép của cha mẹ. “Văn phòng thực sự mệt mỏi và tôi cần nghỉ ngơi khi ở nhà”, anh nói.
“Tôi cảm thấy rất tội lỗi khi quay lại làm việc, vì cảm giác như mình đã bỏ lỡ gì đó, nhưng đôi khi lại thấy nhẹ nhõm. Tôi không muốn làm cho cuộc sống của vợ tôi khó khăn hơn khi giãi bày điều này với cô ấy”.
Tuy nhiên, vợ anh đã nhận thấy sự lãnh đạm và tâm trạng xao động của anh. Cô khuyến khích anh tìm kiếm sự giúp đỡ.
Sau khi được đưa vào danh sách chờ tư vấn của Dịch vụ Y tế quốc gia, Lewis quyết định trả tiền cho các buổi trị liệu riêng để anh có thể bắt đầu ngay lập tức.
“Một vài tháng sau, tôi bắt đầu hiểu được cảm xúc của mình và nhận ra rằng việc sinh nở thật khó khăn cho cả hai chúng tôi”, anh chia sẻ.
Ian Coleman, một nhà trị liệu tâm lý, mô tả “vòng lặp diệt vong” mà anh gặp phải với những người lần đầu làm cha tìm đến anh để được giúp đỡ.
“Đàn ông có thể có những khái niệm nam tính truyền thống khi muốn trở thành trụ cột của gia đình, điều đó có nghĩa là họ không nói về cảm xúc của mình và sau đó họ cảm thấy tội lỗi vì không làm tốt, điều này làm cho chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn”, anh nói thêm.
Tổ chức hỗ trợ từ thiện trầm cảm sau sinh Pandas đã tạo ra nhóm Facebook riêng tư dành cho những người lần đầu làm cha đã phát triển lên 800 thành viên kể từ khi được thành lập vào năm 2020.
Annie Belasco, người điều hành tổ chức từ thiện này, cho biết đã có một “sự gia tăng chậm nhưng ổn định” trong việc mọi người tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ dành riêng cho nam giới.
Theo Belasco, sức khỏe tinh thần của những người cha mới thường bị bỏ qua. “Với 25% đến 50% những người cha trải qua lo lắng hoặc trầm cảm bên cạnh những người mẹ cũng mắc bệnh tâm thần chu sinh, nhu cầu sẽ chỉ tăng lên”, bà chia sẻ thêm.
Nguồn: tuoitre.vn