Câu chuyện nam sinh trường Nguyễn Khuyến tự tử vào giữa tuần, một lần nữa, như lời nhấn mạnh xã hội cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần ở giới trẻ.
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ tự tử ở độ tuổi thanh thiếu niên diễn ra. Gõ từ khóa “người trẻ tự tử” trên Google, sẽ có đến 4,3 triệu kết quả trả về. Duy chỉ có điều rất ít trường hợp thừa nhận trầm cảm vì dẫu sao đây cũng là vấn đề tế nhị.
Không chừa một ai
Có một nhận định chủ quan rằng trầm cảm thường chỉ phổ biến ở những đối tượng có gia cảnh nghèo khó, thất bại trong công việc hoặc tình cảm… Những đối tượng có cuộc sống thoạt trông yên ả và sự nghiệp vững chắc, thu nhập tốt… sẽ thường được mặc định miễn nhiễm với trầm cảm hoặc được dán nhãn “ăn no rửng mỡ” nếu lỡ chia sẻ về những nỗi niềm mắc phải.
“Có thời điểm tôi chẳng thể trò chuyện với bất kỳ ai về các vấn đề trong cuộc sống của mình. Công việc quá áp lực nhưng không phải lĩnh vực mình yêu thích, những nỗ lực của mình không được cấp trên ghi nhận vì không đi nhậu, không “biết điều” với sếp mỗi dịp lễ lạt, người yêu ghen tuông vì mình quá bận…
Làm quản lý một công ty gia công phần mềm, T.H có thu nhập cao, có nhà riêng và một người bạn gái xinh đẹp, trở thành niềm ngưỡng mộ lẫn ganh tị của nhiều bạn bè đồng trang lứa. Chính vì vậy, những dòng status đầy tâm trạng trên Facebook, những dòng thơ thấm đẫm nỗi buồn được bạn cóp nhặt khắp nơi… nằm chơi vơi lạc lõng, có lượt thích hay bình luận ít hơn hẳn so với những tấm hình chụp những khung cảnh, đồ vật xa hoa.
Ít người nhận ra đó là cảm xúc thật T.H đang mắc phải, mọi người chỉ thấy T.H mỗi lúc một nóng tính, dễ cáu gắt. Danh sách bạn bè trên Facebook vơi dần do T.H liên tục “unfriend” (hủy kết bạn), do thấy mất niềm tin ở mọi người.
Những đêm dài lắm mộng, T.H tìm vui trong men bia và khói thuốc lá. Chịu đựng những điều trên trong thời gian dài, T.H dần “lãnh cảm” với công việc lẫn tình yêu…
P.M (31 tuổi, Q.1) từng là học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh và được học bổng toàn phần tại Mỹ. Cha mẹ từ lâu không nói chuyện với nhau một lời, P.M lớn lên trong cảnh ngôi nhà lạnh lẽo, vắng tiếng cười, nhưng đầy tiếng đe nẹt về kết quả học tập.
Dù trí thông minh hơn người nhưng P.M từ lâu cảm thấy mỏi mệt, chán ghét điểm số, chán ghét gia đình lẫn ngôi trường THPT chuyên tại TP.HCM vốn là mơ ước của bao người.
Học xong, P.M về nước và “nổi loạn”, dọn ra riêng và xăm mình đầy người, tiền kiếm được bao nhiêu P.M dành hết cho chuyện bồ bịch, tiệc tùng… Khi được hỏi vì sao không chia sẻ với gia đình hay chuyên gia tâm lý, P.M cho biết “không cần thiết” dù thừa nhận bản thân đã nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử.
“Có nghịch lý không khi cùng lúc trong tôi là cảm giác bất cần xen lẫn ngập tràn cô đơn, luôn thấy trống rỗng và bất an về tương lai, luôn tự hỏi nếu mình không có tiền thì sẽ còn ai kề bên?”, P.M nói.
Hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng P.M và T.H gặp nhau ở một điểm chung: hộc tủ trong phòng luôn đầy những vỉ thuốc ngủ, an thần, luôn hoài nghi cuộc sống và lạc lõng ở giữa đám đông.
Khi “ra đi” là lựa chọn duy nhất
Cuối tháng 2-2018, P. – một cựu sinh viên khoa Anh Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) – đã qua đời tại Mỹ (tình nghi do tự vẫn). Sự ra đi đột ngột của P. khiến nhiều người thương tiếc lẫn bàng hoàng sửng sốt, vì bạn là một tấm gương đầy nghị lực, có công việc và cuộc sống đáng mơ ước, thái độ sống lạc quan.
“Bạn được nhận vào một tập đoàn khách sạn danh tiếng, được trao bằng khen và có tương lai rộng mở. Rốt cuộc là sao? Những điều ấy có làm bạn vui hay chỉ là bên ngoài, còn bên trong bạn buồn rầu, mệt mỏi và đau khổ?”, M.T. (bạn của P.) viết trên Facebook cá nhân.
Rất nhiều câu hỏi “tại sao” được đặt ra, nhưng dĩ nhiên P. đã không bao giờ trả lời được nữa.
Tháng 11-2017, P.Q. (30 tuổi, nhà Q.1) quyết định kết liễu cuộc sống của mình bằng thuốc ngủ, nhưng may mắn được cứu sống kịp thời. Nhớ lại hành động nông nổi của mình, P.Q. cho biết thời điểm đó bạn thấy cái chết không hề đáng sợ.
“Tôi thấy mình không yêu được ai, và không mang lại giá trị gì cho xã hội, nên tôi nghĩ sự ra đi của mình sẽ rất nhẹ nhàng, sẽ chẳng ai đau khổ, vì dẫu sao sợi dây kết dính với cuộc đời gần như không có. Sự trống rỗng giày vò tôi mỗi đêm, tôi muốn kết thúc sớm mọi chuyện”, P.Q giải thích.
Trong một nghiên cứu trên 10.000 người vừa được Anh công bố vào đầu tuần này, tỉ lệ người trẻ cảm thấy cô đơn cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.
Một nghịch lý đáng buồn là có gần 10% người trẻ độ tuổi 16-24 “luôn luôn cảm thấy cô đơn”, cao gấp 3 lần nhóm trên 65 tuổi, tỉ lệ người trẻ 16-24 “có cảm giác cô đơn” cao gấp 63 lần so với người trên 75 tuổi.
Mạng xã hội được cho là một trong những tác nhân chính dẫn đến vấn đề trên. Tình trạng này thậm chí nghiêm trọng hơn ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… những nơi có tỉ lệ người trẻ tự tử luôn nằm trong tốp đầu thế giới.
Tiến sĩ tâm lý (tác giả nhiều đầu sách nổi tiếng về mảng trầm cảm) Dorothy Rowe từng đúc kết: “Trầm cảm là một nhà tù nơi bạn ở cả 2 vai kẻ tù khổ sai lẫn tên cai ngục ác nghiệt”.
Tỉ lệ tự tử ở giới trẻ Việt có xu hướng gia tăng
Đầu năm 2018, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phối hợp Bộ Lao động – thương binh và xã hội công bố kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em – thanh thiếu niên Việt Nam.
Theo đó, có đến 8-29% đối tượng được nghiên cứu (11 đến 24 tuổi) gặp vấn đề sức khỏe tâm thần chung (tùy theo tỉnh thành, giới…), và hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở các em thường ở hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn…) hoặc hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý…). Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử là 2,3% và có xu hướng gia tăng.
Nguồn: tuoitre.vn