Một trái thanh long loại 1 có giá 30 DKK (khoảng 100.000 đồng), bằng giá với 1kg nho Nam Phi không hạt và đắt hơn 1kg cam Tây Ban Nha.

Trái thanh long nhìn từ Đan Mạch - Ảnh 1.

Trái thanh long của Việt Nam trong một siêu thị ở Đan Mạch 

Cách đây vài năm thì nông sản Mexico cũng gặp phải tình trạng “cần được giải cứu” do quá lệ thuộc vào thị trường Mỹ, nhưng nay tình hình này đã được cải thiện nhờ chính quyền của họ đẩy mạnh việc xuất khẩu trái cây, chủ yếu là trái bơ và chanh vào châu Âu.

Theo khảo sát từ ICI Business của Hà Lan, thực hiện cho CBI (Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển), Mexico và Brazil hiện là hai nhà cung cấp chanh tươi (vỏ vàng và vỏ xanh) lớn nhất cho châu Âu.

Châu Âu: thị trường khó tính nhưng lớn và ổn định

Đối với nông sản Việt, từ lâu nay Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường rất khó thâm nhập. Mấy năm trước, gian hàng Việt Nam tại triển lãm EXPO Milano phải mua thanh long Thái Lan, bưởi Nam Phi, xoài Peru mà trưng bày, do trái cây trong nước đưa sang không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của EU, là một dẫn chứng cụ thể.

Khối EU có những quy định rất khắt khe về an toàn sản phẩm, như rau trái tuyệt đối không được chứa dư lượng thuốc trừ sâu, và người dân trong khối cũng có những yêu cầu cao về an toàn sản phẩm mình dùng.

Người dân châu Âu, đặc biệt là tại Tây và Bắc Âu, rất chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe bằng các chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Họ chuộng nông sản hữu cơ, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn (do thường chứa chất bảo quản) và quan tâm đến môi trường cũng như điều kiện làm việc của người làm ra sản phẩm. Về nông sản hữu cơ, Đức là nước có những quy định khắt khe nhất, rồi tới các nước Scandinavia và Anh.

Tuy nhiên, châu Âu, với hơn 500 triệu người tiêu dùng, lại là một thị trường lớn và ổn định, chiếm tới 45% giá trị thương mại toàn cầu của rau quả tươi, 5 trong số 10 nước nhập khẩu rau trái hàng đầu toàn cầu là tại châu Âu.

Thị trường này có nhu cầu lớn và đa dạng đối với trái cây và rau quả trái vụ, hoặc cung không đủ cầu như dâu tây, mâm xôi, các loại việt quất, atisô, anh đào, cam, chanh, cà chua… hay không tự trồng được như trái bơ, xoài, khoai lang, chuối, thơm, lựu, dừa, chà là… nên châu Âu là một thị trường lớn cho các nước đang phát triển tại Trung và Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

Tổng giá trị nhập khẩu từ những nước này, chủ yếu là trái cây tươi, từ năm 2014 tới 2018 đã tăng 38%, đạt 18,2 tỉ euro vào năm 2018, trong khi nhập khẩu từ các nước phát triển và từ châu Âu chỉ tăng 20% trong cùng thời gian, đạt 3,1 tỉ euro năm 2018 (theo số liệu của CBI). Sự chênh lệch về trị giá là do một số loại trái cây nhập khẩu như bơ, xoài, mận hậu, anh đào có giá cao tại châu Âu.

Trái cây châu Á đang lên ngôi

Các loại trái cây “đặc sản” như me ngọt, vải thiều, mít, lồng mứt (sapôchê), chanh dây, khế, chôm chôm, thanh long cũng đang được người châu Âu biết đến nhiều hơn và ưa chuộng dù giá bán khá cao. Từ năm 2014 tới 2018, nhu cầu cho các loại trái đặc sản này của EU đã tăng 14%, riêng dừa tươi nguyên trái tăng 38%.

Việt Nam cũng là một đầu mối cung cấp chanh và dừa nguyên trái cho châu Âu, nhưng số lượng còn khiêm tốn. Dừa tươi Việt Nam chỉ chiếm 2% tổng số dừa nhập khẩu năm 2018, trong khi Thái Lan chiếm 16%.

Tại các siêu thị Đan Mạch hiện nay, người ta có thể mua được chôm chôm Indonesia, vải thiều Madagascar, thanh long Việt Nam, dừa tươi từ Thái hay Bờ Biển Ngà, xoài Peru… Một trái thanh long loại 1 có giá 30 DKK (khoảng 100.000 đồng), bằng giá với 1kg nho Nam Phi không hạt và đắt hơn 1kg cam Tây Ban Nha.

Trong các nước châu Âu thì Đức là thị trường lớn nhất cho rau quả tươi nhập khẩu, chiếm 16% tổng số lượng nhập khẩu của các nước châu Âu. Trong năm 2018, các công ty Đức đã nhập khẩu 9,2 triệu tấn rau quả, trong số này có 2,4 triệu tấn nhập trực tiếp từ các nước đang phát triển.

Pháp – nước có dân số lớn thứ hai ở châu Âu – cũng là một trong những thị trường điểm của các nhà xuất khẩu nông sản. Năm 2018, Pháp đã nhập khẩu 3,5 triệu tấn trái cây và 2,4 triệu tấn rau, phần lớn từ các nhà cung cấp tại Tây và Bắc Phi, vừa để dùng, vừa xuất sang một số nước châu Âu khác.

Tất nhiên muốn vào một thị trường lớn nhưng khó tính và kén chọn như châu Âu thì nhà nông Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều và cần tới sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng. Những chuyện cần phải làm kể ra không hết, nhưng nếu không như thế thì chẳng biết tới khi nào chúng ta mới hết phải nghe điệp khúc “giải cứu nông sản”!

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Đan Mạchgiải cứuthanh longthị trường

Các tin liên quan đến bài viết