Hội thảo chuyên đề Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Đây là sự kiện được Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, IEC Consulting và Liên minh hợp tác công – tư Phát triển đô thị thông minh phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam.
Hình mẫu để xây dựng các thành phố thông minh
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay khoảng 55% dân số thế giới sống ở đô thị. Các đô thị đóng góp 70% GDP toàn cầu. Dự báo đến năm 2050, khoảng 66% dân số toàn cầu sẽ sống ở các đô thị.
Bắc Mỹ hiện là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất với 82%, châu Âu là 72%, châu Úc là 71%, châu Á khoảng 46%. Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ đô thị hóa của khu vực này là 48,7%, chiếm 68% GDP của các nước trong khu vực.
Việt Nam là nước có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn mức trung bình của châu Á và khu vực. Cả nước hiện có 863 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa 40,5% (số liệu tháng 6/2022). Đóng góp của kinh tế đô thị vào GDP nước ta là khoảng 70%.
Theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh, nhiều nước trên thế giới đã tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để xây dựng các đô thị thông minh.
Trong đó, 6 đô thị thông minh nhất hiện nay là New York, London, Paris, Tokyo, Reykjavik và Singapore. Điểm chung của các đô thị thông minh này là hạ tầng giao thông kết nối tốt, giao thông công cộng được chuyển đổi số và kết nối với các hệ thống giám sát, điều khiển.
New York (Mỹ) là thành phố thực hiện rất tốt việc chuyển đổi số ngành cấp nước. Người dân ở đây theo dõi được lượng nước cũng như chất lượng nước tiêu thụ.
Ở Paris (Pháp), thành phố này đang chuyển sang các hệ thống giao thông không dùng năng lượng hóa thạch. Với Singapore, họ có những thùng rác thông minh, xử lý ngay tại các trạm mini.
Tại Nhật, chính quyền Tokyo đã xây dựng nhiều giếng chứa nước khổng lồ, có thể tích lũy hàng triệu mét khối nước nhằm đối phó với các trận mưa lớn do thời tiết cực đoan.
“Hiện 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã có đề án về việc xây dựng thành phố thông minh. Vấn đề giờ đây là chúng ta nên chọn mô hình gì và làm như thế nào. Các thành phố sẽ phải dựa vào điều kiện cụ thể của mình để lựa chọn việc phát triển đô thị thông minh cho phù hợp”, PGS.TS Vũ Ngọc Anh chia sẻ.
Điểm sáng của Việt Nam về mô hình thành phố thông minh
Đà Nẵng là một trong những địa phương tích cực nhất cả nước trong việc triển khai mô hình đô thị thông minh. Theo ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, tại đây, người dân khi đi xe buýt có thể đứng ở vị trí của mình và gửi tin nhắn theo cú pháp tới tổng đài để nhận được thông tin về các tuyến và trạm xe buýt gần nhất.
Với du khách, khi đến một nhà hàng bất kỳ tại Đà Nẵng, họ có thể nhắn tin theo cú pháp về tên, địa chỉ nhà hàng. Hệ thống sau đó sẽ gửi tin nhắn cho biết nhà hàng đó đã được cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm hay chưa, lịch sử của cơ sở kinh doanh đó có vi phạm về an toàn thực phẩm không.
Tương tự đối với dịch vụ vận tải, khi du khách sử dụng dịch vụ vận tải tại Đà Nẵng, họ có thể nhắn số xe của người cung cấp dịch vụ cho tổng đài. Hệ thống sẽ trả về thông tin chi tiết cho biết chiếc xe sử dụng được đăng ký năm nào, có thường xuyên bảo dưỡng định kỳ hay không.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, thành phố đã triển khai Trung tâm giám sát giao thông thông minh để điều hành đèn tín hiệu giao thông. Hệ thống còn có khả năng giám sát việc đỗ xe ở các tuyến đường. Người dân Đà Nẵng cũng có thể xác định vị trí đỗ xe thông qua app.
Ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, để triển khai chuyển đổi số thành phố thông minh, cần có sự quyết tâm của lãnh đạo, nguồn lực, có lộ trình triển khai và tầm nhìn lâu dài.
Đô thị thông minh ở Việt Nam cần những gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và Đổi mới công nghệ (Tập đoàn Viettel), cốt lõi của đô thị thông minh sẽ tiến hóa theo 5 bước.
Đầu tiên, phải xây dựng được mạng lưới cảm biến ở khắp nơi trong thành phố. Tiếp đến, sau khi thu thập dữ liệu, cần kết nối các dữ liệu này tới các nền tảng quản lý.
Ở bước thứ 3, sau khi đã kết nối, cần có nền tảng để phân tích và điều hành các hệ thống theo thời gian thực. Sau đó, cần tích hợp tất cả hệ thống đó lại thành một hệ thống thành phố thông minh duy nhất. Cuối cùng là việc cung cấp các dịch vụ của thành phố thông minh cho người dân.
Chia sẻ về các đặc điểm cần có của một đô thị thông minh ở Việt Nam, ông Huỳnh Lượng Duy Thông – Giám đốc Lab R&D TP.HCM (Tập đoàn VNPT) cho rằng, vấn đề các đô thị lớn đang gặp phải là lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, từ đó dẫn đến việc ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự đô thị.
Bên cạnh đó, theo ông Thông, tình hình an ninh trật tự hiện nay cũng diễn biến khá phức tạp, tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, cướp giật,… có chiều hướng gia tăng. Do vậy, các đô thị ngày nay cần có các giải pháp ứng dụng CNTT để giải quyết vấn đề này.
“Đó có thể là hệ thống giám sát giao thông qua camera. Hiện hệ thống giám sát do VNPT phát triển có thể nhận diện khuôn mặt và các đặc điểm như giới tính, độ tuổi để tìm khớp dữ liệu trong kho có sẵn. Hệ thống này cũng được tích hợp AI để phát hiện việc có người đột nhập khu vực cấm hay hành vi tụ tập đông người trái phép,…” ông Thông chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, các thành phố thông minh tại Việt Nam cũng nên ứng dụng các giải pháp lắng nghe mạng xã hội. Đây là hệ thống có khả năng rà quét thông tin trên Facebook, YouTube, báo chí và các diễn đàn, sau đó tiến hành phân tích và đưa ra các chủ đề được quan tâm nhất.
Trên cơ sở thông tin tổng hợp cũng như các sắc thái của người dùng mạng xã hội, cơ quan chức năng có thể tìm ra các vấn đề được dư luận quan tâm để xử lý, giải quyết hiệu quả, nhanh chóng.
Nguồn: vietnamnet