Hiện, TPHCM có 25 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm và 10 vị trí nguy hiểm. Tuy nhiên, công tác xây dựng công trình chống sạt lở, di dời dân cư còn chậm vì khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch, trong đó 25 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 10 vị trí nguy hiểm.

So với năm 2017 thì giảm 5 vị trí sạt lở. Cụ thể, phát sinh 3 vị trí mới, giảm 8 vị trí do đã xây dựng bờ kè hoặc di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức năm 2016

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức năm 2016

TPHCM có 38 dự án xây dựng công trình đê kè cho 40 vị trí sạt lở năm 2017. Trong đó, 6 dự án hiện đã cơ bản hoàn thành công trình kè, 18 dự án khác đang triển khai thi công, những dự án còn lại cũng đang chuẩn bị thực hiện.

Trong 38 dự án chống sạt lở thì có tới 29 dự án phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện, 3 dự án đang chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân, 16 dự án đang trình Hội đồng thẩm định bồi thường TP thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường, 7 dự án đang trong giai đoạn đo vẽ, lập hồ sơ đơn giá bồi thường và 3 dự án đang ở bước lập, phê duyệt đầu tư.

Dự kiến, trong năm 2018 sẽ hoàn thành 8 công trình, trong đó Khu Quản lý đường thủy nội địa hoàn thành 7 công trình và UBND huyện Nhà Bè hoàn thành 1 công trình.

Sở GTVT TP cho biết, do công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dời dân còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.

Do đó, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương thực hiện nhanh việc di dời khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão sắp đến.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và cam kết thời gian bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án xây dựng kè phòng chống sạt lở.

3 vị trí sạt lở mới trong năm 2018:

Vị trí số 1: Bờ phải rạch Tra, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, sạt lở đường vào Nhà máy Tân Hiệp. Mức độ sạt lở nguy hiểm, hiện đang lập dự án đầu tư xây dựng kè.

Vị trí số 2: Bờ phải sông Chợ Đệm – Bến Lức, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đang trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư công.

Vị trí số 3: Bờ phải rạch Bàu Le (thượng lưu cầu Bàu Le), xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Mức độ sạt lở nguy hiểm, chưa có dự án đầu tư.

Theo Dân trí

Từ khóa : khu vực sạt lởsạt lở bờ sông

Các tin liên quan đến bài viết