Điều này được lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh tại buổi họp báo hôm qua 3-8, khi người dân còn nhiều băn khoăn với kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin đợt 6 của TP.HCM.

TP.HCM tiêm vắc xin miễn phí và tự nguyện - Ảnh 1.

Bà Bùi Nữ (67 tuổi) được tiêm vắc xin AstraZeneca tại Q.11, TP.HCM chiều 3-8 

Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức tổng kết cho biết đến tối 2-8, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành đợt tiêm ngừa COVID-19 thứ 5 với hơn 920.000 liều vắc xin. Đợt tiêm này có 1.039 người có phản ứng sau tiêm, hầu hết là triệu chứng nhẹ và được xử lý ổn định, không có trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chưa tiêm vắc xin Sinopharm

Theo ông Đức, từ ngày 3-8, TP.HCM đã bước vào đợt tiêm ngừa thứ 6, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8. TP.HCM có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên và đến nay đã tiêm được 2 triệu liều. Trong đó, có khoảng 800.000 người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca trước ngày 30-6 cần phải tiêm mũi 2 vào cuối tháng 8 và khoảng 25.000 người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna trước 31-7 cần phải tiêm mũi 2 vào tuần cuối tháng 8.

Như vậy, tổng số cả mũi 1 và mũi 2 TP.HCM cần có khoảng 5,5 triệu liều. Để có nguồn vắc xin tiêm trong đợt 6 này, UBND TP đã gửi văn bản đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế trong tháng 8 cấp cho TP.HCM khoảng 5 – 5,5 triệu liều vắc xin.

Riêng về 1 triệu liều vắc xin Sinopharm đã về TP.HCM, theo ông Đức, đây là lượng vắc xin được nhà tài trợ tặng cho TP.HCM. Lô vắc xin này đang trong quá trình được Bộ Y tế kiểm định độ an toàn nên chưa đưa vào tiêm chủng, nếu kiểm định an toàn sẽ tiến hành tiêm chủng theo đúng quy trình như các vắc xin khác.

Ông Đức cũng khẳng định tất cả các loại vắc xin được tiêm cho người dân hiện nay đều phải được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế cấp phép sử dụng và chủ trương lâu nay của cả nước là tiêm miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin trên tinh thần tự nguyện, những người đồng ý tiêm sẽ được tiêm.

Ông Đức cho biết hiện nay Sở Y tế đã phối hợp với các địa phương huy động tất cả các nguồn lực, bao gồm y tế công lẫn tư, quân đội của các tỉnh hỗ trợ. Hiện riêng nguồn TP đảm bảo được 1.200 đội tiêm và với quy trình hiện nay công suất đạt 250 người/đội/ngày. Như vậy riêng các đội tiêm của TP.HCM sẽ đạt 300.000 mũi/ngày.

Phấn đấu tiêm 300.000 liều/ngày

Phát biểu tại cuộc họp, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi xác định vắc xin là một trong những điều kiện quyết định, quan trọng để TP.HCM đạt được trạng thái bình thường mới.

Theo ông Mãi, cho đến nay sau 16 đợt cấp, nhận và triển khai tiêm vắc xin, TP.HCM nhận 4 loại vắc xin các loại. Các loại vắc xin này đã được WHO cho phép lưu hành và được Bộ Y tế phê duyệt cho phép sử dụng ở Việt Nam. Đến ngày 1-8, TP.HCM đã nhận trên 2,5 triệu liều các loại và đã triển khai tiêm theo nguyên tắc minh bạch, tự nguyện. Về chất lượng, đến nay có thể đánh giá đảm bảo an toàn, tiến độ ngày càng nhanh hơn do cải tiến, rút kinh nghiệm, cải thiện năng lực tiêm.

Ông Mãi nhấn mạnh TP.HCM đạt mục tiêu tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, TP.HCM đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu 300.000 liều/ngày. Trong tháng 8 nếu đảm bảo nguồn cung liên tục, TP.HCM sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70-80% dân số trên 18 tuổi.

TP.HCM tiêm vắc xin miễn phí và tự nguyện - Ảnh 2.

Điểm tiêm vắc xin tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tiêm khoảng 2.000 dân sống tại phường 1 và 4, Q.Gò Vấp ngày 3-8 

Cắt bớt vắc xin các nơi để phân bổ cho TP.HCM

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 3-8 cho hay Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ trên 600.000 liều AstraZeneca (trong lô mua qua Công ty VNVC về Việt Nam ngày 2-8) cho TP.HCM, đồng thời điều chỉnh quyết định phân bổ từ tháng 7, nâng số lượng phân bổ cho TP.HCM lên gấp 3 so với quyết định cũ.

Như vậy TP.HCM có thêm trên 1 triệu liều vắc xin, nâng tổng số đã phân bổ lên trên 4 triệu liều, bằng 20-21% tổng số 18 triệu liều Việt Nam đã tiếp nhận cho đến nay.

Bộ Y tế cho biết số lượng vắc xin cho các tỉnh phía Nam dịch cũng đang nóng vẫn thuộc nhóm ưu tiên, phần điều chỉnh phân bổ cho TP.HCM được cắt bớt của các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Thông tin từ nhóm nghiên cứu NanoCovax cho biết hôm nay 4-8 nhóm sẽ gửi báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3, với 1.000 người được tiêm từ 11-6 đến giữa tháng 7.

Qua lấy mẫu đánh giá, vắc xin có hiệu quả sinh kháng thể và trung hòa virus tốt, kể cả với chủng Delta là chủng đang gây dịch mạnh. Tuy nhiên với các địa phương đề nghị được tiêm NanoCovax sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a và 3b như Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp…, quy định hiện hành chưa cho phép “dùng thử nghiệm”.

Nếu tiêm thử nghiệm thì vẫn phải thực hiện theo đề cương là 2 người tiêm vắc xin 1 người tiêm giả dược, nhưng cho đến nay nhà sản xuất vắc xin chưa có dự định về thời gian thử nghiệm tiếp ở giai đoạn 3c. Vì thế dù nhiều địa phương mong muốn, rất khó có thể có việc cho tiêm vắc xin NanoCovax.

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến ngày 2-8 với các đơn vị đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc xin nội, bao gồm NanoCovax, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết “mong sớm có vắc xin trong nước sản xuất”. Tuy nhiên với các điều kiện về pháp lý hiện nay, không dễ cấp phép khẩn cấp vắc xin nội địa, dù với vắc xin ngoại, đến nay đã có 6 vắc xin được phê duyệt.

Cam kết không để bà con ở lại TP.HCM thiếu đói

Liên quan vấn đề người dân rời TP.HCM về quê, ông Phan Văn Mãi cho rằng trong thời điểm các địa phương đồng loạt thực hiện chỉ thỉ 16, việc hàng triệu người di chuyển về quê sẽ gây khó khăn trong việc đón nhận, gây áp lực lớn cho công tác phòng chống dịch của TP.HCM và các địa phương.

Ông Mãi đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại. “TP.HCM sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo chăm lo cho bà con khi lưu trú tại TP.HCM, chúng tôi cam kết không để bà con thiếu đói” – ông Mãi nhấn mạnh.

Ông Mãi cho biết đã chỉ đạo đến các địa phương, các tổ chức nắm bắt các đối tượng cần hỗ trợ, huy động tất cả nguồn lực, tổ chức các đội ngũ thông qua tổng đài để hỗ trợ kịp thời cho người dân. “Tất cả bà con sẽ được thống kê, được hỗ trợ” – ông Mãi nói.

Tiêm vắc xin cho shipper, người nghèo, người ở lại TP.HCM

shipper

Tài xế Nguyễn Vĩnh Hoàng vui mừng khoe giấy xác nhận sau khi được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 

Hôm qua 3-8, tại điểm tiêm Trường đại học Công nghiệp, quận Gò Vấp, ngồi ở khu vực theo dõi sau tiêm để nghỉ ngơi vì huyết áp tăng cao, ông Phạm Minh Châu (57 tuổi) cho hay rất vui khi được tiêm vắc xin. Ông cho biết trước đây ông làm thợ hồ nhưng sức khỏe yếu dần nên nghỉ việc, ở nhà phụ vợ đẩy xe bán trái cây. Dịch bùng phát, hai vợ chồng cũng thất nghiệp. Cả gia đình ông ai cũng được tiêm vắc xin.

Các nhân viên giao hàng (shipper) cũng đã được tiêm ở đợt này theo đề xuất của Sở Công thương. Đại diện Grab Việt Nam cho biết vào ngày 27-7 và 28-8, hàng ngàn shipper Hãng Grab đã được tiêm vắc xin tại 5 điểm tiêm ở quận 7. Anh Nguyễn Văn Minh, một shipper Grab được tiêm vắc xin, cho biết dù đang dịch bệnh nhưng lực lượng shipper vẫn phải làm việc mỗi ngày, tiếp xúc nhiều người. “Chúng tôi nghỉ thì mất việc, không có tiền lo cho cuộc sống gia đình. Còn ngày nào cũng đi giao hàng thì ai nấy vô cùng lo lắng. Từ đầu đợt dịch, chúng tôi luôn mong chờ TP hoặc hãng xe có chính sách cho tiêm vắc xin để an tâm làm việc. Rất may chúng tôi được ưu tiên cho tiêm”, anh Minh nói.

Những người chọn không về quê ở lại TP.HCM cũng được ưu tiên tiêm vắc xin. Ngày 2-8, đội tiêm vắc xin lưu động của quận 1 đã triển khai tiêm ngừa cho người dân ở trong những khu phong tỏa của phường Tân Định, như đường Mã Lộ, hẻm 52 Nguyễn Hữu Cầu, hẻm 15 Bà Lê Chân.

Ngồi ở hàng ghế chờ, Tạ Yến Hào (21 tuổi, quê Ninh Thuận) cho biết anh cùng ba người khác đều là nhân viên phục vụ tại một quán ăn được đăng ký tiêm vắc xin đợt này. “Dịch căng thẳng như thế này, muốn về quê cũng không dễ, đi lại khó khăn, nên tôi được chủ quán động viên ở lại TP.HCM để được tiêm vắc xin sớm. Do đó tôi quyết định ở lại và hôm nay thực sự đã đến lượt mình được tiêm”, Hào chia sẻ.

Chiều 3-8, tại điểm tiêm ở Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11 tiếp tục ưu tiên tiêm cho người 65 tuổi trở lên. Có mặt tại điểm tiêm này, ông Trần Tứ Phượng, 73 tuổi, cho biết vợ chồng ông vừa được phường thông báo vào sáng 3-8. Đến chiều 3-8 thì cả hai vợ chồng đã được tiêm xong, ông Phượng đánh giá quy trình tiêm của quận nhanh chóng, thuận lợi cho người dân.

Theo thống kê, quận 11 có 15.000 người 65 tuổi trở lên, trong đó đã tiêm cho khoảng 5.500 người. Bà Trần Thị Bích Trâm, phó chủ tịch UBND quận 11, cho biết quận đặt mục tiêu 30 ngày xây dựng “vùng xanh” vắc xin và cố gắng hoàn thành trong 15 ngày.

Ngày 3-8, nhiều điểm tiêm vắc xin COVID-19 ở TP.HCM đã bắt đầu đợt tiêm thứ 6 với nhiều nhóm được mở rộng hơn trước như: người dân ở tỉnh ở lại TP.HCM, người khó khăn, shipper…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19phòng chống Covid -19tiêm Vắc xinTiêm vắc xin COVID-19 ở TP.HCM

Các tin liên quan đến bài viết