Do nhu cầu tăng đột biến, nhiều cửa hàng và siêu thị đóng kênh mua bán online. Đơn hàng giao cũng trễ hơn trước.
Chị Ngọc Thiện (Bình Thạnh) sáng nay 8/7 lên các cửa hàng online quen để mua thực phẩm cho vài ngày tới. Tuy vậy, cả 3 cửa hàng chị thường mua đều thông báo hết hàng.
Cửa hàng Meat World chỉ có dòng thông báo “bảo trì website”, do lượng truy cập vào tăng cao. Đồng thời hướng dẫn khách mua hàng trên các ứng dụng Grab, Now, Beamin.
Website của cửa hàng Famers’ Market cũng không hiển thị danh sách hàng hoá như thông thường mà đề nghị “trở lại sau”, do nhu cầu tăng đột biến trong giai đoạn giãn cách.
Một website bán hàng online thông báo bị quá tải do nhu cầu tăng. |
Cửa hàng G Kitchen cũng giải thích nhu cầu tăng đột biến dẫn đến một số sản phẩm tạm hết hàng.
Chị Thiện thử vào trang Facebook của Farmers’ Market để đặt hàng, thì nhận được hướng dẫn ra trực tiếp cửa hàng, hoặc đặt qua ứng dụng. Cửa hàng không nhận đơn online như thường lệ.
“Thường em đặt online, hai ba ngày sau cửa hàng sẽ giao tới. Mà nay cả 3 cửa hàng đều từ chối”, chị Thiện nói với ICTnews. “Cũng may nhà em còn đủ thực phẩm cho khoảng 3-4 ngày nữa”, nữ nhân viên công ty truyền thông cho biết.
Thường chị Thiện đặt hàng trước, chờ vài ba ngày hàng giao thì đủ ăn cho những ngày kế tiếp.
Chị Thuỷ (Quận 1) thường mua thực phẩm ở cửa hàng Vinmart gần nhà. Chị hay chat với nhân viên qua Zalo để được lên đơn, sau đó giao hàng.
“Nhưng hai bữa nay em chat rồi gọi mà họ lơ em luôn”, chị Thuỷ buồn bã nói.
Chị L.T (Quận 4) hay mua hàng ở cửa hàng 3 Sạch qua Zalo. Sáng nay, chị mua một số rau củ cho cả nhà. Tuy vậy, các loại rau chân vịt, trứng gà ta, rau tần ô, mướp, rau muống,… chị đặt đều được nhân viên phản hồi “hết hàng”. Riêng đơn hàng chị L. đặt ở Vinmart từ hôm qua nhưng đến nay vẫn chưa có, trong khi thông thường sẽ giao trong vòng 2 giờ.
Tình trạng khan hàng cũng diễn ra trên một số ứng dụng gọi đồ ăn. Chẳng hạn, cửa hàng G Kitchen Tân Phú trên ứng dụng Grab hầu như rất ít hàng hoá. Trong nhóm thịt/trứng có tổng cộng khoảng 32 món nhưng chỉ còn mỗi món huyết hấp (tuy nhiên món này cũng hết hàng sau khi PV ICTnews quay lại sau khoảng 1 giờ).
Ở cửa hàng Bạch Khuê cũng trên ứng dụng này, các món phổ biến như cá diêu hồng, cá ngừ, cá bạc má, cá basa, cá lưỡi trâu… đều trong tình trạng không thể đặt. Riêng hàng thịt có 5 món thì không còn món nào.
Do nhu cầu gia tăng và hàng hoá có thể hết bất cứ lúc nào nên ngay cả những món có trên ứng dụng vẫn chưa chắc còn. Chẳng hạn một người bạn của chị Ngọc Thiện đặt hàng để nấu thức ăn cho mèo nhưng tài xế huỷ đơn hàng.
“Bản thân tài xế phải đứng xếp hàng chờ ở siêu thị nên sợ mất thời gian, khi vào đến nơi chưa chắc đã còn hàng nên phải huỷ đơn”, chị Thiện nói.
Tình trạng khan hiếm cũng xảy ra tại các siêu thị. Anh Bùi An (Tân Phú) thường đi chợ ở gần nhà, tuy nhiên chợ đã đóng cửa nên phải đi Bách hoá Xanh, Vinmart.
“Vẫn còn vài hàng thịt cá ngoài chợ, giá tăng trung bình 50%. Riêng rau cũng tăng 2-3 lần”, anh Bùi An nói. Dù vậy, trong sáng nay cả chợ lẫn Bách hoá Xanh đều không còn cá để mua.
Lượng người đi chợ, đi siêu thị tăng cao đã khiến cung không đủ cầu. Chị Giang (chung cư Horizon, Quận 1) cho biết, dưới chung cư nhà chị luôn có một hàng dài người xếp hàng vào mua. Cứ mỗi tốp 5 người vào mua xong thì tốp khác mới được vào.
“Công việc họp hành online cũng khá bận nên cứ mỗi lần rảnh đều chạy xuống mua đồ, nhưng nhìn người xếp hàng ngán quá nên thôi. Cứ vậy nên cả mấy bữa nay đều chưa mua được gì”, chị Giang chia sẻ.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng chính phủ, kết hợp với Chỉ thị 10 của thành phố trong khoảng thời gian gần đây nhằm bảo đảm chống dịch. Từ 0 giờ ngày 9/7 thành phố sẽ chính thức áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thắt chặt hơn các quy định phòng dịch.
Do lo ngại việc hạn chế đi lại và hàng hoá khan hiếm, rất nhiều người dân đã đổ ra các siêu thị để mua hàng, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhất thời diễn ra. Cùng với đó, giá cả hàng hoá cũng gia tăng.
Thành phố khẳng định vẫn cung cấp đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong nhiều ngày tới, đồng thời kêu gọi người dân không nên mua hàng tích trữ.
Nguồn: vietnamnet