Theo nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP nên lên tiếng đề nghị để được thí điểm bỏ HĐND phường như Hà Nội.

Sáng nay, các ĐBQH thảo luận tại tổ dự thảo nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Tại những phường thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 – 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 – 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thành lập.

TP.HCM nên đề nghị được thí điểm bỏ HĐND phường như Hà Nội
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, có ý kiến băn khoăn khi Chính phủ đề xuất thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại tất cả đơn vị hành chính phường (177 phường) thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội. Như vậy là thực hiện diện rộng trên phạm vi toàn TP chứ không phải thí điểm một vài nơi, sau đó mới nhân rộng ra toàn TP.

Về vấn đề này, Chính phủ cho biết, để bảo đảm tính thống nhất của tổ chức bộ máy chính quyền trên địa bàn toàn TP, tạo thuận lợi trong việc ban hành và triển khai thực hiện các quy định, các chính sách trên toàn địa bàn TP, cần thiết phải thực hiện không tổ chức HĐND tại tất cả các phường.

Việc đề xuất thí điểm là do không phù hợp với luật Tổ chức chính quyền địa phương, vì vậy cần thiết thực hiện thí điểm để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của QH quy định tại luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Có đường dây nóng để người dân tiếp xúc thuận tiện HĐND quận

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) tán thành bỏ HĐND cấp phường, nhưng đề nghị thiết kế trong quy định phải xem lại chức năng HĐND quận.

Đầu tiên là cơ chế bầu cử để tất cả các phường không cần bầu HĐND phường nữa, cơ cấu HĐND quận có tính chất đại diện, bao quát tất cả các phường. Nếu cần thì tăng thêm số đại biểu HĐND quận.

Theo ông, nên tổ chức việc tiếp xúc cử tri, tổ chức đường dây nóng để làm sao người dân ở các phường có điều kiện tiếp xúc thuận tiện HĐND quận.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, trước đây chúng ta đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 địa phương, trong đó có Hà Nội. Dù còn có một số vấn đề nhưng ưu điểm là cơ bản.

TP.HCM nên đề nghị được thí điểm bỏ HĐND phường như Hà Nội
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: Cái gì cũng lấy Thủ đô để thí điểm thì cần cân nhắc thận trọng

Bà Tâm cho hay, khi nghiên cứu thì thấy nên bỏ HĐND quận, giữ HĐND phường, theo đó cần cơ cấu lại HĐND cấp phường về nhiệm vụ, chức năng là sát với người dân, giải quyết những vấn đề sát gần với người dân.

Nếu tổ chức 2 cấp thì cấp phường và tỉnh/TP. Hoặc chỉ tổ chức HĐND 1 cấp thì tổ chức HĐND cấp tỉnh thực sự mạnh để đại diện, giải quyết được mọi vấn đề và cần có ban đại diện của dân, thay mặt cho dân… Điều này cần nghiên cứu thêm.

Tuy nhiên, theo bà Quyết Tâm, TP nên lên tiếng đề nghị để TP cũng được thí điểm đồng thời với Hà Nội.

“Cái gì cũng lấy Thủ đô để thí điểm thì cũng cần cân nhắc thận trọng đến sự thành hoặc không thành, sẽ giải quyết được vấn đề gì.

TP.HCM là một tỉnh thành lớn, đại diện cho phía Nam, có tính đặc thù riêng. Đô thị của TP.HCM so với Hà Nội cũng có tính đặc thù riêng.

TP đã có một đề án chính quyền đô thị khá hoàn chỉnh, đã trình tới cấp Bộ Chính trị”, bà Tâm nói.

Cho Hà Nội thí điểm, các nơi khác cũng muốn liệu có được?

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt vấn đề, 177 phường sẽ thí điểm bỏ HĐND, nhưng trong xu thế sáp nhập hiện nay có những phường chưa chuẩn thì có tính tới lộ trình sáp nhập chưa.

TP.HCM nên đề nghị được thí điểm bỏ HĐND phường như Hà Nội
ĐB Đặng Thuần Phong: Nếu bỏ HĐND phường thì kiểm soát quyền lực như thế nào?

Ông cho rằng, chúng ta phải tính toán vì liên quan tới đội ngũ cán bộ, bộ máy điều hành.

Ủng hộ chủ trương, song theo ĐB Phong, bây giờ cho Hà Nội thí điểm thì sau này các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ muốn xin thí điểm nữa liệu có được không.

ĐB Bến Tre cũng nêu cảm nhận việc vướng cái gì thì hay đổ cho HĐND.

Theo ông, kiểm soát quyền lực hết sức quan trọng, nếu bỏ HĐND phường thì sẽ kiểm soát quyền lực như thế nào, bản thân HĐND có lỗi gì không?

“Các phát sinh, hệ luỵ từ phường xảy ra thì ai sẽ là người đại diện kiểm soát quyền lực đó”, ông Phong đặt câu hỏi.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu thí điểm thì nên thí điểm ở 2 khía cạnh. Một là thí điểm bỏ HĐND cấp xã theo nghị quyết này; hai là nên bỏ HĐND cấp huyện, lý do cấp huyện là cấp để triển khai thực hiện chứ không phải là cấp để bàn bạc nhiều, vì HĐND cấp tỉnh quyết các vấn đề của cấp huyện rồi.

“HĐND cấp huyện không cần thiết, nhưng HĐND cấp xã lại rất  cần. Bởi vì toàn bộ nhiệm vụ của chúng ta là dồn về cấp xã”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Hà NộiHĐNDsắp xếp bộ máytinh gọn bộ máyTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết