Các tỉnh khác có các chỉ số chống dịch giảm mạnh, còn TP.HCM giảm chậm, vì sao?

TP.HCM mắc kẹt giữa các tiêu chí chống dịch, vì sao? - Ảnh 1.

TP.HCM đạt tỉ lệ tiêm chủng cao

Trong lộ trình đưa các địa phương, đặc biệt TP.HCM sớm mở cửa trở lại cuộc sống bình thường mới, Bộ Y tế đưa ra 4 tiêu chí cần phải đáp ứng. Lộ trình này đang được Bộ Y tế gấp rút lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cùng các bộ, ngành và UBND TP.HCM trước khi ban hành.

Tuy nhiên, xét trên tình hình dịch bệnh thực tế, xem ra TP.HCM sẽ “mắc kẹt”.

TP.HCM có thể đáp ứng được 2/4 tiêu chí

Đối chiếu với tình hình dịch bệnh thực tế tại TP.HCM có thể thấy có 2 tiêu chí mà thành phố đạt được là về tỉ lệ tiêm vắc xin và đảm bảo số giường hồi sức.

Theo đó tính đến nay, TP.HCM đã có 191 cơ sở cách ly tập trung (35.369 giường), 81 bệnh viện tầng 2 (64.400 giường) và 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức chuyên sâu ở tầng 3 (4.600 giường). Ngoài ra hiện có 9 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện chuyên khoa tư nhân đã tham gia tiếp nhận điều trị COVID-19 với tổng số giường là 1.085 giường.

Song song năng lực hiện có, trong điều trị hồi sức cho bệnh nhân mắc COVID-19 thời gian qua, ngành y tế liên tục được “tiếp sức” nhiều “vũ khí” như máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập, không xâm nhập, hệ thống oxy dòng cao (HFNC), máy lọc máu liên tục, hệ thống ECMO… Ngành y tế cũng đã lắp đặt 7.799 giường có oxy (khẩu thở) và 113 bồn oxy tại các bệnh viện với tổng dung tích 821m3.

Tỉ lệ bao phủ tiêm chủng của TP.HCM được các chuyên gia đánh giá khá lạc quan. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 14-9 đã tiêm được trên 8,1 triệu liều vắc xin, trong đó có 6,58 triệu liều vắc xin mũi 1 (chiếm 91,3%) và 1,57 triệu liều vắc xin mũi 2 (chiếm 21,8%).

Đặc biệt trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, TP.HCM hiện đã “thoát” khỏi danh sách 10 tỉnh có tỉ lệ tiêm thấp nhất (tính theo số mũi/số vắc xin được phân bổ). Và với tốc độ tiêm chủng đang được đẩy nhanh (xấp xỉ 200.000 mũi/ngày), dự kiến trong ít ngày tới mục tiêu bao phủ tiêm chủng mũi 1 cơ bản sẽ hoàn thành.

TP.HCM đối diện với tỉ lệ mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính trong cộng đồng/ngày vẫn còn khá cao. Từ 27-4 đến nay, TP.HCM đã lấy tổng cộng 1.885.425 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó phát hiện 309.707 ca dương tính (đa số cộng đồng), chiếm 16,4%.

Đơn cử ngày 12-9 lấy mẫu (đơn và gộp) vùng xanh, cận xanh và vàng tất cả 77.555 người, trong đó có 5.479 người dương tính (chiếm 7,4%). Ngày 13-9 lấy mẫu của 68.365 người, kết quả 5.927 người dương tính (chiếm 8,7%).

F0 vẫn còn trong cộng đồng

Với các số liệu phân tích trên, một chuyên gia dịch tễ cho rằng số F0 đang “ẩn nấp” trong cộng đồng còn khá lớn. Tuy nhiên rất khó để làm sạch F0 trong cộng đồng. Và để giảm thiểu đến mức tối đa, TP.HCM đòi hỏi cần phải kéo dài thêm thời gian giãn cách triệt để, song song đẩy mạnh xét nghiệm để bóc tách F0 càng nhiều và càng sớm càng tốt.

Trong cuộc họp báo cách đây ít ngày, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cũng chỉ ra trong 4 tiêu chí Bộ Y tế hướng dẫn có 1 tiêu chí rất khó, TP.HCM chưa thể đạt được đó là số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất. Theo ông, biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên cũng không xuống.

Điều này là có cơ sở khi theo thống kê, TP.HCM đối mặt với tỉ lệ ca mắc cộng đồng mỗi ngày chưa có dấu hiệu giảm. Chẳng hạn ngày 8-9 là 7.309 ca; ngày 9-9 là 5.549 ca; ngày 10-9 là 7.550 ca; ngày 11-9 là 5.630 ca; ngày 12-9 là 6.158 ca; ngày 13-9 là 5.446 ca và ngày 14-9 là 6.315 ca.

Thực tế trong khoảng thời gian dài, các con số này có lúc “trồi sụt” nhưng rất ít khi dưới 5.000 ca/ngày. Tuy vậy, căn cứ vào những dữ liệu đang có, có thể thấy dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng có khả quan.

TP.HCM mắc kẹt giữa các tiêu chí chống dịch, vì sao? - Ảnh 2.

Nguồn

Qua được tiêu chí mới đến 4 bước mở cửa

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi đáp ứng được các tiêu chí, việc mở cửa TP.HCM sẽ được thực hiện theo 4 bước.

* Rà soát nguy cơ, tỉ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại cấp xã, phường để phân loại thành bốn vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.

* Áp dụng chỉ thị 15 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết và tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt dưới 60%. Mở các hoạt động ngoài trời với số lượng người hạn chế ở những nơi/hoạt động có tỉ lệ lây nhiễm thấp; cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát.

* Áp dụng chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết và có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt từ 60 – 70%. Mở thêm các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ trong nhà với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn.

* Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở trạng thái bình thường mới khi địa phương đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động và có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt trên 70%. Ở giai đoạn này, tỉ lệ tiêm vắc xin rất quan trọng, tùy theo tỉ lệ từ dưới 60%; từ 60 – 70% và trên 70%… sẽ quyết định việc áp dụng các biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15, 16, 19.

Những người đã tiêm vắc xin, đặc biệt những khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin cao sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Đối chiếu thực tế để có điều chỉnh phù hợp

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-9, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp Bộ Y tế đưa ra, đồng thời dựa trên thực tiễn chống dịch đối chiếu và có kiến nghị theo hướng điều chỉnh tiêu chí phù hợp cho TP.HCM.

“Trước mắt Bộ Y tế hướng dẫn thì địa phương sẽ áp dụng để đánh giá. Trong quá trình thực hiện sẽ có cách vận dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của TP.HCM” – vị này nói.

Giãn cách phạm vi nhỏ nhất

Trong công điện vừa gửi các tỉnh thành ngày 15-9, Bộ Y tế hướng dẫn tiến tới khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc giãn cách ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).

Khi xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở…

Đồng thời triển khai nhanh việc tiêm chủng vắc xin.

TP.HCM khó mở cửa từ 30-9?

So sánh trên biểu đồ số ca mắc những ngày gần đây cho thấy số nhiễm mới hằng ngày tại TP.HCM vẫn ở mức rất cao, ngày 14-9 chiếm hơn 50% số ca nhiễm COVID-19 mới của cả nước. Nếu áp theo tiêu chí về giảm số mắc cộng đồng và giảm số dương tính thông qua xét nghiệm, TP.HCM khó có thể mở cửa lại từ ngày 30-9.

Trả lời Tuổi Trẻ về mức độ khả thi của các tiêu chí, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, đơn vị xây dựng dự thảo bộ tiêu chí để có thể mở cửa lại với TP.HCM, cho rằng hướng dẫn mới ở bước dự thảo, lấy ý kiến đóng góp nên chưa thể trả lời.

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng trong tình hình hiện nay khó có thể giãn cách theo chỉ thị 16 với TP.HCM thêm sau tháng 9, nên xem xét tổng hòa các tiêu chí để mở cửa dần dần, mở thí điểm.

“Quan trọng là các tiêu chí khả năng kiểm soát dịch, xem bệnh viện có quá tải hay không, nguy cơ nhập viện khi bệnh chuyển nặng nhiều không, khả năng của thành phố có đáp ứng được hay không…

Sau đó tiến đến xem xét thí điểm mở cửa dần, làm tốt rồi mới sang quận khác. Quận nào đỡ dịch mới mở, trước hết là mở cho nhà máy, công sở ở nhóm người đã được tiêm ngừa, có xét nghiệm và thực hiện 5K, cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu”, ông Nga nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chỉ số chống dịchCOVID-19Mở cửa trở lạiTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết