UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các ngân hàng và tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo đó, UBND TP.HCM cho biết từ tháng 9-2019, nơi này đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ.
Sau đó, tháng 11-2019 Bộ Tài chính có công văn trả lời, trong đó hướng dẫn cơ chế tài chính cho phép thực hiện việc này.
Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các ngân hàng và tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán.
Trên cơ sở ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính, TP đã có văn bản triển khai cho các sở – ban – ngành, UBND các quận huyện và doanh nghiệp nhà nước thuộc TP quản lý, qua đó đã góp phần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính trong việc chi trả các khoản chi phí phát sinh.
Ngày 26-5 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 22 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trước ngày 1-7 có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính cho các tổ chức tài chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả chi phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, đảm bảo áp dụng khả thi, thực hiện thống nhất. Trong khi hiện nay đã cuối tháng 6.
UBND TP.HCM cho biết hiện nay TP đang đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo quy định tại nghị định 43 của Chính phủ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ cho phép người dùng thanh toán lệ phí (nếu có).
“Như vậy, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 làm phát sinh một số khoản chi mà người sử dụng dịch vụ phải chi trả như phí thanh toán không dùng tiền mặt, phí chuyển trả kết quả theo đường bưu điện. Việc phát sinh các kinh phí nêu trên đã ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn để TP thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các ngân hàng cho biết họ gặp khó khăn với bài toán chi phí và hiệu quả khi kết nối thanh toán dịch vụ công trong bối cảnh chưa có khung phí, nhiều dịch vụ công không thể trả phí cho ngân hàng, kể cả phí thanh toán bằng thẻ, trong khi đầu tư chi phí hệ thống vận hành khá lớn.
Các đơn vị hành chính công cũng không được duy trì số dư trên tài khoản mở tại các ngân hàng thương mại cổ phần, nên không thể sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để bù đắp chi phí vốn.
Do vậy nếu tháo được điểm nghẽn này, các ngân hàng sẽ có điều kiện tham gia sâu hơn phát triển thanh toán dịch vụ công, qua đó sẽ thúc đẩy được thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế.
Nguồn: tuoitre.vn