Báo cáo tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42, khóa X khai mạc ngày 7-7, UBND TP đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, ngăn việc doanh nghiệp phá sản do khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

TP.HCM hỗ trợ ngăn doanh nghiệp phá sản - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 42

Ông Lê Thanh Liêm – phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM – cho biết trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn rất nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, TP.HCM tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa ngăn chặn dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 như kế hoạch đề ra.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Theo đó, TP có các biện pháp kịp thời, quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài quay lại TP làm việc trong thời gian tới. Cùng với đó là hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Liêm cho hay TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với nhiều giải pháp cụ thể. Thứ nhất, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp.

Trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; phục hồi, sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.

Thứ hai, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành. Thứ tư, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. Cuối cùng, kịp thời dự báo, phối hợp với các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.

Cũng theo ông Liêm, thời gian tới TP.HCM triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển ngành du lịch.

Cụ thể, TP hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau khi dịch bệnh kết thúc; triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh; chuẩn bị kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch.

Đồng thời, hoàn thành và công bố chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030. Thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với 13 tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ.

TP.HCM hỗ trợ ngăn doanh nghiệp phá sản - Ảnh 2.

Đồ họa

Tỉ lệ phân chia ngân sách giảm, ảnh hưởng tốc độ phát triển của TP.HCM

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tốc độ phát triển của TP so với cả nước đã giảm. Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP bằng 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước, song đến giai đoạn 2011-2019 chỉ còn 1,2 lần.

Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân trong 20 năm qua, tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM đầu tư, phát triển ngày càng giảm.

Theo Bí thư Thành ủy, tỉ lệ đóng góp ngân sách TP.HCM ngày càng tăng nhưng tỉ lệ phân chia cho TP.HCM lại giảm, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.HCM. Phân tích sâu hơn, ông Nhân dẫn chứng tỉ trọng đóng góp của kinh tế TP.HCM với cả nước trong hơn 20 năm qua không ngừng tăng lên.

Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP chiếm 17% so với cả nước, giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% và giai đoạn 2011-2019 chiếm 22%. Đồng thời, giai đoạn 2001-2010, TP đóng góp vào ngân sách cả nước là 26% và giai đoạn 2011-2019 đóng góp 27,5%.

Trong khi đó, tỉ lệ ngân sách để lại cho TP ngày càng giảm. Năm 2000 tỉ lệ để lại cho TP từ 33% tổng thu trên địa bàn, đến nay sau 20 năm, tỉ lệ này giảm xuống còn 18%. “Chúng ta là địa phương giảm mạnh nhất”, ông Nhân nhấn mạnh.

Trong phát biểu của mình, ông Nhân cho biết dịch COVID-19 đã làm khoảng 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, do đó ông đề nghị UBND TP cần làm rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp được hỗ trợ, có giải pháp phục hồi kinh tế…

Mặt khác, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, để kinh tế TP tăng trưởng cao hơn, cần làm tốt hợp tác công tư. Đồng thời, giải quyết điều bất hợp lý: ngành công nghiệp, dịch vụ đóng góp cho kinh tế TP hơn 90% nhưng đất đai dành cho ngành này (không tính bất động sản) rất thấp, chỉ khoảng 5% (10.000ha) quỹ đất của TP.

Kiểm soát thu chi ngân sách

Một trong những nhiệm vụ UBND TP.HCM đặt ra 6 tháng cuối năm 2020 là kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết TP sẽ tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, chi ngân sách đúng dự toán, định mức; tăng cường tiết kiệm chi và hạn chế những khoản chi phí phát sinh mới ngoài dự toán.

Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2018-2020. Rà soát, quản lý chặt chẽ tài sản công, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. “TP sẽ tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát, đánh giá công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu tháng 10-2020 tỉ lệ giải ngân đạt 80% kế hoạch” – ông Liêm nói.

Liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo ông Liêm, từ nay đến cuối năm TP tập trung xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người tại Khu công nghệ cao (Q.9) và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sẵn sàng đón các tập đoàn lớn

TP sẽ rà soát, hỗ trợ thiết thực cho hơn 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Phấn đấu hết tháng 7-2020 hỗ trợ được 75% và hết tháng 9-2020 hỗ trợ được 90% doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vì khó khăn.

“TP cũng sẽ chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn lớn, đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường” – ông Liêm nhấn mạnh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dịch COVID-19doanh nghiệpđầu tư côngngân sáchphá sản

Các tin liên quan đến bài viết