Ngày 31-5, tại một số chợ, khách nhiều thời điểm ùn ứ. Trong khi đó, tại đa số các siêu thị ở TP.HCM khách vắng hơn. Nhiều người dân đã tăng mua sắm online.

TP.HCM giãn cách, mua online tăng vọt - Ảnh 1.

10h30 ngày 31-5 tại khu vực chợ Bà Chiểu 

Doanh số ngành hàng thực phẩm tươi sống trên các sàn thương mại điện tử cũng được ghi nhận tăng cao.

Nhiều chợ đông như trẩy hội

Khoảng 10h30 ngày 31-5, tuy lượng khách và người bán trong nhà lồng chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) chỉ rải rác nhưng khu vực vòng ngoài nhà lồng trở nên kẹt cứng, bát nháo bởi lượng người bán và mua đông đúc, dồn lại trong không gian nhỏ hẹp, đặc biệt một số điểm hàng rong và quầy sạp lấn chiếm lòng đường khiến việc lưu thông qua khu vực này ùn ứ.

Tương tự, sáng 31-5 khu vực quanh chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), đặc biệt phía bên ngoài nhà lồng chợ, lúc cao điểm có đến hàng trăm người trên một đoạn đường ngắn, không đảm bảo giãn cách 2m.

Là chợ sỉ có quy mô rất lớn, lượng khách tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM như Hóc Môn, Thủ Đức còn đông đúc hơn với mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt người kinh doanh, khách hàng từ nhiều tỉnh thành ra vào chợ, đặc biệt là cao điểm lúc rạng sáng.

Trong khi đó, thời điểm này tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp), Bách Hóa Xanh (quốc lộ 13, TP Thủ Đức)… dù lượng khách không đông đúc như ngày 30-5 nhưng vẫn có thời điểm khách dồn lại ở khu vực thanh toán.

Đại diện ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) thừa nhận việc thực hiện giãn cách đối với khách hàng và người bán tại chợ hiện gặp khó, đặc biệt phía vòng ngoài chợ do lượng người bán hàng rong nhiều.

Trong khi đó, bà Phan Thị Hồng Hạnh – phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) – cho biết ngoài việc đo thân nhiệt và đeo khẩu trang, hiện 2 chốt kiểm soát dịch tại chợ còn thu tờ khai y tế với chủ phương tiện ngoài TP.HCM. Tuy vậy, việc giãn cách đang không thể thực hiện dù đã vận động.

“Không tính lượng khách hàng đông đảo, chỉ riêng thương nhân và lao động tại chợ đã hơn 700 người. Do đó, nếu giãn cách khu này sẽ tạo ùn ứ khu khác” – bà Hạnh nói.

Siêu thị vắng

Theo ghi nhận, trong khi không khí tại nhiều siêu thị khá trầm lắng thì kênh bán hàng online lại sôi động. Nhiều gian hàng online trên các nền tảng điện tử đã để chế độ “Nhu cầu tăng cao, đơn hàng có thể giao chậm” để thông báo với khách hàng.

Đại diện hệ thống bán lẻ Satra cho biết ngoài các điểm bán, khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại, miễn phí giao hàng trong bán kính lên đến 5km với từ 300.000 đồng/hóa đơn, riêng với chuỗi Satrafoods, khách có thể đặt hàng thông qua hotline của từng cửa hàng. Ghi nhận từ hệ thống cho thấy lượng đơn hàng của khách đặt mua qua kênh này tăng vọt trong ngày 31-5.

Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, sàn đã ghi nhận mức độ tăng trưởng đơn hàng 30%. Để đáp ứng nhu cầu, sàn này đã nhanh chóng chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, trong đó ngành hàng thực phẩm tươi sống dự kiến tăng đến 50%…

Hàng hóa thông suốt

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết với nguồn hàng dồi dào hiện nay, quan trọng là cách thức đưa hàng đến người dân an toàn chứ không lo thiếu hàng, giá cả hàng hóa không có biến động lớn.

Trong ngày 31-5, sở đã đi kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân ở quận Gò Vấp, khu vực đang bị phong tỏa để chống dịch.

Trái với lo lắng của nhiều nhà kinh doanh, việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực này vẫn được đảm bảo thông suốt, nguồn hàng từ chợ đầu mối về các chợ lẻ diễn ra bình thường, chỉ có một số tiểu thương nhỏ, lẻ do chưa khai báo y tế nên không thể vào giao hàng ở Gò Vấp.

“Diễn biến dịch bệnh đang diễn ra vẫn nằm trong kế hoạch và khả năng cung ứng của hệ thống phân phối” – đại diện Sở Công thương TP.HCM khẳng định.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ChợCOVID-19Covid19Giãn cách xã hội ở TPHCMmua onlinesiêu thịTPHCM giãn cách

Các tin liên quan đến bài viết