TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng biên chế được trung ương giao, trong đó có 3.601 công chức và 2.104 viên chức. Nhưng đây thực sự có phải là con số dôi dư?

TP.HCM dư hơn 5.700 công chức, viên chức? - Phải nhìn vào núi hồ sơ và dân cư thực tế - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề trên, TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường đại học Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ: “Với một siêu đô thị như TP.HCM (dân số trên 10 triệu người) , việc quản lý và kiểm soát xã hội khó khăn hơn nhiều so với các địa phương khác.

Bà Dung cũng cho rằng đây là đầu mối tập trung phát triển kinh tế của đất nước, kéo theo sự thu hút cư dân nông thôn tới các TP lớn làm việc, sẽ có nhiều quan hệ xã hội phát sinh, số lượng doanh nghiệp nhiều, số lượng hồ sơ, công việc giải quyết nhiều và ngân sách nhà nước sẽ thu được nhiều hơn, cần có đặc thù về tổng chỉ tiêu biên chế, để đảm bảo TP.HCM phát triển ổn định, bền vững”.

Tổng biên chế được giao có hợp lý?

* Là người nghiên cứu và theo dõi về tổ chức bộ máy cán bộ, công chức nhiều năm nay, bà có ngạc nhiên về con số hơn 5.700 công chức, viên chức của TP.HCM “dôi dư” so với biên chế được giao?

– Với tôi đây không phải là con số kinh khủng, đáng ngạc nhiên. Bởi là một người nghiên cứu việc tổ chức bộ máy nhà nước, về chính quyền địa phương, bản thân tôi đã khảo sát nhiều địa phương và quan sát thấy rằng công chức, viên chức ở TP.HCM, nhất là ở các cơ quan hành chính nhà nước làm việc rất vất vả, với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với nhiều tỉnh thành khác.

Nhiều cơ quan cho đến sau 17h30 vẫn sáng đèn, bãi để xe nhân viên vẫn còn nhiều. Tận mắt chứng kiến mật độ công việc dày đặc tại các cơ quan, đơn vị của TP bất kỳ ai cũng sẽ thấy con số dôi dư trên không có gì đáng kinh ngạc, thậm chí còn suy nghĩ sao không tăng thêm biên chế cho khối các cơ quan hành chính, nơi giải quyết các công việc hành chính hằng ngày với người dân.

Khi lý giải việc này, giám đốc Sở Nội vụ TP cũng cho biết số cán bộ, công chức này không dư, mà đều đang làm việc tại các sở ngành, quận huyện, phường xã. Như vậy, vấn đề quan trọng là phải đánh giá lại dân số thực tế (kể cả di dân mỗi ngày) hiện nay, tình hình công việc thực tế tại TP.HCM để bố trí biên chế công chức, viên chức hợp lý, vừa không gây khó khăn trong điều hành, giải quyết công việc cho TP vừa đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.

* Bà có thể nói rõ hơn việc bố trí công chức, viên chức đúng trong tổng thể là như thế nào?

– Trong quyết định số 1575 của Thủ tướng về phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, sẽ thấy rõ ràng tỉ lệ biên chế công chức trên dân cư của TP.HCM thấp hơn các địa phương. Ví dụ tôi chỉ lấy dân số của TP.HCM là 9,7 triệu người thì gấp 8 lần Đà Nẵng, nhưng biên chế được giao chỉ gấp 4,4 lần.

Hoặc so với Đắk Nông, dân số TP.HCM cao hơn 14,7 lần nhưng biên chế chỉ gấp 5,6 lần. Trong khi thực tế, TP.HCM có hơn 13 triệu người thường xuyên lưu trú, như vậy rõ ràng biên chế được giao đang ít hơn so với tỉ lệ chung của các địa phương.

Không chỉ các sở, UBND các quận công việc rất nhiều, mà nếu quan sát một phường ở TP.HCM như phường Bình Hưng Hòa A có dân số ngang một huyện, nhưng chỉ có chưa đầy 40 biên chế công chức, viên chức sao đủ sức gồng gánh công việc, áp lực lớn khiến nhiều người nghỉ việc.

Dù TP.HCM có thí điểm việc tăng lương nhưng điều đó cũng không giải quyết được độ vất vả của công chức, viên chức và trong tương lai chắc hẳn sẽ còn nhiều người xin nghỉ việc. Điều này đồng nghĩa việc cơ quan nhà nước sẽ mất rất nhiều nhân lực, trong đó có rất nhiều người có kinh nghiệm, làm việc hiệu quả.

Bổ sung tiêu chí số lượng hồ sơ giải quyết

* Vậy theo bà, phải giải quyết vấn đề biên chế công chức, viên chức này như thế nào?

– Phân bổ công chức, viên chức phải căn cứ theo số lượng cư dân thực tế sinh sống và khối lượng hồ sơ, công việc giải quyết hằng năm của địa phương, thậm chí ngân sách đóng góp cho quốc gia.

Do vậy, trước hết TP.HCM phải cần nêu rõ con số chính xác về tổng số dân thực tế sinh sống trên địa bàn, trong đó cả việc di dân cơ học hằng năm. Thực tế, khối lượng công việc mà chính quyền cần giải quyết là rất lớn, không chỉ gánh cho dân TP mà còn dân các tỉnh thành khác.

Mặt khác, các tiêu chí làm căn cứ phân bổ biên chế công chức, viên chức theo quy định hiện hành chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm tiêu chí phụ như khối lượng hồ sơ, công việc giải quyết vào làm cơ sở tính khung biên chế công chức cho các địa phương; số lượng học sinh, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện công… để xác định chỉ tiêu về viên chức.

Như vậy, về tổng thể dựa vào các vị trí công tác tại các cơ quan, đơn vị để có thể quy định tối thiểu số lượng công chức, viên chức cho các địa phương. Tuy nhiên, phải có thêm chỉ số phụ về số lượng hồ sơ, công việc giải quyết của địa phương đó trong năm liền trước để định khung biên chế cho hợp lý.

Từ nguyên tắc này, các cơ quan có thẩm quyền có thể giảm bớt biên chế của những địa phương có khối lượng công việc, hồ sơ giải quyết ít để lấy định mức đó phân bổ cho các địa phương khác. Lúc này, tổng số biên chế công chức, viên chức sẽ không đổi, nhưng điều hòa cân đối cho các địa phương.

* Dù vậy, bà có nghĩ chính TP.HCM cũng cần xem xét lại vấn đề về phân bổ biên chế để đảm bảo việc tinh gọn, hiệu quả?

– TP.HCM cũng cần phải tính đến việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính, giảm bớt nhân sự phải làm việc “thủ công”, lúc này công tác quản lý sẽ hiệu quả, bộ máy tinh gọn hơn. Nhưng đó là chuyện dài hơi, không phải muốn là làm ngay lập tức.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ máy Nhà nướccán bộ công chứccơ quan hành chínhviên chức

Các tin liên quan đến bài viết