Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, TP đang tập trung vào công tác điều trị nhằm giảm số F0 chuyển nặng, từ đó sẽ giảm được số ca tử vong.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến 6h ngày 15/8, TP đã có 147.929 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 147.533 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 396 người nhập cảnh.

Trong ngày 14/8, TP có 3.417 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số xuất viện cộng dồn đến nay là 70.727 người.

Hiện TP.HCM có 32.293 F0 điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 người phải can thiệp ECMO. Số ca bệnh nặng tăng hơn so với ngày 13/8 là 180 ca. Ngoài ra, còn có 11.444 trường hợp F0 mới phát hiện đang cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ông Dương Anh Đức cho biết, vấn đề quan tâm nhất hiện nay của TP là tỷ lệ tử vong còn cao, trung bình từ ngày 5/8 đến nay, mỗi ngày có 241 ca tử vong.

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, nguyên nhân do biến chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa làm cho người nhiễm bệnh nhanh chuyển nặng.

“Chủng virus này có diễn biến vô cùng khó lường, không chỉ những người có bệnh nền, mà những người trẻ, khỏe mạnh cũng nhanh chuyển nặng nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời. Thời gian qua, TP đã chuẩn bị tất cả các phương án, kế hoạch nhưng không thể theo kịp được diễn biến của dịch”, Thứ trưởng Sơn nói.

TP.HCM đang có gần 1.900 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch
Một F0 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Hồi Sức. .

Nguyên nhân tiếp theo là do số F0 được phát hiện mỗi ngày lớn, trung bình từ ngày 5/8 đến nay mỗi ngày có khoảng 4.000 F0, đã gây ra tình trạng quá tải ở các cơ sở thu dung, điều trị. Các cơ sở lại thiếu nhân lực, trang thiết bị… nên việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh chưa được tốt nhất.

“Tôi nhận thấy, giữa các tầng điều trị của TP còn có nhiều “lổ hổng”, nhất là các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3. Một phần, căn bệnh này mới, diễn tiến quá nhanh nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán, theo dõi cấp cứu và hồi sức người bệnh. Tuyến dưới quá tải tạo áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, vì vậy rất khó thu dung, điều trị các F0 chuyển nặng, cần hổ trợ”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong tại TP nhiều là do có nhiều F0 bị nhiễm bệnh, phải điều trị tại nhà vì không liên hệ được bệnh viện để chuyển đến.

“Khi điều trị tại nhà, nếu F0 chuyển nặng, không được chuyển đến bệnh viện ngay, người bệnh không được thở oxy, được cấp cứu kịp sẽ chuyển từ nặng sang nguy kịch trong tích tắc. Dù rất đau lòng, nhưng TP đã cố gắng ở tất cả các tầng rồi. Tuy nhiên, số bệnh nhân đông, chuyển nặng nhanh đã không thể đáp ứng nhu cầu điều trị”, Thứ trưởng Sơn nói.

Theo ông Dương Anh Đức, hiện nay TP đang tập trung nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị để đặt muc tiêu giảm số ca F0 tử vong. Để giảm được điều này phải giảm số bệnh nhân chuyển nặng từ tầng 2, tầng 3, nhằm giảm áp lức cho tầng trên, từ đó giảm tỷ lệ số ca tử vong.

Theo ông Đức, để giảm người tử vong, TP sẽ phân loại ca mắc Covid-19 hiệu quả hơn ở cả 5 tầng trong hệ thống điều trị. TP cũng đang mạnh mẽ nâng cấp các bệnh viện ở tầng 2, 3.

Các bệnh viện dã chiến thu dung ở tầng 2 được nâng cấp lên tầng 3 để huy động nguồn lực và có thể điều trị bệnh nhân trở nặng, nhằm giảm áp lực cho tầng trên. Cùng với đó, củng cố khả năng cung cấp oxy cho các trường hợp nhiễm bệnh.

Ngoài ra, TP đã đưa vào sử dụng 4 trung tâm hồi sức, thành lập 5 trạm vệ tinh 115 để hỗ trợ và điều phối cấp cứu.

Ông Đức cũng cho biết, hiện TP đang nhanh chóng tiêm phủ vắc xin cho người dân, để giảm số ca nhiễm Covid-19 mới, các ca nhiễm chuyển nặng. Thứ trưởng Sơn cho rằng, đây là hướng đi đúng của TP. Tuy nhiên, chủng Delta rất khó lường, vì vậy, dù tiêm vắc xin nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp giãn các xã hội, tuân thủ các biện pháp 5K của Bộ Y tế.

“Dịch hiện nay đang diễn biến rất khó lường, vì vậy, chúng ta không nên lơ là bất cứ biện pháp nào”, Thứ trường Sơn khuyến cáo.

Nguồn; vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 TP.HCMHCDC

Các tin liên quan đến bài viết