Thời gian qua, nông dân TP.Cần Thơ đã chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu giúp đạt hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia vào Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam-VnSAT”.
Mô hình trồng hoa cảnh cho thu nhập cao ở Cần Thơ
TP. Cần Thơ là một trong 8 địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam-VnSAT”. Mục tiêu của Dự án VnSAT là tăng 30% lợi nhuận của nông dân trồng lúa. Một nội dung quan trọng của dự án là đến năm 2020, giảm phát thải một triệu tấn khí nhà kính. Giai đoạn 2015 – 2020, Dự án VnSAT tại TP. Cần Thơ được triển khai thực hiệntrên địa bàn 16 xã, của 3 huyện là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, có 25 nghìn hộ nông dân tham gia, diện tích khoảng 30 nghìn ha, chiếm hơn 1/3 diện tích trồng lúa của Thành phố.
Trong Dự án VnSAT, người nông dân được tập huấn hỗ trợ để hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Với kỹ thuật này, cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhất là đối với sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng được sử dụng hạn chế nên tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác hại đến môi trường. Cùng với đó, TP.Cần Thơ cũng tích cực chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng phù hợp với điều kiện mới. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, từ năm 2014 đến nay, Thành phố đã chuyển đổi được hơn 10 nghìn ha cây trồng.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ cho biết, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất cho hiệu quả như mô hình trồng dưa hấu lợi nhuận khoảng 58 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 30 triệu đồng ha/vụ; mô hình trồng vừng luân canh với lúa vụ hè thu lợi nhuận từ 17 đến 21 triệu đồng/ha, cao hơn từ 7 đến 10 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, phải hướng vào sản xuất và cung ứng các loại giống cây trồng và vật nuôi. TP.Cần Thơ cũng hình thành một số vùng sản xuất tập trung rau màu, hoa cây cảnh và cây ăn quả đặc sản có thương hiệu như mô hình trồng chuyên canh chuối già cấy mô có nguồn gốc từ Nam Mỹ ở huyện Cờ Đỏ.
Ở TP. Cần Thơ đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh liên kết theo chuỗi giá trị, như phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái diện tích 14 nghìn ha; vùng rau an toàn với diện tích gieo trồng hơn 2 nghìn ha. Ở các huyện Bình Thủy, Phong Điền, nông dân áp dụng nhiều mô hình làm kinh tế VAC cho thu nhập khá cao, như mô hình trồng xoài IPM cho lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/năm, trồng hẹ theo tiêu chuẩn VietGAP lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha/năm…
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, nếu tính cả người dân tại các phường còn sản xuất nông nghiệp thì Thành phố hiện còn khoảng 40% dân số sống dựa vào nghề nông. Trong điều kiện công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp sẽ còn giảm, ngành nông nghiệp và các bên có liên quan cần phối hợp chặt trong việc hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, tổ chức tốt việc tiêu thụ./.
Theo: dangcongsan.vn