Tôi đứng trong sân trường của một trường đại học. Hôm nay các bạn sinh viên được làm lễ tốt nghiệp. Đi cùng các bạn là người nhà, trong đó đa phần là từ quê, từ tỉnh. 
Tốt nghiệp ra trường, rồi sao nữa?
Niềm vui ngày tốt nghiệp 

Ngày vui của con cả đời chỉ có một lần, một bạn trẻ nói với tôi vậy. Và vì lý do này, nhiều gia đình lặn lội đường xa đến chung vui với con. “Cả đời chỉ có một lần”, có phải bạn trẻ này ngụ ý cũng hiểu một tấm bằng đại học là đã đủ? Tôi nghĩ chắc bạn chưa có ý định học văn bằng hai hoặc học cao học… Trừ phi, như nhiều bạn trẻ, khi chưa tìm được việc, chắc là lại học thêm, học lên dù có khi học nữa mà không biết để làm gì. “Ăn theo” buổi lễ tốt nghiệp này là đội ngũ bán hoa, bán gấu bông, là đội ngũ chụp hình, tất cả đều tận tình chăm sóc các gia đình tân cử nhân chỉ mới bước vào cổng trường. Một tấm hình 50.000 đồng là giá chung với đầy đủ “đạo cụ”: hoa, bằng tốt nghiệp tượng trưng, áo mũ cử nhân, vòng hoa choàng cổ (đã nói rồi, cả đời mới có một lần). Với nhiều gia đình, đây là niềm tự hào, là hạnh phúc khi chứng kiến con đã ăn học thành tài (mà có tài hay chưa thì chưa chắc), chứng kiến con lớn khôn thành người (mà có đúng là lớn khôn chưa cũng chưa biết). Vậy đó, bao niềm hy vọng đầu tư bốn năm năm qua nay xem như thành tựu. Tôi nhìn niềm vui của những người làm cha làm mẹ. Tôi lắng nghe những lời mời chào ghi lại kỷ niệm của đội ngũ chụp hình. Tôi chứng kiến những đắn đo của bà mẹ quê chi 50.000 đồng cũng có phần tiếc tiếc nhưng rồi tặc lưỡi: dịp này chỉ có một lần, cho con nó vui. Và tôi nghĩ rồi ngày mai… ngày mai… Ai trong các em sẽ gia nhập vào đội quân thất nghiệp, ai chạy chọt để có được việc làm, ai chấp nhận một công việc tạm bợ để sống, và mấy ai sẽ tìm được việc mình yêu thích, mấy ai sẽ dấn thân làm nên chuyện lớn… hay là lại trở thành nạn nhân của những kiểu làm giàu bằng kinh doanh đa cấp biến tướng? Những câu hỏi vẩn vơ, và cảm giác mình bi quan lắm lắm. Bởi nếu ví von, trường đại học như một công ty, và các sản phẩm làm ra chính là những cô cử, cậu cử thì một thực tế không thể phủ nhận những trường đại học ở Việt Nam vẫn còn chưa “sản xuất” được những mặt hàng chất lượng cao, chưa phù hợp với nhu cầu xã hội. Bằng chứng là tình trạng cử nhân thất nghiệp, sau đó chuyển sang đi học nghề mới mong kiếm được việc làm vẫn được báo chí phản ánh bao năm qua. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp vẫn than thở phải đào tạo lại khi tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường. Bằng chứng là nhiều bạn trẻ chỉ mong kiếm được một việc làm, còn thì làm việc gì cũng được, miễn nuôi sống bản thân mà không có hoài bão, mộng mơ nào đủ lớn để đóng góp cho đời…Thực sự là vậy, cả xã hội vẫn chạy theo những tấm bằng không nói lên thực chất. Nhiều bạn trẻ, lẫn cả người lớn, vẫn tư duy kiểu có tấm bằng, rồi chạy chọt, rồi gửi gắm, rồi rải đơn xin việc kiểu ăn may… chứ không hình dung đó có là công việc phù hợp niềm đam mê, phát huy được năng lực. Và chính bản thân các bạn sinh viên cũng thiếu một tư duy tích cực, một sự chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân để tìm kiếm một công việc thích hợp… nên đâu đó vẫn nhiều bạn siêng lướt Facebook, tám chuyện thiên hạ, ngồi đồng cà phê, thay vì lẽ ra cần dành thời gian luyện ngoại ngữ, rèn tin học, tích lũy kỹ năng mềm. Bi quan là vậy, nhưng nhìn những hình ảnh các bạn trẻ tíu tít dành cho nhau những khung hình kỷ niệm, tôi nhớ thời tuổi trẻ của mình, cũng ít nhiều bồng bột, cũng ít nhiều vô tâm, cũng tồn tại kiểu tư duy đời cần nhiều may mắn. Để rồi khi ra trường đi làm, giật mình nhận ra mình còn thiếu lắm thứ, mình đã lãng phí ít nhiều thời gian lẫn công sức cho lắm chuyện tầm phào, mình cũng bị tư duy gửi gắm của người lớn tác động. Và tôi chúc các bạn trẻ, sớm giật mình nhận ra mình thiếu điều gì để mau chóng tìm cách bổ sung, tìm được cho mình những công việc như ý, và cống hiến được nhiều cho gia đình, cho xã hội. Hãy nhớ gương mặt của cha mẹ, người thân mình hôm nay, và cả những nụ cười, lẫn nước mắt bạn bè trong ngày tốt nghiệp.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bạn trẻđại họcsinh viênthất nghiệptốt nghiệp

Các tin liên quan đến bài viết