Thỏa thuận lưỡng đảng được các thượng nghị sĩ vừa nhất trí nhằm khôi phục trợ cấp cho các công ty bảo hiểm tham gia Luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) đối mặt với trở ngại lớn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/10 đột ngột thay đổi lập trường và phản đối kế hoạch này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó một ngày, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lamar Alexander (La-ma A-lếch-xan-đơ) và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Pattay Murray (Pát-tay Mơ-ray) đã đạt được thỏa thuận, theo đó trong 2 năm, chính phủ vẫn tiếp tục dành hàng tỷ USD của các trợ cấp liên bang cho các công ty bảo hiểm vốn đóng vai trò quan trọng Obamacare, qua đó đảm bảo người dân có thu nhập thấp tiếp cận được với bảo hiểm y tế cũng như tránh nguy cơ xảy ra “hỗn loạn” trên các thị trường bảo hiểm. Thượng nghị sĩ Alexander cho biết chính Tổng thống Trump là người đã “thiết kế hoàn toàn” đề xuất lưỡng đảng này, và bản thân ông chủ Nhà Trắng sau đó cũng nhận định thỏa thuận Alexander – Murray là “một giải pháp rất tốt” trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đã thay đổi lập trường khi tuyên bố phản đối nếu thỏa thuận trên “cứu giúp” các công ty bảo hiểm. Ông khẳng định vẫn ủng hộ thỏa thuận giữa hai Thượng nghị sĩ Alexander và Murray, song “không bao giờ ủng hộ việc hỗ trợ tài chính cho các công ty bảo hiểm hưởng lợi từ Obamacare”.
Mặc dù nhận định thỏa thuận trên là “một bước đi đúng hướng”, song người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders (Xa-ra Xen-đơ) cùng ngày cho biết Tổng thống Trump không ủng hộ văn kiện này với những điều khoản hiện tại do không giải quyết được vấn đề chấm dứt hỗ trợ cho các hãng bảo hiểm. Không chỉ Nhà Trắng, các nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (Pau Rai-ân), Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch (Ô-rin Hát), thành viên ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện John Thune (Giôn Thăn) và các nghị sĩ khác cũng không đồng tình với thỏa thuận trên, khiến cho khả năng văn kiện này được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội trở nên mịt mù.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã tìm cách chấm dứt chương trình cải cách y tế vốn có hiệu lực dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma), theo đó cho phép hàng triệu người không có bảo hiểm được nhận bảo hiểm y tế. Hồi tuần trước, sau nhiều tháng nỗ lực gây sức ép để quốc hội thông qua một dự luật thay thế Obamacare không thành, ông Trump đã yêu cầu kết thúc chương trình hỗ trợ của chính phủ dành cho các hãng bảo hiểm (CSRs) vì cho rằng chương trình này mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty bảo hiểm. Theo CSRs, các hãng bảo hiểm được nhận các khoản trợ cấp lên đến 7 tỷ USD trong hai năm 2017 và 2018 để giúp đỡ hàng triệu người nghèo tại Mỹ có thể tiếp cận các hình thức bảo hiểm với chi phí thấp. Với quyết định trên của chính quyền Tổng thống Trump, chính phủ sẽ ngừng chi trả cho các công ty bảo hiểm vốn giúp hàng triệu người có thu nhập thấp trong thanh toán chi phí y tế. Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ hợp tác với Quốc hội trong việc tìm ra một giải pháp tạm thời trước khi theo đuổi một kế hoạch dài hạn./.
Nguồn TTXVN