Tổng thống Pakistan Arif Alvi bị chẩn đoán nhiễm virus corona ngay sau khi được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên.

Theo hãng thông tấn Reuters, thông tin này được Tổng thống Alvi xác nhận trên Twitter hôm 29/3. “Đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên, và các kháng thể đã bắt đầu phát triển khi một tuần nữa mới phải tiêm liều thứ hai. Hãy tiếp tục cẩn thận”, Tổng thống Arif Alvi viết trên Twitter.

Tổng thống Pakistan mắc Covid-19, vắc-xin Pfizer đạt hiệu quả trên 90%
Tổng thống Pakistan Arif Alvi.

Nhà lãnh đạo Pakistan trở thành người tiếp theo trong số các nguyên thủ bị nhiễm Covid-19 trên thế giới. Trước đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng bị xét nghiệm dương tính với virus corona, chỉ 2 ngày sau khi ông được tiêm liều vắc-xin đầu tiên. Nhiều quan chức cho rằng, ông Imran Khan có thể đã bị nhiễm Covid-19 trước khi được tiêm chủng.

Số ca nhiễm Covid-19 mới tại Pakistan hiện đang có chiều hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Theo trang thống kê Worldometers, Pakistan hôm 29/3 đã ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm mới, trong đó có 41 ca tử vong.

Vắc-xin của Moderna, Pfizer đạt hiệu quả trên 90%

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ hôm 29/3 đã công bố một nghiên cứu cấp liên bang, khẳng định tính hiệu quả trong việc phòng chống Covid-19 của hai loại vắc-xin do Pfizer và Moderna sản xuất.

Nghiên cứu này được tiến hành trên 4.000 nhân viên y tế, cảnh sát, lính cứu hỏa và người lao động thiết yếu trên toàn nước Mỹ. Kết quả cho thấy, vắc-xin của cả Pfizer và Moderna có hiệu quả phòng chống Covid-19 khoảng 80% sau mũi tiêm đầu tiên. Con số này tăng lên 90% đối với những người đã tiêm đủ 2 liều.

CDC Mỹ cũng cho biết, kết quả này tương đồng với các thử nghiệm lâm sàng và những nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của vắc-xin Pfizer, Moderna tại Israel và Anh, cũng như nghiên cứu sơ bộ đối với các nhân viên y tế tại Đại học Texas và khu vực phía nam bang California.

Vắc-xin Covid-19 do Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển hiện đang được phê chuẩn cho việc sử dụng khẩn cấp ở nhiều nước thuộc khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Israel và các nước Vùng Vịnh.

Hơn 15% dân số Mỹ đã được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19

Dữ liệu mới nhất từ CDC Mỹ cho biết, hơn 15% tổng dân số nước này đã được tiêm chủng đủ liều vắc-xin Covid-19.

Tổng cộng khoảng 143 triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng cho người dân trên toàn nước Mỹ, trong đó có hơn 93 triệu người được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, và hơn 50 triệu người đã được tiêm đủ liều.

Dữ liệu của CDC cũng cho biết phần lớn vắc-xin được sử dụng cho đến nay tại Mỹ đến từ các hãng dược Moderna, Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson. Dữ liệu chỉ tính những đối tượng đã được tiêm chủng đầy đủ, gồm những người được tiêm đủ 2 liều vào các ngày khác nhau đối với vắc-xin Moderna, Pfizer, hoặc 1 liều đối với vắc-xin Johnson & Johnson.

CDC Mỹ khuyến cáo mọi người nên đợi 2 tuần sau khi tiêm liều vắc-xin gần nhất rồi mới xem xét xem bản thân đã được tiêm phòng đầy đủ hay chưa.

Theo thống kê từ Worldometers, Mỹ hiện đã ghi nhận khoảng 52.586 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 484 ca tử vong, trong ngày 29/3. Nước này vẫn đang dẫn đầu về tổng số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19, song cũng đứng đầu về số ca bình phục trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước đã thể hiện sự tin tưởng vào nguồn cung cấp vắc-xin của Mỹ, bằng cách đặt mục tiêu đạt 200 triệu mũi tiêm trong 100 ngày nhậm chức đầu tiên của ông. Trong một tuyên bố mới được đưa ra hôm 29/2, Tổng thống Biden cam kết đến ngày 19/4 tới, 90% người trưởng thành ở Mỹ sẽ có đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Johnson & Johnson phân phối 400 triệu liều vắc-xin cho Liên minh châu Phi

Johnson & Johnson (J&J) sẽ cung cấp tới 400 triệu liều vắc xin Covid-19 của mình cho các nước thuộc Liên minh châu Phi (AU) bắt đầu từ quý 3 năm nay, hãng dược cho biết trong một tuyên bố hôm 29/3.

Theo đó, Janssen Pharmaceutica NV, công ty con của J&J, đã ký một thỏa thuận với Quỹ đầu tư ủy thác African Vaccine Acquisition Trust (AVAT) trong việc cung cấp 220 triệu liều vắc-xin của mình. Dự kiến, AVAT còn có thể đặt mua thêm 180 triệu liều vắc-xin của J&J từ giờ đến 2022.

Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán giữa J&J và AU. Tổ chức này vào tháng 1 năm nay đã công bố một thỏa thuận tạm thời, để mua 270 triệu liều vắc-xin Covid-19 của các hãng J&J, AstraZeneca và Pfizer-BioNTech. Hiện vẫn chưa rõ tình trạng các cuộc đàm phán với AstraZeneca và Pfizer-BioNTech diễn ra như thế nào.

Theo John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, vắc-xin J&J chỉ yêu cầu một mũi tiêm duy nhất, nên sẽ thuận lợi hơn đối với các chương trình tiêm chủng tại lục địa. Ông cũng cho biết giá của một liều vắc-xin J&J khoảng 10USD.

“Chúng ta cần tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số, để loại bỏ hoàn toàn virus corona khỏi châu Phi. Thỏa thuận với J&J cho phép chúng ta đạt được mục tiêu này”, ông Nkengasong cho biết.

AVAT hôm 29/2 cũng tuyên bố rằng, phần lớn trong số 55 quốc gia thành viên của AU đã thể hiện sự ưu tiên mạnh mẽ đối với vắc-xin Covid-19 của J&J. Tổ chức này cho hay, hầu hết các nguồn cung vắc-xin J&J sẽ được sản xuất bởi hãng dược Aspen Pharma của Nam Phi.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19liên minh châu PhiMỹtổng thống Pakistan

Các tin liên quan đến bài viết