Theo Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và chỉ số giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11/2016 đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2015.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, USD VÀ CHỈ SỐ GIÁ VÀNG THÁNG 11/2016.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2016 của tỉnh ước thực hiện 2.853,1 tỷ đồng, tăng 2,59% so với tháng 10/2016 và tăng 19,29% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kinh tế nhà nước ước 118,6 tỷ đồng, tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 30,33% so cùng kỳ năm trước. Tương ứng, kinh tế cá thể ước 1.935,6 tỷ đồng, tăng 3,27% và tăng 22,71%; kinh tế tư nhân ước 796,5 tỷ đồng, tăng 1,31% và tăng 10,64%; kinh tế tập thể ước 2,10 tỷ đồng, tăng 2,59% so với tháng trước và giảm 38,24% so cùng kỳ. Cộng dồn 11 tháng năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 29.578,4 tỷ đồng, tăng 12,42% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của các thành phần kinh tế và ngành kinh tế trong tháng 11/2016 đều tăng so với tháng trước. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ, mua bán hàng hóa, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân tăng. Mặt hàng có sức mua tăng chủ yếu là lương thực thực phẩm, hàng may mặc, vật phẩm văn hóa, giáo dục…
Cũng theo Cục Thống kê, chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2016 tăng, chủ yếu do giá xăng và gas tăng đã tác động đến nhiều nhóm hàng tăng theo so tháng trước. Chỉ số giá tháng 11/2016 tăng 0,67% so với tháng 10 và tăng 4,23% so với cùng tháng năm 2015. Bình quân 11 tháng năm 2016 tăng 3,72% so với bình quân 11 tháng năm 2015.
Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động. Cụ thể là, có 3 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,06%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,01%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,04%. Nguyên nhân giảm là giá xuất khẩu gạo của nước ta sang các nước bị giảm, nên giá lương thực trong nước giảm xuống theo so với tháng trước. Mặt khác, giá các mặt hàng nông sản như: Cao su, cà phê, sắn (mì) giảm giá nên ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của người dân, từ đó việc mua sắm đồ dùng cho gia đình hạn chế.
Ngoài 3 nhóm giảm trên, có 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong tháng có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,11%; nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,56%; giao thông tăng 1,87%; bưu chính – viễn thông tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và dịch vụ tăng 0,04%. Bên cạnh đó, có 3 nhóm hàng hóa trong tháng không có sự tăng giảm so tháng trước là: Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục./.
Thế Sơn

Từ khóa : chỉ số tiêu dùngkinh tế

Các tin liên quan đến bài viết