Hỏi: Vườn quýt nhà tôi trồng được hơn 2 năm tuổi, gần đây một số cây có biểu hiện lớp vỏ ở gốc thân bị úng nước, sau đó thối nâu. Về sau chỗ bị bệnh khô, nứt dọc rồi chảy mủ hôi. Khi tôi bóc lớp vỏ ra thấy phần gỗ phía dưới chỗ bị bệnh cũng bị thối nâu. Một số cây bị nặng lá vàng và rụng dần, lá non không ra được, bị chết dần. Xin cho hỏi đó là bệnh gì, cách phòng trừ đạt hiệu quả?
(Lê Đình Thanh, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, Bình Phước).
Trả lời: Theo như các triệu chứng mô tả, thì vườn quýt của nhà anh bị bệnh thối gốc chảy nhựa. Bệnh thối gốc chảy nhựa do nấm Phytophthora sp. gây ra. Bệnh khá nguy hiểm và phổ biến trên cây có múi, thường phát sinh, phát triển, lây lan và gây hại mạnh trong mùa mưa.
Để hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Sau đây là một số biện pháp chính:
– Những vùng đất thấp, phải lên liếp cao hình mai rùa, nếu cần phải đắp mô cao rồi mới trồng cây lên trên.
– Vào đầu mùa mưa, dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc Boóc đô 1% quét lên gốc thân cây (cao khoảng 1 mét, tính từ mặt đất lên) để phòng ngừa bệnh tấn công ở phần gốc thân cây.
– Vết bệnh trên thân, gốc có thể dùng dao cạo bỏ sơ vỏ quanh vết loét và dùng thuốc Aliette 80WP hoặc metalaxyl 500WP pha nồng độ 1% bôi thuốc lên chỗ cạo vài lần
– Để phòng bệnh, có thể dùng thuốc Agri Fos 400 để phun phòng bệnh, 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Lượng thuốc sử dụng 5-7 lít pha trong 1.200 – 1.600 lít nước, phun ướt đều trên tán
Hỏi: Vườn cà phê nhà tôi đã 7 năm tuổi, thời gian gần đây thời tiết mưa nhiều khi thăm vườn, tôi thấy ở mặt dưới lá có những chấm nhỏ, màu vàng lợt như những giọt dầu và chỉ thấy ở mặt dưới lá. Sau đó các chấm này lớn dần và từ giữa xuất hiện những bột màu vàng cam. Đã có nhiều cây bị nặng, và rụng hết lá làm khô cành. Xin cho hỏi nguyên nhân và cách phòng trừ bệnh trên?
(Phan Văn Đề, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, Bình Phước).
Trả lời: Theo như các triệu chứng mà anh mô tả, thì chúng tôi thấy vườn cà phê của anh đang bị bệnh rỉ sắt gây hại.
Bệnh rỉ sắt cà phê do nấm Hemileia vastatrix gây ra. Đây là loại nấm chuyên tính chỉ ký sinh trên cà phê. Bào tử nấm nảy mầm, xâm nhập qua các khí khổng ở mặt dưới lá. Nhiệt độ và mưa là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát sinh phát triển của bệnh rỉ sắt. Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa. Bào tử nấm dễ dàng phân tán theo nước, gió và côn trùng. Cây bệnh nặng rụng hết lá và chết.
Cách phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác:
– Ghép chồi thay thế cây bị bệnh nặng, khuyến cáo dùng các giống cà phê TR4, TR%, TR6, TR7, TR8… là những giống vừa cho năng suất cao, trọng lượng 100 nhân lớn, kháng cáo với bệnh rỉ sắt để ghép thay giống cũ.
– Tỉa tán, tạo cành giúp vườn cây luôn thông thoáng, khô ráo.
– Bón phân cân đối. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục.
+ Biện pháp hóa học: Hiện nay có thể dùng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ bệnh rỉ sắt: Anvil 5 SC (0.2%), Tilt Super 300EC, Nicozol 12.5 WP phun hai lần cách nhau 1 tháng. Phun thuốc vào giai đoạn bệnh rỉ sắt chớm xuất hiện, Bảo đảm lượng dung dịch thuốc, ít nhất là 1lít/cây cà phê kinh doanh. Nên phun kỹ vào mặt dưới lá.
Hỏi: Ếch tôi nuôi được 1 tháng, gần đây thấy một số con có bụng phồng lên, nằm yên một chỗ, vận động khó khăn. Xin cho hỏi ếch bị bệnh gì? Cách phòng trị như thế nào?
(Nguyễn Văn Đông, ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước).
Trả lời: Theo miêu tả sơ bộ của anh thì ếch của anh đang bị bệnh chướng hơi. Bệnh thường xảy ra với ếch ở giai đoạn nhỏ, nguyên nhân là do ếch ăn không tiêu hóa được, ăn quá nhiều. Do thức ăn bị ôi thiu, nguồn nước bị dơ cũng làm ếch bị chướng hơi sình bụng.
Cách phòng trừ:
– Phòng bệnh này bằng cách vệ sinh kỹ môi trường nuôi, cho ăn thức ăn đảm bảo vệ sinh, chất lượng.
– Nên cho ăn nhiều lần trong ngày, không nên cho ăn quá dư thừa. Nên sử dụng thức ăn chuyên dùng cho ếch có hàm lượng protein cao, dễ tiêu hóa hơn so với các chất tinh bột trong thức ăn cho cá.
– Thức ăn phải được bảo quản kỹ, không bị ẩm mốc, hôi thối, không quá hạn sử dụng. Sau khi cho ăn 4 – 6 giờ phải dọn sạch thức ăn thừa, vệ sinh sàn ăn và phơi cho khô ráo.
– Định kỳ trộn các men tiêu hóa vào thức ăn của ếch với lượng (2 – 3 g men Lactobacillus trong 1 kg thức ăn). Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch.
– Khi phát hiện ếch bị bệnh, cần ngưng cho ăn 1-2 ngày, vệ sinh, sát trùng thật sạch môi trường nước nuôi với sunfat đồng (CuSO4) 0,5 – 0,7g/m3, nước muối 3%. Sau đó trộn hỗn hợp kháng sinh Sulfadimidin và Trimethoprim vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất (tuỳ hàm lượng kháng sinh) cho ếch ăn liên tục trong 1 tuần.
Nguồn khoahocthoidai.vn