“Muốn kiếm tiền với ý tưởng triệu đô không?”, câu hỏi tưởng như bâng quơ ấy đã gắn kết hai cậu bạn 9X từ ngày mới bước chân vào đại học đến tận hôm nay.

Tổng đài thông minh của hai chàng trai 9X - Ảnh 1.

Phạm Tấn Phúc (trái) và Nguyễn Xuân Bằng trong một hoạt động giới thiệu về sản phẩm Gcalls

Bầm dập, lên hương, thất bại, thành công…, Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng diễn tả về quãng đường khởi nghiệp của mình. Khi nói về tổng đài thông minh Gcalls – “đứa con” mà cả hai đã mất ăn mất ngủ tạo ra – họ thấy rằng mình đang đi những bước chân đúng hướng.

Không thôi ý định khởi nghiệp

Câu hỏi muốn kiếm tiền triệu đô lần đầu tiên Phúc nói với Bằng là khi cả hai còn đang là sinh viên ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Phúc học khoa khoa học ứng dụng, còn Bằng học khoa quản lý công nghiệp. Cả hai đều “máu mê” khởi nghiệp công nghệ.

Dự án đầu tiên ngoài Phúc và Bằng còn rủ thêm được bốn bạn nữa. Đó là dự án Click now kết hợp game và quảng cáo online. Mỗi người góp vốn bằng chính khoản tiền đóng học phí của mình làm vốn ban đầu. Nhưng kết quả là tan tác, bốn cậu bạn kia “chạy” thoát thân, chỉ còn Phúc và Bằng vẫn lì đòn, “chơi” tiếp!

Sau này còn vài dự án khác: HR key, bản đồ chống hàng giả… đều ra đời từ căn nhà trọ sinh viên, nhưng rồi cũng thất bại. Đỉnh điểm là khi cha yêu cầu đi làm đi, đừng cắm đầu khởi nghiệp nữa nhưng nói hoài vẫn không nghe, Phúc bị cha đuổi ra khỏi nhà. Dọn đồ về căn phòng trọ với Bằng, Phúc vẫn không thôi ý định phải khởi nghiệp!

Phúc và Bằng ham học hỏi, đam mê và đặc biệt kiên trì. Các bạn đã thể hiện tinh thần nhận lãnh trách nhiệm, dám thách thức bản thân, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng hành động và chúng tôi giúp các bạn từng bước trở thành nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng

Ông PHẠM DUY HIẾU (giám đốc SVF)

Dồn dập những “cú tát” liên tiếp vì thất bại, Bằng tạm gác giấc mơ khởi nghiệp và lên đường sang Đức học. Vậy mà đọc tâm thư Phúc gửi qua mail, dù đang vừa học vừa làm khá ổn định tại Đức cả nửa năm rồi, Bằng lại quyết định đi về để viết tiếp trang khởi nghiệp dang dở với ông bạn của mình.

Và Gcalls chào đời, sau những tháng ngày hai anh bạn trẻ gia công phần mềm quản lý nội bộ doanh nghiệp, phần mềm cho các công ty thương mại điện tử. Cũng như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khác, Phúc và Bằng chọn Singapore để thành lập công ty. Và Công ty cổ phần Gcalls ra mắt.

Gọi được vốn 1 triệu đôla Mỹ

Khi thương mại điện tử đang ngày càng mở rộng, sản phẩm này xem ra “mát tay” khi tiếp cận với các nhà đầu tư. Một tập đoàn viễn thông của Úc đã đầu tư 40.000 đôla Singapore, Quỹ BFBZ (Singapore) góp 10.000 đôla Singapore, một nhà đầu tư khác góp 25.000 đôla Singapore…

Nhờ các nguồn vốn này mới có thể duy trì hoạt động của công ty thời gian đầu, khi mà sản phẩm những ngày đầu chỉ chào bán được cho… hai khách hàng.

Các bạn cũng được Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), Khu công nghệ phần mềm (ĐH Quốc gia TP.HCM) hỗ trợ khá nhiều. Đến nay đã có 28 khách hàng sử dụng Gcalls. Hiện còn 67 khách hàng đang phối hợp để hoàn thiện, bổ sung tính năng để Gcalls phù hợp với nhu cầu sử dụng của họ trước khi trở thành khách hàng chính thức.

“Ngoài duy trì công ty ở Singapore, tụi mình đã đăng ký thành lập công ty tại VN với tên gọi Gcalls VN. Đối tượng hướng đến trước mắt của tụi mình là các công ty vừa và nhỏ trong nước” – Phúc cho biết.

Thương vụ tạm gọi là thành công nhất đến lúc này của hai ông chủ 9X khi gọi được vốn đầu tư 1 triệu đôla Mỹ (tương đương 23 tỉ đồng) cuối năm 2017. Số tiền này được Vina Capital thông qua người đại diện Thái Vân Linh quyết định đầu tư trong chương trình Shark Tank VN.

“Đây cũng là số tiền đầu tư cao nhất mà các nhà khởi nghiệp kêu gọi được trong chương trình này. Hai bên đang thảo luận thêm về các vấn đề liên quan trước khi chúng tôi nhận được số tiền rót vốn đầu tiên” – Bằng thông tin.

Giám đốc SVF Phạm Duy Hiếu nói vì nỗ lực, sự kiên trì của hai chàng trai này mà các chuyên gia của SVF đã hỗ trợ bằng việc giới thiệu khách hàng tiềm năng, sẵn lòng thử nghiệm sản phẩm, giúp các bạn điều chỉnh, nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

“SVF giúp kết nối Gcalls với các nhà đầu tư, những người dám chấp nhận rủi ro của đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn đầu của dự án để Gcalls có nguồn vốn hoạt động ở giai đoạn còn nhiều khó khăn” – ông Hiếu chia sẻ.

Tổng đài thông minh Gcalls

Khi người dùng truy cập vào website, cần giải đáp các thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà trang web đó cung cấp, chỉ cần bấm vào biểu tượng Gcalls trên website, tín hiệu sẽ được truyền đến điện thoại của điện thoại viên.

Thay vì cần nhớ số điện thoại và gọi theo cách tương tác truyền thống, Gcalls cho phép gọi từ app tới app, từ app tới website, từ app tới các số điện thoại với tính năng phân luồng cuộc gọi, chuyển tiếp cuộc gọi, đồng bộ danh bạ… và người dùng không phải trả tiền cước điện thoại.

“Công nghệ chúng tôi đang sử dụng cho phép một doanh nghiệp địa phương có thể phục vụ khách hàng toàn cầu, vượt qua trở ngại của không gian địa lý hay múi giờ” – Phạm Tấn Phúc cho biết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chàng trai 9XĐH bách khoađôla Mỹkhoa học ứng dụngkhởi nghiệp

Các tin liên quan đến bài viết