Để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mỗi người dân phải tham gia vào quá trình giãn cách xã hội một cách tự giác, thực chất, hiệu quả, để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, chừng đó cuộc chiến chống giặc Covid-19 mới thành công.
Lực lượng xung phong ra tuyến đầu, tuyến sau không lơ là
Ở tuổi ngoài 50, bà Lê Thị Hạnh, cán bộ tư pháp phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn cần mẫn bên bàn làm việc tại chốt kiểm soát ngã ba Văn Tiến Dũng – Quốc lộ 32, cùng các lực lượng giám sát từng trường hợp ra đường. Có những ca trực, bà Hạnh làm việc đến rạng sáng, tranh thủ chợp mắt rồi bà tiếp tục nhiệm vụ tại UBND phường.
Tự tay lập hàng chục biên bản vi phạm hành chính và hàng trăm bản cam kết không vi phạm đối với người dân, bà Hạnh chia sẻ, việc xử phạt là bất khả kháng, không ai mong muốn phải làm điều đó. Trái lại, bà mong muốn mỗi người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị về giãn cách xã hội, khi đó các lực lượng cũng nhàn, thành phố mới sớm đẩy lùi được dịch bệnh.
Bà Lê Thị Hạnh với ca trực từ 0h đến 6h sáng tại chốt kiểm soát Văn Tiến Dũng. |
“Có những đêm trực, anh em đứng chốt lâu quá phải thay ca nhau vào nghỉ. Thời tiết có hôm nắng nóng 38 độ C, có hôm mưa tầm tã nhưng không ai rời chốt. Khi mọi người đang kê cao gối ngủ thì chúng tôi vẫn trực gác ngoài đường, những lúc như vậy mới thấy, nếu tất cả cùng ở nhà, đó là cách tốt nhất góp sức cho cả nước và thành phố chống dịch thành công”, bà Hạnh trải lòng.
Cùng tham gia trực chốt, hơn mười ngày làm việc liên tục với nhiệm vụ kiểm tra người ra đường, Đại úy Trịnh Quốc Khánh (công an quận Đống Đa) không nhớ đã dừng bao người ra đường để kiểm tra.
Mỗi ngày, anh chứng kiến hàng trăm tình huống, nghe hàng trăm lý do về ra đường, nhưng anh bộc bạch, có những lúc chạnh lòng khi nghe được lý do kiểu như, “ở nhà chán quá nên ra đường hóng gió”.
Theo Đại úy Khánh, từ ngày Hà Nội giãn cách, anh cùng hàng trăm đồng đội phải tạm xa gia đình nhỏ của mình để trực chiến tại đơn vị. Vất vả là vậy, nhưng điều khiến các lực lượng quên mỏi mệt lại chính là việc chấp hành của người dân, nhưng cũng trăn trở khi còn một bộ phận chưa ý thức được việc không chấp hành của mình có thể phá hỏng nỗ lực của bao người.
Đại úy Trịnh Quốc Khánh gọi điện thoại xác minh lý do ra đường của người dân. |
Không chấp nhận “một người lơ là, cả xã hội vất vả”
Tại Hà Nội, việc xuất hiện các chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây nhiễm buộc nhiều lực lượng phải xuyên đêm truy vết, cách ly y tế, siết chặt hơn các quy định về giãn cách bằng cách tăng cường các điểm chốt kiểm soát phòng chống dịch ở từng ngõ phố.
Thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố cũng đang tận dụng khoảng thời gian giãn cách để tập trung truy vết nguồn lây, tìm ra F0 trong cộng đồng và dồn lực kiểm soát dịch bệnh để hướng tới sớm dập dịch, đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng nghỉ như vậy sẽ chỉ có ý nghĩa khi mỗi gia đình, mỗi cá nhân thực sự thấy được trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống dịch, tự giác và gương mẫu giãn cách.
Chị Bùi Thị Kim Huyền, ở Đình Thôn (Nam Từ Liêm) chia sẻ, khi có lệnh giãn cách, gia đình chị xác định ở trong nhà dài ngày, mọi công việc xử lý qua mạng, các cuộc giao lưu, gặp gỡ bạn bè phải gác lại để đảm bảo an toàn cho gia đình, bản thân và cộng đồng.
Chốt kiểm tra yêu cầu người đàn ông quay đầu vì không có giấy đi đường tại phường Mỹ Đình 1 |
Tuy nhiên, theo ghi nhận, dù thành phố đã bước sang ngày thứ 13 thực hiện giãn cách xã hội, nhưng bên cạnh sự chuyển biến về ý thức tự giác, sự đồng lòng phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị và đại bộ phận người dân, mỗi ngày vẫn còn hàng trăm trường hợp bị xử phạt vi phạm quy định phòng chống dịch, nên vẫn còn đó nguy cơ “một người lơ là, cả xã hội vất vả”.
Thực tế, Hà Nội yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách từng nhà, từng khu phố, khu dân cư. Hàng nghìn lực lượng từ công an, y tế, quân đội, dân phòng, đoàn thanh niên được triển khai tới các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để hạn chế tối đa việc di chuyển cơ học không chính đáng của người dân.
Đáng nói, theo thống kê của Công an TP, dù được tuyên truyền, nhắc nhở và vận động thông qua nhiều hình thức, số lượng người vi phạm quy định về phòng chống dịch, nhất là hành vi ra đường khi không có việc cần thiết còn rất phổ biến. Cá biệt, có thời điểm một ngày các lực lượng ở Hà Nội xử phạt gần 1.000 trường hợp vi phạm, tổng mức tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng.
Con số xử phạt nêu trên phản ánh phần nào thái độ chủ quan, thờ ơ, thậm chí là xem thường của một bộ phận người dân khi đi ngược với nỗ lực của biết bao lực lượng nơi tuyến đầu, nơi các chốt chặn, nơi vùng dịch trong cuộc chiến truy vết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Phút nghỉ ngơi lúc nửa đêm của chốt kiểm soát dịch tại phố Cửa Nam. |
Trong chuyến thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý đến công tác tuyên truyền trong thực hiện giãn cách xã hội.
Theo ông, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, do đó nhiệm vụ đặt ra những ngày tới còn rất khó khăn.
Vì vậy, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện giãn cách xã hội, nhất là duy trì các chốt kiểm soát và kiểm tra lưu động
Ông cũng yêu cầu từng địa phương phải coi hệ thống chính trị ở cơ sở là nòng cốt, huy động sức dân để tăng cường kiểm tra, kiểm soát từ gốc là các hộ gia đình, thôn, xóm, ngõ, phố; bảo đảm tổ chức thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, tất cả các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trên toàn thành phố phải vào cuộc quyết tâm hơn nữa, phát huy cao độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch làm thước đo uy tín, năng lực lãnh đạo cá nhân.
“Nếu làm tốt được điều này, cùng với sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân thì tôi tin tưởng Hà Nội có điều kiện để đẩy lùi dịch Covid-19”, Bí thư Hà Nội nói.
Nguồn: vietnamnet