Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị |
Ngày 28-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 11. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp. Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về: Kết quả xử lý các vụ việc, vụ án Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, trọng tâm là tiến độ, kết quả xử lý các vụ án, vụ việc theo Thông báo kết luận số 11-TB/BCĐTW và Thông báo kết luận số 30-TB/BCĐTW của Thường trực Ban Chỉ đạo; Kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương; kết quả kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; Tình hình, kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2016 của Ban Chỉ đạo và chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo. Xử lý nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá: Năm 2016, với quyết tâm cao và sự tập trung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo mà trực tiếp là sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp có chuyển biến rõ rệt. Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, vừa chỉ đạo định hướng chủ trương xử lý, vừa chỉ đạo cụ thể từng nội dung vụ việc, gắn với trách nhiệm của cơ quan chức năng và người có thẩm quyền; với chủ trương “tài liệu đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra, xử lý tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng”. Đồng thời, Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế… Nhờ vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, như vụ án Phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Lê Dũng, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại). Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã truy tố, xét xử sơ thẩm 8 vụ với 121 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ với 55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, đã truy tố, xét xử sơ thẩm 3 vụ với 10 bị cáo, xét xử phúc thẩm 2 vụ với 3 bị cáo. Sau 3 năm, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương đến nay, trong tổng số 40 vụ án, 7 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 vụ với 330 bị can; đã truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ với 247 bị cáo, xét xử phúc thẩm 14 vụ với 137 bị cáo.Trong số 29 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 vụ với 93 bị can, đã truy tố xét xử sơ thẩm 18 vụ với 68 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ với 24 bị cáo, mức án rất nghiêm khắc, qua đó cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phục vụ phòng chống tham nhũng được tăng cường. Ban Chỉ đạo đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh; qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án…