Việt Nam từng nhận được sự giúp đỡ của Triều Tiên trong thời chiến và sau này viện trợ cho nước bạn hàng chục nghìn tấn gạo.

tinh than anh em, dong chi giua viet nam va trieu tien hinh anh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh (trái) và Thủ tướng Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng năm 1957. Ảnh: Hankyoreh.

Triều Tiên là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam, vào năm 1950, chỉ sau Trung Quốc và Liên Xô. Vào thập niên 1950 và 1960, Triều Tiên và Việt Nam có quan hệ thân thiết do có nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước vào thời điểm này đều bị chia cắt, cùng đang chiến đấu chống Mỹ và nhận được sự ủng hộ từ các nước như Trung Quốc và Liên Xô.

Giới phân tích cho rằng mối quan hệ hữu nghị qua gần 70 năm lịch sử với Triều Tiên là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28.2.

Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Triều Tiên tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc, duy trì và phát triển nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa, thu được một số thành tựu trong phát triển cơ sở hạ tầng, khai khoáng, công nghiệp nặng trong thập niên 1960 và 1970.

Mối quan hệ Việt – Triều được củng cố trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi Triều Tiên cử gần 100 phi công trẻ và sĩ quan sang học tập, huấn luyện cùng các phi công chiến đấu Việt Nam và còn trực tiếp tham chiến.

“Có hai đợt quân đội Triều Tiên sang Việt Nam học hỏi kỹ thuật sử dụng máy bay. Sau khi nắm được kỹ thuật, một số người lính Triều Tiên đề nghị ta cho thực hành, ra trận chiến đấu như không quân Việt Nam”, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân, cho biết.

Trong giai đoạn 1966-1969, các phi công Triều Tiên tham gia chiến đấu chủ yếu trên vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên, bắn hạ 26 máy bay Mỹ. Những phi công Triều Tiên đã góp xương máu của mình vào cuộc chiến, khi 14 người hy sinh và được mai táng ở nghĩa trang tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên những năm 1960 và 1970 và viện trợ xi măng, thép, vải, thuốc men, phân bón.

Năm 1957, quan hệ Việt – Triều chứng kiến dấu mốc quan trọng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Triều Tiên. Người dân Bình Nhưỡng đứng dọc hai bên đường chào đón khi chiếc xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp với Thủ tướng Kim Nhật Thành, thăm nông trường Gochang ở tỉnh Pyongan Nam và trường học ở Bình Nhưỡng.

Một năm sau, Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm Việt Nam. Nhiều người dân Hà Nội đổ ra đường vẫy cờ hai nước và vỗ tay chào mừng ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông đến khu nghỉ Hồ Tây, nhà máy dệt Nam Định và thăm huyện Từ Liêm, nơi có dự án hữu nghị Việt – Triều. Ông Kim Nhật Thành còn đến thăm trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây và bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tháng 6.1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Triều Tiên. Ba năm sau, ông Kim Nhật Thành trở lại Việt Nam vào tháng 11.1964. Lần này ông và đoàn đại biểu đã đến thăm Vịnh Hạ Long.

tinh than anh em, dong chi giua viet nam va trieu tien hinh anh 2

Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành (giữa) tham quan bảo tàng ở Hà Nội năm 1958. Ảnh: Dangcongsan.vn

Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đi theo con đường khác với Triều Tiên. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1992 và với Mỹ vào năm 1995. Công cuộc Đổi Mới được Việt Nam khởi xướng vào năm 1986 đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp xuất khẩu tăng 70%, với các cải cách như chấm dứt kiểm soát giá cả và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn, nhất là về năng lượng và lương thực. Triều Tiên vẫn khép kín với phần còn lại của thế giới và căng thẳng với Mỹ, Hàn chưa tiêu tan.

Việt Nam đã nhiều lần hỗ trợ gạo cho Triều Tiên. Khi nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Triều Tiên năm 1994-1998, Việt Nam viện trợ 100 tấn gạo năm 1995 và 13.000 tấn gạo năm 1997. Giai đoạn 2000-2012, Việt Nam hỗ trợ Triều Tiên 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu và 50.000 USD.

Triều Tiên và Việt Nam năm 1993 đầu tư chung vào nhà máy ươm tơ tằm khoảng 3,5 triệu USD ở Hải Dương, với nguyên liệu do Việt Nam cung cấp và máy móc (nhập từ Nhật) do Triều Tiên cung cấp. Năm 1994, Việt Nam rút khỏi liên doanh và Triều Tiên kinh doanh độc lập. Năm 2001, Triều Tiên bán lại nhà máy cho Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên năm 2015 đạt 11,6 triệu USD. Năm 2017, Việt Nam xuất siêu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD, chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên. Giao dịch thương mại giữa hai nước chủ yếu được thực hiện thông qua trung gian Trung Quốc, quy mô giao dịch nhỏ, không ổn định.

Điểm sáng trong quan hệ hai nước là trường mẫu giáo Việt Triều Hữu nghị tại Hà Nội và trường mầm non Việt – Triều hữu nghị Kyongsang tại Bình Nhưỡng. Ngôi trường ở Hà Nội được thành lập vào năm 1965 với sự tài trợ của Triều Tiên, hiện được coi là một trong những trường mẫu giáo hàng đầu tại Hà Nội.

Tháng 6.2012, vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông Kim Nhật Thành, quan chức Triều Tiên đã đến thăm trường mẫu giáo ở Hà Nội với 6 giáo viên và 13 học sinh từ Kyongsang. Trường nhận Huân chương Hữu nghị hạng nhất từ Triều Tiên và Huân chương Lao động hạng nhất của Việt Nam.

Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được tăng cường đáng kể từ cuối những năm 2000 với những chuyến công du như chuyến thăm Triều Tiên của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007, nguyên Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh năm 2008. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam và Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong Il lần lượt thăm Việt Nam năm 2001 và 2007.

Hà Nội ủng hộ Triều Tiên trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và đã đón tiếp một số phái đoàn từ Triều Tiên tới tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

tinh than anh em, dong chi giua viet nam va trieu tien hinh anh 3

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) tiếp Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tại Hà Nội ngày 30.11. Ảnh: BNG.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tháng 11/2018, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.

Trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên ngày 12-14.2 của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Ri đã cảm ơn lập trường và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình đối thoại vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm Việt Nam được lên kế hoạch vào cuối tháng này có thể là cơ hội để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un học hỏi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Ông Kim sẽ muốn tự mình chứng kiến câu chuyện Việt Nam và đó có thể là nguồn cảm hứng và suy ngẫm để ông ấy tư duy về cách đưa Triều Tiên phát triển”, Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, nói với AFP.

Theo Phương Vũ (VnExpress)

Từ khóa : Donald TrumpKim Jong Unthượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nộithượng đỉnh Trump Kim Jong unViệt Nam - Triều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết