Làng ven thị xã, tương lai có đường tránh quốc lộ chạy qua. Khoảng chục năm trước, người ta đến mua đất tấp nập bên con đường dự tính sẽ chạy qua làng để tạo thành “vành đai”. Tại khu vực này, dãy nhà gần 20 phòng xây tạm bợ không người ở cũng được dựng lên chờ giải tỏa đền bù. Nhiều gia đình tha phương cầu thực, không có chỗ ở ổn định đã tìm đến nơi này ở và buôn bán đồ ăn sáng, thức ăn vặt.
Đất đắt hơn vàng nên nhà nhà mọc lên dày khít. Toàn dãy chỉ một con ngõ nối phía dãy nhà tạm qua sông vào thị xã nhưng ngõ bị lấn chỉ còn rộng 1,2m. Gia đình sống bên trái cũng “chẻ” mặt đường ngõ thành từng hố sâu nhỏ ngay giữa đường khiến hàng chục gia đình sống sau dãy nhà hoang phải đi đường vòng ven chân núi mới tới điểm bán đồ ăn sáng. Duy nhất cậu chăn trâu ít nói vẫn sáng tối lầm lũi dắt mười mấy con trâu qua ngõ. Chị chủ nhà sống cạnh con ngõ bực mình lắm vì đào hố, rải thảm mấy chồng đá lẫn gạch vỡ mà trâu vẫn đi qua.
Rồi một hôm chị này đứng ngay sau ngõ, rình thấy con trâu đầu tiên chuẩn bị đi tới liền chửi té tát vào mặt thằng bé chăn trâu: “Cái thằng mồ côi kia, từ hôm nay mày không được dắt trâu qua ngõ nhà tao. Mày không thấy bọn kia phải đi đường vòng à! Tao cấm đi qua đầu bếp nhà tao!”. Từ đó cậu bé phải lùa trâu đi đường vòng tránh qua đoạn ngõ này.
Tối nay, chúng tôi qua nhà thăm chồng chị chủ nhà sống cạnh ngõ bị đột quỵ. Chị vừa khóc vừa kể: “May có cậu bé chăn trâu đi qua thấy chồng tôi nằm đơ ra mà kêu cứu. Chứ không thì… đến tối chẳng ai hay”. Tôi hỏi cậu bé: “Bị cấm đi qua ngõ sao cháu còn nhìn thấy ông Chí – chồng chị chủ nhà?”. Cậu bé nói: “Lúc mẹ cháu còn sống, có nói chú Chí bị cao huyết áp nhưng lại thường xuyên uống rượu. Sáng nay, cháu gặp chú Chí ngửi thấy toàn mùi rượu nên buổi chiều cháu cố tình lùa trâu về sớm ghé qua”. Nghe đến đây, chúng tôi lặng người vì còn nhỏ nhưng cậu bé đã biết thế nào là “tình làng nghĩa xóm”.
Trung Nhân