Ngày 13/12/2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành công văn số 474-CV/BTGTU về việc ban hành tài liệu định hướng tuyên truyền 20 năm tái lập tỉnh Bình Phước: “Tình hình kinh tế – xã hội Bình Phước qua 20 năm tái lập tỉnh (01/01/1997 – 01/01/2017)”. Dưới đây là toàn văn tài liệu:

I. VỀ KINH TẾ

1. Thu ngân sách của tỉnh tăng hơn 24 lần so với năm đầu tái lập:
Những năm đầu tái lập tỉnh vô vàn khó khăn, thu ngân sách của tỉnh rất thấp, chỉ đạt 176 tỷ đồng. Sau 20 năm tái lập tỉnh, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 4.150 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần so với năm 1997.
2. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 16 lần, đời sống Nhân dân được cải thiện:
Trong năm đầu mới tái lập, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm.Đến nay, kinh tế – xã hội phát triển theo hướng tích cực đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 16 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
3. Phát triển công nghiệp được ưu tiên đầu tư, bước đầu có hiệu quả rõ nét:
Những năm đầu mới tái lập tỉnh, Bình Phước là tỉnh thuần nông. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông – lâm nghiệp. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế (chiếm khảng hơn 2,4% GRDP của tỉnh), chủ yếu là chế biến và khai thác mỏ với 31 doanh nghiệp tư nhân. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt gần 123 tỷ đồng.
Qua 20 năm tái lập, Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, trong đó có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, 2 khu đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, 3 khu đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Các khu công nghiệp đang hoạt động có gần 800 ha diện tích đất để cho thuê. Hiện nay đã cho thuê hơn 530 ha, trong đó có 60 dự án trong nước và 107 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 3.400 tỷ đồng và hơn 1 triệu USD.
Chính sách thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và Nhân dân. Đến nay, Bình Phước có khoảng 5.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký gần 37.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 159 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 1.153 triệu USD, tạo việc làm cho trên 142 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Kéo theo sự phát triển của các khu công nghiệp là bộ mặt nông thôn, đô thị thay đổi; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển; nhiều khu dân cư mới được xây dựng đã trở nên đông đúc. Ước cuối năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 245 lần so với năm tái lập tỉnh.
4. Tăng mạnh tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông – lâm nghiệp và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung:
Ở năm đầu tái lập, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông – lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 70%. Sau 20 năm, cơ cấu kinh tế nông – lâm – thủy sản chuyển dịch đúng định hướng, đến nay giảm gần một nửa, chỉ chiếm 38,5%. Cơ cấu nội ngành phát triển tích cực, đúng hướng, tăng tỷ trọng trong lĩnh vực chăn nuôi. Sản xuất từng bước gắn với chế biến và xuất khẩu, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Việc chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt được tỉnh quan tâm, ưu tiên tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cao su, điều, cà phê, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả. Bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh cây điều ở Bù Đăng, Bù Gia Mập; cao su ở Bình Long; hồ tiêu ở Lộc Ninh. Các vùng chuyên canh trồng trọt từng bước được cơ giới hóa. Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất cao, chất lượng tốt, như: Mô hình canh tác cây điều, kết hợp với nuôi heo ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng; mô hình trồng cây ca cao xen điều trên địa bàn các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long; mô hình canh tác và chế biến hồ tiêu theo hướng hữu cơ sinh học tại huyện Lộc Ninh.
So với năm đầu tái lập tỉnh, diện tích cây điều đã tăng lên gấp hơn 5 lần; cây tiêu tăng gấp hơn 4 lần; cây cao su tăng gấp hơn 2 lần. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh như cao su, hạt điều, hạt tiêu, linh kiện điện tử, mặt bàn gỗ đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trước đây chỉ là nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, đến nay đã phát triển tập trung quy mô lớn, hiện đại, với hình thức công nghiệp và bán công nghiệp gia tăng về số lượng và tính cạnh tranh trên thị trường.
5. Hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, lưu thông hàng hóa và việc đi lại của Nhân dân ngày càng thuận tiện:
Khi tái lập tỉnh, hệ thống giao thông rất khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nhu cầu đi lại của Nhân dân. Quốc lộ 13 và 14, đường tỉnh quản lý xuống cấp trầm trọng; các tuyến đường huyện, xã chủ yếu là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”. Đầu năm 1997, Bình Phước chỉ có 103 tuyến đường với chiều dài hơn 1.200 km, tỷ lệ đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất chiếm gần 84%.
Với chủ trương: Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là cơ sở, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội, sau 20 năm tái lập, hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước hiện đại. Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 500 tuyến đường với chiều dài hơn 8.000 km, trong đó quốc lộ 13, 14 đã nhựa hóa 100% và hiện đang tiếp tục nâng cấp mở rộng; đường tỉnh nhựa hóa đạt gần 99%. 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm; hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh giáp biên nước bạn Campuchia, các tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Hạ tầng giao thông hiện đại đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, tạo liên kết giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh phát triển.
6. Điện lưới quốc gia đã về hầu khắp các khu dân cư, thôn, ấp:
Giai đoạn đầu khi mới tái lập tỉnh, cơ sở vật chất ngành điện rất khó khăn, thiếu thốn, lưới điện cũ nát, chắp vá, thường xuyên quá tải và có sự cố kỹ thuật. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 441 km đường dây hạ thế, 436 km đường dây trung thế, 324 trạm biến áp phân phối điện; điện thương phẩm chỉ đạt trên 34,8 triệu KWh; doanh thu đạt trên 22,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh chỉ có gần 17% hộ được sử dụng điện.
Đến cuối năm 2016, Bình Phước có 01 trạm biến áp 220KV; 7 trạm biến áp 110KV; 3.360 km đường dây hạ thế; 3.190 km đường dây trung thế; gần 6.100 trạm biến áp phân phối điện; điện thương phẩm đạt gần 1.088 triệu KWh, gấp hơn 31 lần so với năm 1997. Doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng, gấp hơn 80 lần so với năm 1997. Cả tỉnh có gần 250 ngàn khách hàng dùng điện và tỷ lệ số hộ có điện đạt trên 98%, gấp 6 lần so với năm tái lập tỉnh.
7. Áp dụng có hiệu quả các nghiên cứu khoa học và công nghệ vào đời sống, sản xuất của Nhân dân:
Những ngày đầu tái lập tỉnh, Bình Phước thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao. Lúc đó, ngành khoa học – công nghệ của tỉnh chỉ tập trung nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, từng bước xây dựng mạng lưới khoa học – công nghệ.
Đến nay, nhiều đề tài nghiên cứu, mô hình sản xuất mới được ứng dụng thành công đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển. 20 năm qua, đã có 151 đề tài, dự án cấp tỉnh được triển khai nghiên cứu, trong đó có trên 70% đề tài, dự án được ứng dụng vào thực tiễn; hơn 134 đề tài đã được nghiệm thu, tập trung phục vụ sản xuất, đời sống, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hai năm 2014-2015, kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ của tỉnh đạt gần 8 tỷ đồng.
Việc ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất các loại cây trồng thế mạnh của tỉnh, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân. Các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm; tài nguyên và môi trường; công nghiệp; y học; khoa học xã hội và nhân văn được ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
II. VỀ VĂN HÓA – XÃ HỘI
1. Nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân được đáp ứng nhờ sự phát triển đa dạng của ngành thương mại, dịch vụ:
Năm đầu mới tái lập, Bình Phước chỉ có các doanh nghiệp quốc doanh và hộ tư nhân hoạt động thương mại – dịch vụ, các thành phần kinh tế khác hầu như chưa có. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội cả tỉnh trong năm 1997 chỉ đạt trên 869 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 1997 chỉ ở con số trên 33,3 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2 triệu USD.
Sau 20 năm tái lập, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ. Ước đến cuối năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội gấp hơn 41 lần; cơ cấu của ngành thương mại – dịch vụ tăng gần 17% so với năm 1997.
Từ chỗ hàng hóa ít ỏi, khan hiếm, đến nay mạng lưới thương mại của các thành phần kinh tế phủ khắp tỉnh. Năm 1997, Bình Phước chỉ có 04 doanh nghiệp quốc doanh, 104 doanh nghiệp ngoài nhà nước và khoảng 7.450 cơ sở hoạt động thương mại – dịch vụ, giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động. Đến nay, số doanh nghiệp tăng 13 lần, số cơ sở thương mại tăng gần 7 lần và số lao động được giải quyết việc làm tăng gấp hơn 6 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư đổi mới với hệ thống 56 chợ truyền thống phân bố rộng khắp tỉnh, 4 trung tâm thương mại và 1 siêu thị với cơ sở vật chất khá hiện đại, phương thức mua bán văn minh, mang lại diện mạo mới cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh. Ước đến cuối năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 32.500 tỷ đồng, tăng hơn 36 lần, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1.352 triệu USD, tăng gần 40 lần, kim ngạnh nhập khẩu đạt 375 triệu USD tăng hơn 190 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Dịch vụ vận tải phát triển nhanh, ổn định. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 12.000 ô tô chuyên chở hàng hóa, hành khách; có 82 tuyến vận tải hành khách cùng 7 doanh nghiệp kinh doanh taxi và 9 bến xe khách, đáp ứng cơ bản nhu cầu về phương tiện đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân.
2. Thông tin liên lạc cho Nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh được đảm bảo tốt: Công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông những ngày đầu mới tái lập gần như không có gì, hạ tầng cơ sở đơn giản, thô sơ, số thuê bao điện thoại cố định hết sức khiêm tốn. Công nghệ thông tin chậm cập nhật, trình độ người sử dụng còn non yếu, chủ yếu phục vụ cho việc đánh máy văn bản hành chính.
Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông. Cả tỉnh có trên 1,1 triệu thuê bao điện thoại, đạt tỷ lệ hơn 119 thuê bao/100 dân; hơn 1.200 trạm phát sóng di động toàn tỉnh. 100% xã, phường, thị trấn có dịch vụ điện thoại cố định và đường truyền cáp quang. Internet bằng công nghệ 3G đã phủ sóng hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Mạng bưu chính của tỉnh phát triển rộng khắp, đa dịch vụ. Hiện tỉnh có 87 bưu cục và điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ bưu chính, trong đó có 2 bưu cục cấp I, 5 bưu cục cấp II, 20 bưu cục cấp III và 60 bưu điện văn hóa xã.
Hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử các sở, ngành và UBND huyện, thị xã được quan tâm đầu tư đã từng bước minh bạch hóa hoạt động hành chính. Đến cuối năm 2016, 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã có mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã được triển khai tại 310 điểm. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã triển khai ở 14 điểm cầu, đảm bảo tất cả các cuộc họp của UBND tỉnh với UBND các huyện, thị xã thực hiện trên môi trường Internet khi có yêu cầu.
Toàn tỉnh có khoảng 297.000 thuê bao internet, nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp với chất lượng tốt, giá cước linh hoạt. Theo đó đưa viễn thông, internet từ dịch vụ cao cấp, xa xỉ trở thành bình dân, phổ biến, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, mà còn tạo ra môi trường học tập, lao động vô cùng tiện ích cho mọi người.
3. Giáo dục – Đào tạo phát triển mạnh mẽ, trình độ dân trí được nâng cao:
Những ngày mới tái lập tỉnh, Bình Phước được coi là “vùng trũng” về giáo dục – đào tạo. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vừa thiếu vừa yếu. Năm 1997, số người trong độ tuổi 15-35 mù chữ chiếm hơn 7%, trẻ em dưới 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học chỉ đạt hơn 73%. Toàn tỉnh có 159 trường học các cấp với tổng số hơn 141.000 học sinh. Thiếu hàng ngàn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; thiếu hàng trăm phòng học; chưa có trường sư phạm và trung tâm dạy nghề.
Từ chỗ thiếu trường lớp, học sinh phải học ca ba; đến nay mạng lưới trường, lớp được quy hoạch và phát triển tập trung, kể cả các điểm lẻ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tỉnh có 3 trường cao đẳng và nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo nghề. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục liên tục được bổ sung số lượng, quan tâm chuẩn hóa về chất lượng.
Chất lượng giáo dục – đào tạo của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Năm 1998, tỉnh được công nhận xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến năm 2009 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt gần 23%. Số học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, trong đó có nhiều em là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật là trường THPT chuyên Quang Trung, lá cờ đầu của ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bình Phước, có nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia và là một trong những trường được xếp vào tốp đầu các trường THPT trong cả nước có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao.
4. Đời sống văn hóa tinh thần phát triển tương ứng với sự cải thiện đời sống vật chất của Nhân dân:
Kinh tế phát triển kéo theo mọi mặt của đời sống xã hội có bước chuyển biến rõ nét, tương đối toàn diện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh có trên 92% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, hơn 60% khu dân cư được công nhận văn hóa. Các hoạt động văn hóa ở cơ sở được khơi dậy, nhiều câu lạc bộ văn nghệ, thể dục – thể thao được hình thành. Những lễ hội, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào Stiêng, Khơme, Mơnông… được phục dựng. Các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và quốc gia được trùng tu, xây dựng và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 100% thôn (ấp) đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa cộng đồng; đặc biệt, tỉnh đã khánh thành giai đoạn 1 Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng Sóc Bom Bo.
Các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phục vụ nhu cầu, thị hiếu phong phú, đa dạng hơn. Sau khi tái lập tỉnh, Bình Phước chỉ có 2 cơ quan báo chí (Báo Bình Phước và Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước), đến nay đã có 4 cơ quan báo chí, có đủ 4 loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử, với nhiều chuyên mục, chương trình sinh động, bổ ích, thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu thông tin, giải trí của Nhân dân.
5. Người có công với đất nước và các nhóm yếu thế được quan tâm, tạo điều kiện vươn lên có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc:
Chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công luôn được các cấp, các ngành ở Bình Phước quan tâm tập trung chỉ đạo, giải quyết tốt theo quy định. 20 năm qua, tỉnh đã xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Tổ chức đón nhận, truy điệu và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh 2.500 hài cốt liệt sĩ từ Campuchia và các địa phương.
Toàn tỉnh hiện đangquản lý 25.000 hồ sơ người có công, trong đó có 6.400 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. 20 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 16.000 lượt người có công được đi điều dưỡng. 100% người có công được mua thẻ bảo hiểm y tế. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có được sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của toàn xã hội. Toàn tỉnh đã vận động xây dựng, sửa chữa trên 2.200 căn nhà tình nghĩa, trị giá 43 tỷ đồng; tặng 911 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá 671 triệu đồng; nhận phụng dưỡng 116 đối tượng người có công, trong đó có 34 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Với những việc làm thiết thực và hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người có công trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Bản thân các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công cũng phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên và tiếp tục cống hiến cho địa phương. Đã xuất hiện rất nhiều tấm gương thương, bệnh binh tiêu biểu, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Năm đầu mới tái lập, toàn tỉnh còn gần 18% hộ đói nghèo, đến năm 2000 đã cơ bản xóa được hộ đói. Các chương trình, chính sách về giảm nghèo bền vững và hỗ trợ hộ cận nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đạt hiệu quả, bình quân mỗi năm giảm được 1,3% hộ nghèo. Hầu hết các hộ đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đến cuối 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống ước còn khoảng 5,6% theo chuẩn mới.
6. Nhiều sự kiện, ngày lễ kỷ niệm lớn được tổ chức thành công:
Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo tổ chức thành công các kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VI, VII, VIII, IX và X với quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị – xã hội và chủ quyền an ninh biên giới; khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh Bình Phước phát triển nhanh và vững chắc.
Đảng bộ tỉnh lãnh đạo tổ chức các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Qua đó đã bầu ra được những người tiêu biểu, có đức, có tài tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng, củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã họp thống nhất chọn ngày 23/3/1975 (ngày giải phóng quận An Lộc – Trung tâm hành chính của tỉnh Bình Long cũ) làm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước, trên cơ sở lấy ý kiến của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. Ngày 23/3/2016, tại khu Căn cứ Tà Thiết, tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng (23/3/1975 – 23/3/2016) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam…
Các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị quan trọng khác của tỉnh, của đất nước, dù điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, nhưng tỉnh đã tổ chức rất thành công, an toàn, tiết kiệm, có sức lan tỏa lớn, thu hút được sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
7. Đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo được chăm lo tốt về đời sống vật chất và tinh thần:
Bình Phước là tỉnh có vị trí tiếp giáp với Tây Nguyên, cũng là một trong những địa bàn mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, công tác triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Đến nay, các huyện, thị đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới. Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác định canh, định cư, quy hoạch, sắp xếp, phân bổ một cách hợp lý dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Các chính sách về tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm. Toàn tỉnh hiện có 8 tôn giáo được Nhà nước công nhận, có hơn 232 nghìn tín đồ, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh; có gần 1.700 chức sắc, chức việc; gần 300 cơ sở tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo cơ bản theo quy định của pháp luật, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy, tôn trọng. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo được thực hiện tốt, đồng bào tôn giáo phấn khởi, đánh giá rất cao, nên tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thực hiện các quy định của Nhà nước về sinh hoạt tôn giáo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
8. Y tế có nhiều tiến bộ, từng bước hướng đến mục tiêu vì Nhân dân phục vụ:
Ngày mới tái lập, ngành y tế Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất xuống cấp; đội ngũ cán bộ thiếu, chưa đạt chuẩn về trình độ. Trang thiết bị lạc hậu trong khi đó nhu cầu khám – chữa bệnh của Nhân dân ngày càng tăng, nhiều bệnh dịch mới, lạ, nguy hiểm phát sinh.
Năm 1997, tổng số cán bộ, nhân viên toàn ngành y tế tỉnh là 997 người, có 2,2 bác sĩ/vạn dân, 11 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ đạt 12,5%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trên 38%. Tuyến tỉnh chưa có bệnh viện đa khoa; tuyến huyện có 5 trung tâm y tế huyện, 5 bệnh viện với 380 giường bệnh, 2 phòng khám đa khoa khu vực (Thanh Hòa, Chơn Thành). Đến năm 1999, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập, trên cơ sở chia tách Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú, đội ngũ y, bác sĩ ban đầu là 20 người với 200 giường bệnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 2 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc), 11 Bệnh viện Đa khoa huyện, thị xã với tổng số giường bệnh gần 2.500 giường, gấp 6,5 lần so với năm 1997; 1 Bệnh viện tư nhân Thánh Tâm, 1 Bệnh viện quân – dân y Binh đoàn 16 và hơn 420 phòng khám công lập và tư nhân.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không ngừng lớn mạnh với trên 3.300 người, có 7,2 bác sĩ/vạn dân, 26,5 giường bệnh/vạn dân, công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 90%.Tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ đạt 85%. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy sinh dưỡng còn 14%, giảm 3 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Bình Phước đã cơ bản khống chế, dập được những bệnh dịch nguy hiểm, những bệnh đặc thù của địa phương như sốt rét, bướu cổ, bạch hầu; loại trừ được bệnh đậu mùa, thanh toán bại liệt. Các bệnh dịch truyền nhiễm như uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều giảm.
9. Nhiều lao động trong tỉnh được đào tạo nghề và giải quyết việc làm:
Những năm đầu tái lập tỉnh, lao động trong tỉnh phần lớn chưa được đào tạo, nguồn việc làm thấp, lao động nhàn rỗi ở nông thôn rất đông, tỷ lệ thất nghiệp cao. 20 năm qua, hệ thống cơ sở dạy nghề được quan tâm đầu tư, phát triển, toàn tỉnh hiện có 28 cơ sở dạy nghề, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ khoảng 15% năm 1997, đã tăng lên gấp 3 lần vào cuối năm 2016.
Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp tạo việc làm, nâng thu nhập cho người lao động, nhất là đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng. 20 năm qua, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 468.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm từ 4,4% xuống 3,2%, tỷ lệ sử dụng lao động ở nông thôn tăng từ 83% lên trên 90%.
10. Thể dục thể thao cho mọi người phát triển rộng khắp, đáp ứng cơ bản nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân:
Sau ngày tái lập tỉnh, ngành thể dục thể thao của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất để tập luyện và thi đấu có nhiều hạn chế, kể cả ở cấp tỉnh. Các hoạt động thể dục thể thao chủ yếu là tổ chức một số giải thi đấu phong trào và tham dự một số giải thể thao toàn quốc, chưa đạt được thành tích đáng kể.
Những năm 2006-2016 được xem là giai đoạn có tính đột phá chiến lược; các chủ trương, chính sách, đề án, kế hoạch phát triển thể dục thể thao được hoàn thiện.Trung tâm thể dục thể thao tỉnh được thành lập. Các vận động viên được đào tạo tập trung, chuyên nghiệp, có kế hoạch, định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể. Đến nay, toàn tỉnh có 4 nhà thi đấu cấp huyện, trên 100 sân cỏ nhân tạo, 91 sân quần vợt, 50% số huyện, thị xã có bể bơi.
Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khối phố, cơ quan văn hóa. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 28%, số gia đình thể thao đạt 16%.60% số xã, phường, thị trấn có các đội, nhóm thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Bình Phước hiện có 80 câu lạc bộ hoạt động đều đặn, tiêu biểu là các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh. Tổ chức tốt Hội khỏe Phù Đổng cho học sinh, có vận động viên tham gia thi đấu đạt thành tích tốt tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Tổ chức thường xuyên Hội thao Quốc phòng trong Quân đội và Hội thao “Khỏe vì an ninh Tổ quốc” trong lực lượng Công an nhân dân…
Thể thao thành tích cao của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Bình Phước đạt những thành tích vượt bậc với 6 HCV, 11 HCB, 11 HCĐ, xếp thứ 24/65 tỉnh, thành, ngành tham dự. Bình Phước đang huấn luyện, đào tạo 17 môn thể thao thành tích cao trọng điểm với tổng số 781 vận động viên ở các tuyến. Đội Bóng đá tỉnh Bình Phước thăng hạng 3 năm liên tiếp từ hạng Ba lên hạng Nhất và duy trì thi đấu ở giải hạng Nhất từ năm 2015 đến nay. Hằng năm, các đội tuyển của tỉnh cung cấp từ 10-15 vận động viên các tuyến cho đội tuyển quốc gia.
III. VỀ QUỐC PHÒNG – AN NINH
1. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm:
20 năm qua, lực lượng quân đội, công an, biên phòng, dân quân tự vệ không ngừng được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, trình độ sẵn sàng chiến đấu được nâng cao và trưởng thành về mọi mặt. Tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ đảng viên, đoàn viên ngày càng tăng.
Cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh có tinh thần cảnh giác cao trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Tiềm lực quốc phòng – an ninh và thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường. Khu vực phòng thủ được xây dựng đi vào chiều sâu vững chắc, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu tăng lên, an ninh trên tuyến biên giới luôn đảm bảo. Bình Phước luôn duy trì mối quan hệ gắn bó với chính quyền các tỉnh giáp biên, tạo điều kiện cho hợp tác an ninh giữa các đơn vị, lực lượng chức năng.
Tội phạm được kiềm chế, triệt phá nhiều vụ án phức tạp, nhiều băng nhóm tội phạm, ma túy, trộm cắp tài sản… Các mục tiêu quan trọng, giữ vững an ninh trên các địa bàn trọng điểm được bảo vệ an toàn. Tai nạn giao thông từng bước giảm cả 3 tiêu chí. Đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2. Có mối quan hệ đối ngoại rộng mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế:
Quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia không ngừng được củng cố, tăng cường và ngày càng phát triển tốt đẹp. Nhờ đó công tác phân giới cắm mốc tuyến biên giới của tỉnh và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia được thực hiện rất thuận lợi và hiệu quả. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Phước đã tìm kiếm, quy tập được 2.275 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia qua các thời kỳ (trong đó có 234 hài cốt có tên).
Mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với các nước bạn Nhật Bản, Israel, Hà Lan, Bờ Biển Ngà… được mở rộng trực tiếp qua việc tìm hiểu cơ hội kinh doanh, thăm và học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhân đạo, trao đổi kiến thức khoa học. Tỉnh đã ký kết được chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút đầu tư.
3. Là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia:
Đến cuối năm 2012, hai bên Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam và Campuchia đã thống nhất, công nhận kết quả trên thực địa, tỉnh Bình Phước có đường biên giới giáp với 3 tỉnh của Campuchia Mondulkiri, Kratie, Taboung Khmum với chiều dài biên giới 260,433 km. Bình Phước trở thành tỉnh có đường biên giới dài nhất tiếp giáp với Campuchia. Trong quá trình phân giới, cắm mốc chính, tỉnh Bình Phước đã cắm 50 vị trí với 81 cọc dấu đánh dấu đường biên giới.
Cột mốc được xác định và xây dựng đầu tiên là cột mốc 69 (khởi công xây dựng ngày 28/5/2007, hoàn thành ngày 31/12/2007), cột mốc cuối cùng được xây dựng là cột mốc 70, 71, 72 (bắt đầu xây dựng ngày 09/11/2011, kết thúc ngày 22/12/2011). Sau 6 năm thực hiện nhiệm vụ công tác phân giới, cắm mốc, Bình Phước là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đường biên giới với Campuchia hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, góp phần xây dựng đường biên giới giữa hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước.
IV. VỀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
1. Cải cách hành chính được đẩy mạnh theo tinh thần phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp:
Những ngày mới tái lập tỉnh còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, công chức thiếu nhưng chính quyền các cấp đã tập trung quản lý, điều hành, ban hành các văn bản hành chính đúng luật, tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước các cấp từng bước sắp xếp, bố trí, đào tạo theo quy hoạch.
Đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp và tổ chức bộ máy. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện đúng các quy định về cải cách thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính áp dụng tại cấp huyện, cấp xã và của các sở, ban, ngành tỉnh, trong đó, tổng thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh là 1.420 thủ tục, cấp huyện 332 thủ tục, cấp xã 112 thủ tục. Các cuộc họp, hội nghị đã được bố trí hợp lý hơn, lãnh đạo tỉnh dành nhiều thời gian hơn để đi cơ sở.
Cải cách hành chính trong Đảng được chú trọng, đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng; quy định phân cấp quản lý cán bộ; quy trình ban hành các văn bản chỉ đạo của cấp ủy; quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, đoàn thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Đến nay, tổ chức, bộ máy các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện được củng cố, kiện toàn, tạo sự thống nhất, đồng bộ. Các quy trình, thủ tục trong Đảng được công khai, minh bạch, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Công tác xây dựng văn bản của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy từng bước được nâng cao chất lượng.
2. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động:
Từ chỗ chỉ có 356 số đơn vị cơ sở có tổ chức cơ sở đảng, với gần 8.500 đảng viên năm tái lập tỉnh, đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 22 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, 840 tổ chức cơ sở đảng, gần 32.000 đảng viên, trong đó có gần 2.000 đảng viên từ 40 năm đến 65 năm tuổi Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, công khai, không né tránh trách nhiệm. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ luôn được giữ vững. Trong mỗi giai đoạn, ngoài những nghị quyết lãnh đạo toàn diện, Tỉnh ủy còn ban hành những chương trình đột phá trên những lĩnh vực trọng tâm, cấp bách với tư tưởng chỉ đạo là phát triển nhanh, toàn diện theo hướng bền vững như: Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, quyết định một số cơ chế, chính sách tạo vốn, huy động vốn cho phát triển; tập trung chuẩn bị các điều kiện kinh tế hội nhập; tăng cường quan hệ đối ngoại với nước láng giềng Campuchia… Nhờ đó, từ một tỉnh nghèo với điểm xuất phát thấp, còn nhiều khó khăn, đến nay Bình Phước đã vững bước đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những thành tựu to lớn của quá trình 20 năm tái lập, xây dựng, phát triển và hội nhập đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Tỉnh ủy là nhân tố quyết định sự thắng lợi và phát triển của tỉnh, biểu hiện rõ nét bằng những chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy đều thể hiện rõ “ý Đảng – lòng dân”.
3. Đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng:
Các chương trình đột phá đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015 đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ thiếu cán bộ, cán bộ chưa đạt chuẩn của năm đầu tái lập tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 40.000 cán bộ, công chức, viên chức, với chất lượng ngày càng được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.
20 năm qua, toàn tỉnh có gần 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; gần 21.000 lượt người được bồi dưỡng. Công tác quy hoạch đảm bảo các yêu cầu theo quy định, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực theo tiêu chí đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cán bộ được điều động, luân chuyển, cán bộ trẻ được bổ nhiệm bảo đảm đúng chuẩn theo quy định, đã phát huy tốt năng lực, sở trường và bản lĩnh trong công tác, có uy tín với Nhân dân.
4. Khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và phát huy:
Là tỉnh có hơn 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc ở Bình Phước đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội…, nhưng Bình Phước chưa từng xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị dân tộc. Sự đoàn kết thống nhất trong Nhân dân luôn được giữ vững và phát huy. Đây là thành công lớn nhất của công tác dân vận 20 năm qua.
 Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận được nâng lên; đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận chính quyền được nhận thức rõ hơn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại với dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các đơn vị lực lượng vũ trang bám sát địa bàn, giúp nhân dân phát triển kinh tế, vận động quần chúng giữ vững ổn định tình hình ngoại biên, biên giới và an ninh nội địa. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới, nhiều điển hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát những lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi và đời sống Nhân dân được thực hiện tốt.
5. Việc học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động làm theo:
Kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thể hiện cụ thể bằng những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng hệ thống chính trị ở nhiều cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng cao hơn. Nhiều vấn đề tiêu cực, tồn đọng gây bức xúc trong dư luận đã từng bước được giải quyết, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tỉnh đã có 543 tập thể và 829 cá nhân được biểu dương, khen thưởng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, với rất nhiều mô hình mới, cách làm hay có tác dụng động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm theo.
Hiện nay, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ gắn với chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của cấp ủy và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng./.
 
NGUỒN: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

Từ khóa : 20 nămđất đaikinh tếmột chặng đườngquy hoạchxã hội

Các tin liên quan đến bài viết