Đường sá đến Lâm Đồng và Bà Rịa – Vũng Tàu xuống cấp, quá tải đang cản bước chân du khách đến những vùng đất du lịch nổi danh với rừng và biển này.

Quốc lộ 27C nối Đà Lạt - Nha Trang liên tục gián đoạn vì sạt lở, sụt lún nền đường - Ảnh: M.V

Quốc lộ 27C nối Đà Lạt – Nha Trang liên tục gián đoạn vì sạt lở, sụt lún nền đường 

Ngành du lịch hai tỉnh này đang đối mặt với những khó khăn khi dự án phát triển giao thông vẫn còn phải chờ nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành.

Mất hẳn lợi thế cạnh tranh

Đầu tháng 8-2023, trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, ông Trần Đức Quận – bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng – chia sẻ sáu tháng đầu năm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có 4,5 triệu lượt khách du lịch. Ông Quận dự báo, với tình hình giao thông như hiện nay, khó mong sáu tháng tiếp theo thu hút được lượng khách tương tự.

“Hạ tầng giao thông của Đà Lạt không thay đổi đáng kể trong nhiều năm qua. Có những ngày lễ không kẹt xe, ngày cuối tuần đường thông thoáng. Cảm nhận vậy đã thấy Đà Lạt không còn nhiều du khách như trước” – lãnh đạo một công ty du lịch lớn tại Đà Lạt trao đổi.

Vị này dẫn chứng thực tế các tuyến đường trung tâm Đà Lạt, khách sạn, nhà lưu trú du lịch treo biển còn phòng và công khai giá khuyến mãi ngay trước cửa. Ở khu vực trung tâm, nhiều nhà hàng, quán ăn uống phải đóng cửa vì “chịu không thấu” trong bối cảnh giảm sút du khách. Sau Tết việc này đã thấy rõ ràng.

Đến dịp lễ 30-4, khi đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe thì tốc độ giảm sút du khách càng lớn.

“Các tuyến đường kết nối Đà Lạt với các tỉnh thành đều hư hỏng nặng. Đà Lạt giống như bị cô lập. Đi du lịch là đi chơi. Trong rất nhiều lựa chọn đưa ra khi chuẩn bị một chuyến đi chơi, đa số du khách sẽ chọn nơi nào cho họ cảm giác: dễ đi, dễ ở, dễ chơi… Đường sá xấu thì khả năng cao sẽ bị rớt khỏi kế hoạch ưu tiên. Du khách của Đà Lạt di chuyển qua đường bộ là chính, đường sá như hiện nay Đà Lạt mất hẳn lợi thế cạnh tranh”.

Chị Hoàng Dung (quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây khi chọn lựa Phan Thiết, Nha Trang hay Đà Lạt, cả nhà mình đều chọn Đà Lạt. Giờ thì khác, công việc cũng bận nên chỗ nào ít mất thời gian ngồi xe thì mình ưu tiên. Đi Đà Lạt ai cũng oải vì đường hẹp, xe đi quá chậm”.

Lo tụt hậu vì đường đi quá tải

Mùa hè vừa qua, du khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh này đang lo lắng vì đường đến điểm du lịch là quốc lộ 51, độc đạo đi Vũng Tàu đang quá tải.

Gần đây, quốc lộ này lại xuống cấp và liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông làm chết người.

“Tình trạng quốc lộ 51 như hiện nay đúng là một lực cản, nỗi lo cho sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Có sản phẩm mới, dịch vụ mới nhưng đường đi khó khăn thì du khách cũng e ngại”, một lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.

Ông Phạm Ngọc Hải, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận định tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch tỉnh này trong những năm gần đây đã chậm lại rõ rệt. Nếu nhìn vào con số thống kê thì vẫn thấy tăng trung bình từ 10-15%/năm nhưng đó là lượng khách ước chừng, khách đến trong ngày rồi về.

Nhìn vào các cơ sở lưu trú thì lượng khách đặt phòng ở lại đang giảm hơn so với những năm trước dịch COVID-19. Đặc biệt hè năm 2023 số lượng lấp đầy phòng chỉ trung bình khoảng 60%. Nếu so sánh với năm 2019 trung bình 85-90% thì đây là con số đáng lo ngại cho ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quốc lộ 51 quá tải từ lâu và xuống cấp trầm trọng nên kẹt xe thường xuyên vào những ngày cuối tuần, lễ tết, có khi phải mất 4 tiếng du khách từ TP.HCM mới đến được Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đến Đà Lạt, có đường nào lành lặn?

Hiện tại, đường từ các hướng đến Đà Lạt hoặc vào địa phận tỉnh Lâm Đồng không có tuyến nào lành lặn.Quốc lộ 20 là tuyến huyết mạch nối TP.HCM – Đồng Nai – Đà Lạt, lượng xe mỗi năm không ngừng tăng lên nhưng đường không được nâng cấp mở rộng. Du khách từ TP.HCM đến Đà Lạt mất 8 giờ cho lộ trình khoảng 300km. Tuyến giao thông chính này có nhiều điểm nghẽn do liên tục đi vào khu dân cư và đi qua ba đoạn đường đèo nhỏ hẹp.Một tuyến đường quan trọng khác là quốc lộ 27C nối Nha Trang – Đà Lạt, mệnh danh “đường biển và hoa” nhưng lại là tuyến giao thông nguy hiểm khi vào mùa mưa vì liên tục sạt lở, đá rơi và hiện nay xuất hiện thêm tình trạng sụt lún nền đường.Quốc lộ 27 nối Đà Lạt với Đắk Lắk, Ninh Thuận là nỗi khó nhọc với tài xế. “Tốc độ trung bình 20km/h là có thật, từ Đà Lạt đi Đắk Lắk không khác hành xác. Tiền chở khách chắc không đủ sửa xe” – ông Trần Định, tài xế tại Đà Lạt, nói vậy.Tuyến đường này có 39km xuống cấp nghiêm trọng, xe đi qua chỉ có thể “bò”. Tỉnh Lâm Đồng nhiều lần đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn để sửa chữa. Quá sốt ruột, ông Trần Văn Hiệp – chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – phải đề xuất cho tỉnh Lâm Đồng tự ứng tiền ra làm vì đường xuống cấp ảnh hưởng lớn đến thông thương hai tỉnh.Quốc lộ 28B nối Đà Lạt với Bình Thuận cũng là hướng mới để từ Đà Lạt đi TP.HCM nhanh hơn khi đã thông tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây – TP.HCM, nhưng chất lượng quốc lộ này quá kém.Chị Nguyễn Hoàng Hương (quận Phú Nhuận, TP.HCM) kể: “Từ TP.HCM, chúng tôi có hành trình êm ái với hơn 200km trên cao tốc TP.HCM – Dầu Giây – Phan Thiết. Sau khi rẽ vào quốc lộ 28B bước qua cung bậc cảm xúc không thể tả được, hơn cả tệ. Khoảng 60km nhà tôi đi gần ba tiếng đồng hồ”.

Mặt bằng thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sẵn sàng, nhưng đoạn qua tỉnh Đồng Nai còn vướng - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Mặt bằng thi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã sẵn sàng, nhưng đoạn qua tỉnh Đồng Nai còn vướng

Sự phát triển đường cao tốc ở vùng lân cận có mở ra hướng kết nối mới cho Đà Lạt với các tỉnh và cũng là áp lực với Lâm Đồng. Với hệ thống đường sá kết nối hiện tại du lịch Lâm Đồng gặp nhiều bất lợi hơn thuận lợi.
Ông Phạm S (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)

Nóng ruột với đường cao tốc

Theo kế hoạch năm 2021, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc nối Đồng Nai và Lâm Đồng dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2025, đấu nối với cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (nối TP.HCM với Đồng Nai). Tuy nhiên đến nay, công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục chuyển đổi rừng vẫn chưa được thực hiện. Dự kiến cuối năm 2023, báo cáo khả thi mới được thông qua.

Trong cuộc làm việc mới đây với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, ông Trần Đức Quận, bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đề xuất Chính phủ đôn đốc, hỗ trợ các thủ tục để sớm triển khai cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Phó thủ tướng cho hay sẽ đưa dự án cao tốc nói trên vào diện ưu tiên hoàn thiện thủ tục.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 53,7km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến gần 18.000 tỉ đồng, đi qua địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng đến nay phần đi qua tỉnh Đồng Nai đang vướng giải phóng mặt bằng.

Phần đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài 19,5km, về cơ bản đã có mặt bằng cho thi công. Dự kiến cao tốc này hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2025. Như vậy nhanh nhất, thuận lợi nhất phải hai năm nữa mới có một con đường khác thay thế quốc lộ 51.

Ngoài cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, hiện các dự án thành phần của đường ven biển 994 mới được khởi công vào tháng 6 vừa qua. Một số dự án thành phần của dự án này đã và đang được xây dựng, tuy nhiên vẫn còn có một số tuyến, đoạn tiến độ còn chậm.

Ông Phạm Ngọc Hải (chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết để khắc phục trước mắt nỗi lo của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tập trung tổ chức các sự kiện lớn, thường xuyên, đều đặn. Đặc biệt là phải có sự kiện tầm cỡ quốc tế để quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch ở vùng biển này.

“Không những quảng bá du lịch mà còn có thế mạnh cảng biển, logistics, công nghiệp, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bứt phá vượt bậc khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các trục giao thông khác và sân bay Long Thành đi vào hoạt động” – ông Hải hy vọng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bà Rịa-Vũng Tàulâm đồngphát triển giao thông

Các tin liên quan đến bài viết