Đội tuyển đang đối diện với tình trạng thiếu hụt quân số, vì lịch tập trung của đội tuyển trùng với các trận đấu bù tại V-League. Tuy nhiên, cái khó của bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ đội tuyển thường tập trung dài ngày thì chẳng có lịch nào sắp xếp cho trọn vẹn được!
Ngược với thông lệ quốc tế
Không ở đâu trên thế giới có chuyện đội tuyển quốc gia tập trung lâu như tại Việt Nam. Thậm chí, không chỉ đội tuyển quốc gia, mà ngay đến các đội tuyển trẻ khi tập trung cũng rất dài ngày, khiến lịch thi đấu giải trong nước bị ứ đọng vắt qua nhiều tháng.
Thông thường thì mọi đội tuyển trên thế giới chỉ tập trung khoảng 3 – 4 ngày trước các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup, vòng loại giải châu lục, hay các trận giao hữu nằm trong lịch thi đấu thường niên của FIFA.
Chỉ có trước các đợt VCK World Cup, Euro, các đội tuyển trên thế giới mới tập trung lâu hơn, khoảng 10 ngày – nửa tháng. Nhưng đấy là lúc các giải vô địch quốc nội đã nghỉ hè, và cầu thủ có thêm thời gian để lên tuyển, chứ các đội tuyển cũng không có chủ trưởng gom quân quá lâu chỉ để tập và… tập.
Đội tuyển Việt Nam trước trận đấu với Jordan tại vòng loại Asian Cup tập trung từ ngày 5/6, nhưng phải 5 ngày sau, đến ngày 10/6, đội mới gom đủ quân, do có đến 9 cầu thủ thuộc 3 CLB hàng đầu giải quốc nội là Hà Nội, Thanh Hoá và Than Quảng Ninh bận dự trận đá bù vòng 11 V-League.
Việc người lên trước người lên sau gây trở ngại cho quá trình tập luyện của đội tuyển, gây ảnh hưởng đến khả năng ráp nối giữa các vị trí. Tuy nhiên, cũng khó trách những nhà quản lý giải V-League, bởi giờ mà họ “né” lịch tập trung thêm một lần nữa thì chẳng biết giải vô địch quốc gia còn bị “dồn toa” về lịch thi đấu đến mức nào?
Có lẽ cũng không ở đâu như trong bóng đá Việt Nam, có chuyện giải vô địch quốc nội đá xong lượt đi nghỉ liền 2 tháng (trùng với khoảng thời gian U20 Việt Nam gom quân chuẩn bị cho VCK World Cup U20), sau đó đá một mạch 3 vòng (từ vòng 14 đến vòng 16, từ ngày 24/6 – 2/7), rồi lại nghỉ thêm 2 tháng, cho đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games.
Tập trung lâu hơn nhưng chuyên môn lại không hơn đối thủ
Những quãng nghỉ như thế dĩ nhiên ảnh hưởng rất lớn đến thể lực, điểm rơi phong độ và trạng thái hưng phấn thể thao của các cầu thủ, mà những nhà cầm quân ở CLB phải đau đầu tính toán lại. Đấy là còn chưa tính đến chuyện các CLB phải nuôi quân, trong đó có cả việc trả lương cao cho ngoại binh mà không thi đấu đúng nghĩa trong khoảng thời gian vừa nêu, dẫn đến tốn kém và lãng phí.
Điều này chắc chắn gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của giải trong nước, trong khi giải quốc nội chính là nền tảng quan trọng hàng đầu của mọi nền bóng đá.
Ngược lại, quay trở lại với vấn đề của các đội tuyển. Đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia tập trung trong thời gian rất dài, dài hơn hẳn các nền bóng đá khác, nhưng khả năng chuyên môn không hơn họ, yếu tố thể lực và sức bền cũng không hơn (dù chỉ xét trên bình diện Đông Nam Á), thì việc tập trung dài ngày liệu có thực sự có giá trị?
Đấy là chưa tính đến mối quan hệ giữa đội tuyển, giữa liên đoàn bóng đá cấp quốc gia và CLB khi đội tuyển tập trung quá dài ngày. CLB vẫn phải trả lương trong khoảng thời gian cầu thủ của họ tập trung đội tuyển, nhưng hầu như không sử dụng, rồi còn phải đối diện với nguy cơ quân mình chấn thương trong thời gian tập trung đội tuyển.
Sự việc đội tuyển quốc gia đang tập trung thiếu người đúng là gây ảnh hưởng cho đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng, nhưng cũng khó trách các CLB, vì đội tuyển gom quân của họ vốn đã quá dài ngày rồi, bây giờ gây áp lực cho các CLB lần nữa để họ “nhả” cầu thủ thì cũng không công bằng.
Vả lại, nếu không đấu bù vòng 11 V-League vào lúc này thì chẳng biết sẽ đấu vào lúc nào? Vì toàn bộ giải quốc nội vốn đã có quá nhiều chặng nghỉ bất đắc dĩ, liên quan đến lịch tập trung dài lê thê của các đội tuyển!
Nguồn: dantri.com.vn