Miệng cống bị bịt kín, nước thoát ra chỗ nào? |
Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, nhiều miệng cống bị bịt lại bằng ván gỗ, bạt, thậm chí có nơi người dân còn xây kín lại bằng gạch, ximăng để tiện cho xe cộ lên xuống khiến nước không rút được sau mưa. Hiện TP.HCM có 22 tuyến đường ngập mưa, nhiều tuyến ngập trên dưới hai giờ mới rút. “Việc xử lý rác thải, mùi hôi tại hệ thống cống TP.HCM còn rất khó khăn. Khi vào mùa nắng, với nhiệt độ cao thì mùi hôi từ miệng cống bốc lên nồng nặc ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân” – KTS Trương Nam Thuận nói.
Nhiều bạn đọc cho rằng chính ý thức kém của người dân như xả rác, bịt miệng cống đã góp phần làm cho TP ngập nước hơn khi mưa. Vì vậy cần phải có giải pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng này khi mùa mưa tới. Chị Nguyên thắc mắc: “Tình trạng này rất phổ biến nhưng ai là người chịu trách nhiệm giải quyết và xử lý việc này?”. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc lại cho rằng nên lưu ý lý do người dân bít miệng cống. Bạn Hoàng Nguyễn chia sẻ nên xem xét việc người dân bịt chặt miệng cống, bởi vì cống không được nạo vét thường xuyên, có mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Cùng với ý kiến, bạn đọc Trọng chia sẻ: “Trước và sau nhà tôi đều có cống thoát nước. Mùi hôi từ cống bay vào nhà cả ngày, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt gia đình. Nếu chính quyền giải quyết được mùi hôi và nạo vét thường xuyên, dân sẽ không xây kín miệng cống. Tôi cho biết thêm là khu tôi sống không ai vứt rác xuống cống”.
Miệng cống bị chắn lại bằng bạt |
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: “Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải đảm bảo hệ thống cống được thoát nước tốt, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu vực cũng như cho cộng đồng” .Trách nhiệm này thuộc về chức năng, quyền hạn của đơn vị quản lý khu vực cống thoát nước mà mình đảm nhiệm. PGS.TS Lưu Đức Hải, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói: “Đây là vấn đề chung của mọi người nên cơ quan chính quyền, đặc biệt là cơ quan chuyên môn về thoát nước, môi trường phải đứng ra chỉ đạo để đảm bảo hệ thống thoát nước tốt và không bốc mùi hôi”. Hiện nay một trong những nguyên nhân khiến TP.HCM thường xuyên ngập cục bộ trên nhiều tuyến đường do ý thức người dân còn kém. “Người dân có thói quen xả rác và buôn bán ngoài vỉa hè, đặc biệt là bán đồ ăn. Việc người dân thường xuyên đổ chất thải trực tiếp xuống cống, nhất là chất béo, dầu mỡ càng dễ làm cho đường cống thoát nước sẽ bị nghẹt” – KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Chắn miệng cống để buôn bán hàng ăn uống? |
Người dân phải có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường chung, không xả rác cũng như đổ chất thải trực tiếp xuống cống. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra hệ thống cống để tránh tình trạng cống bốc mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ: “Bước đầu tiên trong một vấn đề xã hội là phải có sự trao đổi giữa cơ quan chức năng và người dân để tìm tiếng nói chung. Nếu mỗi bên đều đứng trên góc độ của mình thì khi giải quyết vấn đề sẽ khó có sự đồng thuận cho hai bên, đồng thời không mang lại kết quả cao”. Ông Hải nói: “Việc người dân tự ý bịt miệng cống thì cơ quan chính quyền phải đến trao đổi, giải thích với người dân để hiểu và giải quyết thỏa đáng”. LS Trần Ngọc Quý cho biết: “Người dân nên kiến nghị cơ quan chức năng nếu cống thoát nước có mùi hôi hay bị tắc nghẽn, nhưng nếu người dân không kiến nghị mà tự che bịt, tự xây kín lại là trái phép”. LS Quý giải thích cống thoát nước thuộc về lợi ích công cộng để thoát nước cho cả một khu vực do những đơn vị nhà nước quản lý. Việc người dân tự ý bịt lại miệng cống đó là hành vi không đúng. Cùng ý kiến, KTS Trương Nam Thuận cho rằng hệ thống cống thuộc về lợi ích chung của cả cộng đồng cho nên trách nhiệm của cơ quan nhà nước là xử phạt đối với những cá nhân tự ý bịt miệng cống. Để người dân không phạm luật thì cơ quan chức năng phải đến trao đổi rồi đưa ra giải pháp để không xảy ra tình trạng người dân tự ý bịt miệng cống bằng tấm bật, gỗ, thậm chí xây ximăng.