Dinh tổng thống, tòa nhà Quốc hội bị chiếm ở Brazil; Thủ tướng Nhật công du các nước lớn, bàn chuyện Trung Quốc; Nga – Belarus tập trận lớn… là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 9-1.

Tin tức thế giới 9-1: Nga tuyên bố diệt 600 lính Ukraine, nhiều nước không tin - Ảnh 1.

Thành phố Kramatorsk của Ukraine hứng chịu tấn công mới của Nga ngay sau khi lệnh ngưng bắn đơn phương kết thúc ngày 8-1 

 * Nga tuyên bố tiêu diệt 600 lính Ukraine trong một đòn không kích, Ukraine nói không có

Ngày 8-1, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tập kích vào một khu ký túc xá của quân đội Ukraine ở Kramatorsk nhằm trả thù cho 89 binh sĩ đã thiệt mạng hồi tuần trước tại Makiivka.

“Cuộc tấn công lớn bằng tên lửa vào các điểm triển khai tạm thời của quân đội Ukraine đã khiến 600 quân nhân Ukraine bỏ mạng”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh. Nếu được xác nhận, đây sẽ là thiệt hại lớn nhất của Ukraine trong một ngày kể từ khi chiến sự bùng nổ.

Tuy nhiên, phía Kiev nhanh chóng tuyên bố đây là một đòn tâm lý chiến của Nga, trong khi các hãng truyền thông quốc tế cũng nghi ngờ về tuyên bố của Nga.

Phóng viên Reuters đã đến hai khu ký túc xá mà Nga cho là nơi ở của binh sĩ Ukraine, song người này không nhìn thấy dấu vết của việc có thương vong lớn, thậm chí là một vết máu cũng không có. Bộ Quốc phòng Nga chưa công bố thêm bằng chứng về vụ tập kích.

* Jack Ma mất thêm quyền kiểm soát một công ty. Tỉ phú người Trung Quốc Jack Ma (Mã Vân) tiếp tục mất quyền bỏ phiếu tại Công ty Hundsun Technologies, chỉ một ngày sau khi mất quyền kiểm soát tại Ant Group.

“Người kiểm soát thực tế của Hundsun Technologies sẽ được thay đổi từ ông Mã Vân thành không có người kiểm soát thực tế nào”, tuyên bố ngày 8-1 của Hundsun Technologies nhấn mạnh. Như vậy liên tiếp trong hai ngày, tỉ phú Mã đã mất quyền kiểm soát hai công ty, trong đó có cả công ty do ông sáng lập là Ant Group.

Tin tức thế giới 9-1: Nga tuyên bố diệt 600 lính Ukraine, nhiều nước không tin - Ảnh 2.

Cảnh sát chống bạo động Brazil đụng độ với những người ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro tại dinh tổng thống Brazil ngày 8-1

* Bạo loạn vì “Trump của Brazil”. Ngày 8-1, hàng ngàn người ủng hộ cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bất ngờ tràn vào trụ sở Quốc hội, dinh Tổng thống và Tòa án tối cao, hệt như cuộc bạo loạn hồi đầu tháng 1-2021 do những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.

Tổng thống cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva, người đã đánh bại ông Bolsonaro trong cuộc bầu cử căng thẳng nhất vào năm ngoái, đã ban bố tình trạng đặc biệt thủ đô Brasilia đến hết ngày 31-1 sau khi nhóm bạo loạn lấn lướt lực lượng an ninh.

Lãnh đạo nhiều nước ở khu vực Mỹ Latin và châu Âu đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ đương kim tổng thống, lên án các hành động được coi là nhằm thực hiện âm mưu đảo chính và ngăn cản hoạt động của chính quyền mới vừa nhậm chức.

Cựu tổng thống Bolsonaro, hiện đã sang Mỹ, có quan điểm cực hữu và được ví là “Trump của Brazil” hay “Trump của Nam Mỹ” vì sự tương đồng quan điểm của ông với tổng thống Mỹ trong nhiều vấn đề, bao gồm COVID-19.

* Belarus huy động toàn bộ sân bay để “tập trận” với Nga

Ngày 8-1, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo các đơn vị không quân của lực lượng vũ trang Belarus và Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận chiến thuật chung từ ngày 16-1 đến ngày 1-2. Trước đó cùng ngày, một số đơn vị không quân của Nga đã đến Belarus.

Thông báo không nói rõ có bao nhiêu máy bay được huy động và chủng loại là gì. Tuy nhiên, phía Belarus xác nhận tất cả các sân bay và cơ sở huấn luyện của lực lượng phòng không Belarus sẽ được sử dụng trong khuôn khổ cuộc tập trận này.

 * Nhật đi tập hợp lực lượng. Ngày 9-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ bắt đầu chuyến công du dài ngày đến Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Canada. Trong đó Trung Quốc là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ bao gồm từ an ninh kinh tế và chất bán dẫn đến cuộc chiến ở Ukraine, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và chương trình vũ khí của Triều Tiên. Nhật Bản là nước chủ tịch G7 năm 2023 nên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh quy tụ lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada vào tháng 5 tới.

Theo giới quan sát, chuyến đi lần này của ông Kishida còn nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7. Nếu sự kiện này thành công, uy tín chính trị đang xuống của ông sẽ được nâng lên đáng kể.

* Thụy Điển tố Thổ Nhĩ Kỳ sách nhiễu chuyện vào NATO

Ngày 8-1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố sẽ không đáp ứng tất cả các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ để được vào NATO.

Ông Kristersson nhấn mạnh Thụy Điển đã thực hiện những gì hứa với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chính quyền Ankara lại tiếp tục đưa ra những yêu cầu mới mà Stockholm cho rằng nằm ngoài thỏa thuận ban đầu.

Năm 2021, Thụy Điển và Phần Lan đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó cam kết giải quyết những lo ngại của Ankara để đổi lấy việc hai nước này được kết nạp vào NATO.

* Indonesia cứu hàng trăm người leo núi mắc kẹt vì núi lửa phun trào. Ngày 8-1, Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) đã đưa 164 người leo núi khỏi khu vực núi lửa Marapi đang phun trào tại thành phố Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra.

Giới chức địa phương cho biết những người này leo lên núi từ nhiều hướng khác nhau nên rất vất vả để tìm thấy họ và sơ tán. Núi lửa Marapi bắt đầu phun tro bụi vào sáng 7-1. Tính đến chiều 8-1, tổng cộng 22 đợt phun trào đã được ghi nhận.

Ngày đoàn tụ

Niềm vui của hai người Trung Quốc khi được nhìn thấy nhau sau thời gian dài xa cách. Cả hai đã cởi bỏ khẩu trang, ôm chầm nhau tại ga đến sân bay quốc tế Bắc Kinh trong ngày 8-1. Không chỉ đường hàng không, hàng vạn người – chủ yếu là người Trung Quốc mắc kẹt ở nước ngoài – đã cấp tập đổ về quê nhà bằng đường bộ và đường biển trong ngày đầu tiên Trung Quốc mở cửa với thế giới. 

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Tin thế giớiTin tức thế giớitrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết