Tin tặc Trung Quốc được cho đã tấn công nhằm vào các công ty quốc phòng của Nhật Bản để tìm hiểu liệu Tokyo muốn giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên như thế nào.
Công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở tại California (Mỹ) mới đây tiết lộ tin tặc Trung Quốc thời gian qua đã tổ chức tấn công nhằm vào các công ty quốc phòng của Nhật Bản, có thể là để khai thác những thông tin liên quan tới Triều Tiên, theo hãng tin Bloomberg ngày 23-4.
Thủ phạm được cho đứng sau các vụ tấn công này là một nhóm tin tặc có tên APT 10. Đây là một nhóm tin tặc hoạt động từ lãnh thổ Trung Quốc mà FireEye đã theo dõi kể từ năm 2009.
Hai vụ tấn công đáng chú ý nhất diễn ra vào giữa tháng 9 và tháng 10-2017. Một trong các thủ đoạn được nhóm tin tặc này sử dụng là dùng email có chứa nội dung độc hại giả danh một bài giảng quốc phòng của cựu Tổng Giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura.
“Thông tin lừa đảo liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng cho thấy động cơ đằng sau nỗ lực xâm nhập này có thể là để lấy các thông tin mật về các chính sách nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên” – ông Bryce Boland, trưởng bộ phận công nghệ phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của FireEye, nhận định.
Chú ý sẽ thấy vụ tấn công trên rõ ràng diễn ra vào thời điểm tình hình trên bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn” sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6, vào ngày 3-9-2017. Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên.
Lúc bấy giờ, Mỹ và Nhật Bản tăng cường hợp tác về ngoại giao và tiến hành chiến dịch tối đa hóa áp lực lên Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc lại lo sợ một cuộc xung đột quân sự sẽ xảy ngay trước “cửa nhà” mình. Do đó, việc nắm bắt được Nhật Bản sẽ hành xử thế nào có thể sẽ có lợi cho các bước đi kịp thời của Bắc Kinh.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giảm hẳn đi kể từ khi hai miền Triều Tiên có các cuộc liên lạc trước Thế vận hội mùa đông 2018 ở PyeongChang. Với các động thái nhượng bộ đáng ngạc nhiên, Triều Tiên giờ đây tuyên bố sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa từ ngày 21-4.
Đầu tháng này, ngoại trưởng hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy chính quyền ông Kim Jong Un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, mặc dù giới chức Nhật vẫn tỏ ra hoài nghi về các tuyên bố “xuống nước” của ông Kim.
“Chúng tôi tin rằng APT 10 chủ yếu được giao nhiệm vụ thu thập các thông tin quan trọng trước những thay đổi về địa chính trị trong khu vực và nhóm này thường xuyên nhắm mục tiêu vào các tổ chức có quá trình nghiên cứu và phát triển lâu năm” – ông Boland đánh giá.
Kể từ tháng 11-2017, cũng xuất hiện các cuộc tấn công nhằm vào các công ty chăm sóc sức khỏe và y tế của Nhật Bản.
“Việc Trung Quốc đưa những cải tiến trong ngành dược trở thành ưu tiên quốc gia, cùng với tỉ lệ mắc bệnh ung thư ngày một tăng có thể là nguyên nhân thúc đẩy tin tặc Trung Quốc tiến hành các vụ tấn công trong tương lai nhằm vào ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe” – ông Boland nhận định.
FireEye hồi giữa tháng 3 năm nay từng tiết lộ một nhóm tin tặc Trung Quốc có tên TEMP.Periscope đã tấn công liên tục nhằm vào các văn phòng chính phủ, công ty quốc phòng… của Mỹ để săn tìm các thông tin liên quan tới vấn đề Biển Đông có lợi cho Bắc Kinh.
Mandiant, một đơn vị của FireEye, hồi năm 2013 cho biết quân đội Trung Quốc có thể đã chống lưng một nhóm tin tặc mà đã tấn công ít nhất 141 công ty trên khắp thế giới kể từ năm 2006. Tháng 5-2014, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra quyết định truy nã đối với 5 quan chức quân đội Trung Quốc được cho là thành viên của nhóm này.
Nguồn: tuoitre.vn