Số ca mắc COVID-19 cả nước đang gia tăng trở lại trong hơn 1 tuần gần đây, TP.HCM đã có 2 huyện chuyển cấp độ dịch từ vàng sang cam, Cần Thơ từ vùng xanh toàn thành phố, hiện đã chuyển sang vàng và đang đề nghị chuyển sang cam…
Theo Bộ Y tế, trong 1 tuần từ 29-10 đến 4-11, số COVID-19 mới cả nước đã tăng trên 12.000 ca so với tuần trước đó, từ ngày 5 đến 7-11 số mắc hàng ngày tiếp tục tăng hoặc ở mức cao. Ngày 5-11 ghi nhận 7,504 ca mới, ngày 6-11 ghi nhận 7.491 ca, 7-11 là 7.646 ca.
Các địa phương đã liên tục có biện pháp ứng phó, nâng cấp độ dịch, nhưng cũng đã có ý kiến đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cập nhật về thích ứng an toàn khi tỉ lệ tiêm chủng tăng lên, tỉ lệ ca mắc (đã tiêm vắc xin) ở diện không triệu chứng rất cao, lên đến trên 90%.
TP.HCM: Có 2 huyện từ “vàng” chuyển sang “cam”
Theo dữ liệu từ cổng thông tin COVID-19 tối 7-11, hiện TP vẫn đang ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình).
Có 2 địa phương từ cấp độ 2 đã chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) đó là huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Như vậy, hiện TP có 13/22 địa phương cấp độ 1 (chiếm 59%), 7/22 địa phương cấp độ 2 (chiếm 32%) và 2/22 địa phương cấp độ 3 (chiếm 9%).
Trước đó, từ trước ngày 6-11 đến thời điểm TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, trên địa bàn TP chỉ phủ toàn màu xanh và vàng thì đến nay đã thêm màu cam.
Thực tế tình hình dịch COVID-19 tại nhiều phường, xã ở một số huyện trên địa bàn TP.HCM dần chuyển biến xấu khi liên tục ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng thời gian gần đây. Đơn cử là huyện Hóc Môn, chỉ trong một tuần đã xác định 2.592 điểm dịch gia đình và 25 điểm dịch cộng đồng với tổng cộng 6.712 ca test nhanh dương tính.
Tại huyện Nhà Bè, từ ngày 1-10 đến ngày 4-11 đã ghi nhận 2.551 ca, trong đó có 1.750 ca khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR và 801 ca xác định bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Hiện huyện có 770 ca F0 đang được cách ly và điều trị tại nhà, trong đó có 395 điểm dịch hộ gia đình, 19 điểm dịch cộng đồng.
5 ngày phải tiêm hết mũi 1 cho người dân khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện phân bổ, chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin ở khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, bảo đảm phủ hết mũi 1 trong vòng 5 ngày cho người trên 18 tuổi; trả mũi 2 kịp và đủ. Ngoài ra, ngành chức năng cần tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Tính đến sáng 8-11, toàn quốc đã tiêm được trên 90,8 triệu mũi vắc xin COVID-19, Bộ Y tế đã tiếp nhận gần 120 triệu liều và đã phân bổ ngay cho các địa phương.
Ngày 7-11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế thực hiện phân bổ khẩn trương số vắc xin tiếp nhận, chỉ đạo địa phương tổ chức tiêm vắc xin ngay khi nhận được, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng hỗ trợ các địa phương tiêm vắc xin nhanh nhất có thể.
Nam Định: 110 ca mới trong 3 ngày, từ 8-11 tạm dừng hoạt động quán cafe, 4 huyện chuyển học trực tuyến
Trong tuần qua, Nam Định ghi nhận 141 ca mắc mới, cao điểm từ 5 đến 7-11 phát hiện 110 ca mắc, trong đó có các chùm ca bệnh tại các huyện Nam Trực, Giao Thủy, Ý Yên, thành phố Nam Định, một số ca có nguồn lây từ những người đi từ vùng có dịch trở về.
Triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch, từ 0h ngày 8-11, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu tạm dừng hoạt động của quán cà phê, giải khát toàn tỉnh, hàng ăn phục vụ không quá 20 người cùng thời điểm, từ 21h đến 5h sáng dừng kinh doanh. Khuyến cáo người dân không ra đường từ 22h đến 5h sáng.
Ngày 7-11, UBND tỉnh Nam Định có công văn yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập và ngoài công lập, trung tâm ngoại ngữ huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Mỹ Lộc cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển các hoạt động giáo dục, dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến kể từ ngày 8-11 cho đến khi có thông báo mới.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 7-11, thế giới ghi nhận tổng cộng 250,4 triệu ca COVID-19, trong đó có 5,06 triệu ca tử vong. Hơn 226,6 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi trong khi vẫn còn hơn 18,67 triệu ca vẫn đang được điều trị.
Số ca COVID-19 ở Lào tăng trở lại sau 3 ngày
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.076 ca COVID-19 và 1 ca tử vong. Đến nay, tổng số ca COVID-19 tại Lào là 47.056 ca, trong đó có 82 người tử vong. Sau 2 ngày giảm xuống mức 3 con số thì Lào lại ghi nhận số ca mới tăng lên 4 con số (tăng 116 ca so với số liệu ngày 6-11), trong đó có tới 1.071 ca cộng đồng.
Malaysia ghi nhận 4.343 ca COVID-19 mới, mức thấp nhất trong 175 ngày tính từ ngày 16-5. Tới nay tổng số ca COVID-19 ở nước này là hơn 2,5 triệu ca. Tính tới hết ngày 6-11, tại Malaysia đã có 78,1% dân số Malaysia tiêm ít nhất 1 mũi và 75,4% hoàn thành tiêm chủng.
Malaysia cũng cho biết đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus, của virus SARS-CoV-2. Đây là các du học sinh Malaysia trở về từ Anh.
Đức còn 3,5 triệu người trên 60 tuổi chưa tiêm vắc xin
Tại châu Âu, Đức tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm mới ở mức cao và chỉ số lây nhiễm hầu như đều tăng với 30.972 ca nhiễm và 109 ca tử vong. Cả nước Đức đang có 2.449 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực, trong đó có phân nửa phải thở máy xâm lấn.
Đức hiện vẫn còn khoảng 3,5 triệu người trên 60 tuổi chưa tiêm chủng, trong khi số người đã tiêm đủ vẫn tái mắc cũng gia tăng (cho tới nay Đức đã ghi nhận có 145.185 ca, chiếm 0,26% tổng số người đã tiêm đủ).
Biến chủng AY.4.2 đang chiếm 6% ca COVID-19 ở Anh
Các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua để phát triển các loại vắc xin COVID-19 có khả năng bảo vệ con người trước tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện trong tương lai.
Các nhà khoa học lo ngại rằng các loại vắc xinlưu hành hiện nay ít có khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và có thể đưa thế giới trở lại “vạch xuất phát” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Liên minh Đổi mới sáng tạo và Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã cấp kinh phí hỗ trợ hai dự án phát triển vắc xin. Công ty MigVax của Israel được cấp 3,2 triệu bảng Anh để phát triển một loại vắc xin dạng viên uống có tên MigVax-101, được sử dụng như mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ liều.
Đại học Saskatchewan ở Canada cũng được cấp 3,7 triệu bảng Anh cho dự án vaccine của mình. Vương quốc Anh đã đóng góp 260 triệu bảng Anh cho hoạt động của CEPI.
Nguồn: tuoitre.vn