Bệnh viện Bạch Mai vừa điều động 9 y bác sĩ đi An Giang, một trong các tỉnh thành có số mắc cao, hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng. Có 2 bệnh viện ở TP.HCM cũng đang hỗ trợ An Giang. Đây là đợt chi viện đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 tăng lại.
9 bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai vừa rời Hà Nội lên đường để hỗ trợ An Giang cấp cứu, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.
Đây là đợt chi viện đầu tiên kể từ khi dịch gia tăng trở lại, nhưng là đợt thứ 2 sau đoàn chi viện cho Đắk Lắk tháng 11 vừa qua, tính từ khi Bạch Mai bàn giao Bệnh viện dã chiến số 16 cho TP.HCM hôm 15-10.
Số ca mắc và tử vong do COVID-19 vẫn đang trong xu hướng tăng, ngày 2-12 ghi nhận 235 ca tử vong là mức cao nhất kể từ đầu tháng 10 trở lại đây. Hiện các bệnh viện đang điều trị 6.449 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Tổng số ca tử vong tính từ đầu mùa dịch là 25.780 ca, chiếm 2%/tổng số mắc.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 1%, số ca khỏi bệnh tăng 2,5%, số ca tử vong tăng 35,2%, số ca nặng tăng 6,2%.
Theo báo cáo này, địa phương có số ca đang điều trị cao bao gồm TP.HCM (75.126 ca), Đồng Nai (54.903), Bình Dương (12.390), Cần Thơ (11.108), Sóc Trăng (7.499).
Các địa phương có số ca COVID-19 nặng cao gồm TP.HCM 3.096, Đồng Nai 498, Long An 322, An Giang 306, Tiền Giang 300.
Báo cáo này cũng cho biết toàn quốc đang có 143.810 F0 đang điều trị tại nhà, gần 94.400 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Số ca khỏi bệnh tính từ đầu mùa dịch đã xấp xỉ 1 triệu ca.
TP.HCM: Số ca mắc COVID-19 nặng, tử vong vẫn có xu hướng tăng
Tại TP.HCM, số ca mắc COVID-19 nhập viện vẫn cao hơn số xuất viện. Số ca mắc COVID-19 nặng, tử vong vẫn đang có xu hướng tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50.
TP.HCM hiện có 85.986 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, cách ly. Trước tình hình số ca COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, TP.HCM đã ra văn bản khẩn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, căn cứ thực tế và các kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống diễn tiến của dịch bệnh, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn TP tái cấu trúc chức năng bệnh viện để thích ứng với tình hình dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức phân luồng, sàng lọc những người nghi nhiễm để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo.
Củng cố và chuyển đổi khu cách ly tại các bệnh viện thành đơn vị COVID-19 để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh. Trong đó đảm bảo mỗi đơn vị có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện (chưa bao gồm số giường của khoa đơn vị hồi sức COVID-19).
Sở Y tế đề nghị tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (không thuộc các bệnh viện chuyển đổi công năng hoặc bệnh viện tách đôi) xây dựng kế hoạch với quy mô giường điều trị và hồi sức COVID-19 (nếu có) để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu điều trị trong tình hình mới.
TP vẫn tiếp tục tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TP.HCM sinh sống và làm việc), mũi 2 cho người đến thời hạn tiêm chủng.
Ngoài ra, tổ chức tiêm vét mũi 1, tiêm mũi 2 cho trẻ em 12-17 tuổi đủ thời gian. Đến nay TP đã thực hiện 14.692.894 mũi tiêm vắc xin COVID-19, bao gồm 7.919.632 mũi 1 và 6.773.262 mũi 2, trong đó có 1.299.695 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.
Bộ Y tế: Đã có nhiều biện pháp cụ thể để giảm ca tử vong
Phát biểu tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 2-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và ca tử vong đều tăng, qua phân tích, hầu hết các ca tử vong đều ở nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền.
Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp cụ thể để giảm số ca tử vong, trong đó chú ý đến bệnh nhân ở độ tuổi nguy cơ cao trong chăm sóc và phân tầng điều trị; yêu cầu bệnh viện theo dõi, giám sát bệnh nhân ngay từ khi nhập viện; tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho địa phương có số ca chuyển nặng cao; kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ từ xa, như Cần Thơ vừa kích hoạt mạng lưới đồng hành với 600 bác sĩ hỗ trợ từ xa…
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
– Hà Nội vừa ghi nhận số ca kỷ lục trong 24 giờ: 509 người mắc COVID-19, trong đó có 233 ca cộng đồng, 198 ca trong khu cách ly và 78 ca trong khu phong tỏa. Trong 5 ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận trên 300 ca nhiễm mới và hơn 200 ca cộng đồng mỗi ngày. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 11.575 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.672 ca.
– Ngày 2-12, Hải Dương có 39 ca COVID-19; 25 bệnh nhân được ra viện. Tính từ ngày 12-10 đến 16h ngày 2-12, toàn tỉnh đã ghi nhận 788 ca bệnh, trong đó có 98 ca bệnh có yếu tố dịch tễ đi từ các tỉnh có dịch, 27 ca cộng đồng. Toàn tỉnh đã tiêm được gần 1,2 triệu mũi vắc xin COVID-19 với 820.000 người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi.
– Từ 6h ngày 1-12 đến 6h ngày 2-12, Quảng Bình ghi nhận thêm 13 ca COVID-19 mới trong cộng đồng; từ ngày 7-10 đến 2-11, Quảng Bình ghi nhận 369 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch. Tổng số ca toàn tỉnh tới nay là 2.659 ca, trong đó 2.380 ca khỏi, 332 bệnh nhân đang điều trị (có 1 ca nặng), 6 ca tử vong. Có 835.856 người tại Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19, trong đó 299.677 người đã tiêm đủ 2 mũi.
– Bình Thuận tính từ ngày 27-4 đến 12h ngày 2-12 ghi nhận 17.403 ca COVID-19, ngày 2-12 ghi nhận 502 ca. Thành phố Phan Thiết hiện có số ca nhiều nhất với 6.735 người. Số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin mũi 1 đạt 97,8%; số người được tiêm mũi 2 đạt 67,4%.
– Từ 18h ngày 1-12 đến 11h ngày 2-12, Bến Tre có 439 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 8.697 ca. Trong đó có 3.996 ca ra viện, 69 ca tử vong. Tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 của Bến Tre đạt 96,21%, trong đó 68,10% tiêm đủ 2 mũi, riêng trẻ từ 12-17 tuổi đạt 78,48% kế hoạch.
– Đến ngày 2-12, Đồng Tháp đã tiêm 2.130.488 liều vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó tiêm mũi 1 đạt 98,62% dân số tỉnh, mũi 2 đạt 72,48% dân số tỉnh. Ngày 2-12, Đồng Tháp ghi nhận 606 ca COVID-19, giảm 4 ca so với hôm trước, trong đó có 118 ca trong cộng đồng. Đến nay, Đồng Tháp có 23.298 ca COVID-19, trong đó có 7.247 ca đang điều trị.
– Ninh Thuận trong đợt dịch thứ 4 này (tính đến ngày 1-12), toàn tỉnh có 3.873 ca COVID-19, trong đó có 2.962 ca được điều trị khỏi bệnh và ra viện, 47 bệnh nhân tử vong. Tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm phòng ít nhất 1 mũi đạt trên 102%, mũi 2 đạt gần 80%.
– Tính đến chiều 1-12, tổng số ca COVID-19 trên địa bàn An Giang là 23.527 ca, có 399 người tử vong. Tỉnh cũng đã được cấp hơn 3 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó đã tiêm hơn 2,8 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên.
– Bình Phước tổng số ca COVID-19 trên địa bàn đến chiều 2-12 là 9.188 ca, trong đó có 4.839 ca đang điều trị. Những ngày gần đây Bình Phước ghi nhận khoảng 500 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, trong đó phần lớn là các ca cộng đồng.
– Cà Mau ngày 1-12, trong số 507 ca mới, có đến 259 ca cộng đồng. Đây là con số cao nhất so với thời điểm từ khi xảy ra dịch cho đến nay tại địa phương này. Số ca mắc ghi nhận tại tỉnh từ đầu năm đến sáng 2-12 là 9.720 ca.
Nguồn: tuoitre.vn