TP.HCM đã đánh giá cấp độ dịch theo quyết định mới của Bộ Y tế từ ngày 14-2. Dù là địa phương tiêm nhiều và có tỉ lệ tiêm vắc xin cao sớm nhất cả nước, nhưng vẫn còn 28 phường xã chưa phủ đủ vắc xin theo quy định và bị nâng cấp độ dịch.

Tin sáng 16-2: 28 phường xã TP.HCM bị nâng cấp độ dịch vì chưa phủ đủ vắc xin - Ảnh 1.

Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội 

Theo đó, có 275 phường xã đạt cấp 1 và 37 phường, xã đạt cấp 2 (tăng 36 phường, xã so với cách đánh giá cũ) trong tuần qua.

37 phường, xã có cấp độ dịch ở cấp 2 này do bốn nhóm nguyên nhân chính.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất, đó là tỉ lệ tiêm vắc xin đủ mũi không đạt quy định sẽ bị tăng thêm một mức độ lây nhiễm, do đó sẽ làm tăng thêm một cấp độ dịch. Nhóm này có 28 phường xã, bao gồm 2 phường ở quận 8, 7 phường ở quận Bình Tân, 10 phường ở quận Gò Vấp, 1 phường ở Tân Phú, 6 phường ở TP Thủ Đức và 2 xã ở huyện Hóc Môn.

Nhóm nguyên nhân thứ hai, mức độ lây nhiễm ở mức 2 nhưng khả năng đáp ứng ở mức trung bình nên cấp độ dịch sẽ là cấp 2: Nhóm này có 5 phường (3 phường ở quận 12, 1 phường ở quận Gò Vấp và 1 xã ở huyện Nhà Bè).

Nhóm nguyên nhân thứ 3, mức độ lây nhiễm ở mức 3 và khả năng đáp ứng ở mức cao nên cấp độ dịch sẽ là cấp 2. Nhóm này có 1 phường ở quận 6.

Nhóm nguyên nhân thứ 4, tỉ lệ ca tử vong/100.000 dân vượt ngưỡng quy định (6 ca/100.000 dân). Do đó đối với những phường, xã có mật độ số dân dưới 16.667 người và chỉ cần 1 ca tử vong trong tuần thì sẽ vượt ngưỡng và tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 3 phường (2 phường ở quận 5 và 1 phường ở quận 8).

Tin sáng 16-2: 28 phường xã TP.HCM bị nâng cấp độ dịch vì chưa phủ đủ vắc xin - Ảnh 2.

Đồ họa

F0 điều trị tại nhà theo dõi nhịp thở ra sao?

F0 đang điều trị tại nhà có thể tự theo dõi nhịp thở để sớm phát hiện các bất thường. Theo đó:

– Đối với người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút;

– Đối với trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi: nhịp thở ≥ 40 lần/phút;

Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút cần báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Bộ Y tế lưu ý ở trẻ em cần đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.

Bộ Y tế cũng đưa ra các dấu hiệu suy hô hấp:

– Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà) hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào, và/hoặc

– Nhịp thở (ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc):

≥ 20 lần/phút ở người lớn;

≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi;

≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi;

Và/hoặc SpO2 ≤ 96% (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

Tin sáng 16-2: 28 phường xã TP.HCM bị nâng cấp độ dịch vì chưa phủ đủ vắc xin - Ảnh 3.

Test COVID-19 ở sân bay 

8 tỉnh thành tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi đạt thấp

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi 8 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi đạt 57% đến dưới 80%, đây là mức thấp nhất hiện nay.

Theo Bộ Y tế, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương, đơn vị, đến hết ngày 13-2 cả nước đã tiêm được hơn 16,4 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, tỉ lệ bao phủ mũi 1 là 95,4%, mũi 2 là 89,7%.

Có 42/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 13/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 8% – dưới 90% gồm Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Ninh Thuận, Gia Lai, TP.HCM, Tây Ninh, Cần Thơ.

Riêng 8/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 57% – dưới 80% gồm: Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương.

Tin sáng 16-2: 28 phường xã TP.HCM bị nâng cấp độ dịch vì chưa phủ đủ vắc xin - Ảnh 4.

Học sinh Đà Nẵng trong ngày đi học trở lại

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

– Hà Nội tối 15-2 thông báo trong 24 giờ ghi nhận 3.972 ca COVID-19 mới, trong đó có 798 ca cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca bệnh COVID-19 cao nhất từ trước tới nay. Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mỗi ngày được báo cáo dao động từ 2.700-3.500 ca.

TP có gần 96.000 F0 đang điều trị, trong đó có hơn 91.500 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 95%); hơn 760 ca đang điều trị tại các cơ sở thu dung của TP và quận/huyện; 3.273 ca đang điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3), số còn lại 338 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

– Hà Nam trong ngày 15-2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 226 ca COVID-19. Trong đó có 194 F0 phát hiện qua sàng lọc y tế; 26 F0 ghi nhận tại khu vực phong tỏa, cách ly tại nhà và 6 F0 ghi nhận tại khu cách ly. Đến nay, Hà Nam ghi nhận 8.472 ca COVID-19. Sau Tết, số ca F0 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Chỉ tính riêng một tuần, Hà Nam ghi nhận 1.508 ca COVID-19 mới, cao gấp đôi so với những ngày trước Tết (mỗi ngày trung bình 100 F0).

– Phú Thọ từ 18h ngày 14-2 đến 18h ngày 15-2, tỉnh ghi nhận 1.080 ca COVID-19, trong đó có 623 ca từ F1 hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa đã được quản lý; 457 ca cộng đồng. Phú Thọ đang ở cấp độ 1 của dịch với 10/13 huyện, thành phố; có 3 huyện, thị xã cấp độ 2. Toàn tỉnh không có xã/phường/thị trấn ở cấp độ 4; 31 xã ở cấp độ 3; 31 xã ở cấp độ 2 và 163 xã/phường/thị trấn còn lại ở cấp độ 1.

– Quảng Ninh, tổng số ca mắc mới từ 16h ngày 14-2 đến 16h ngày 15-2 là 1.246 ca, tăng 354 ca so với ngày 14-2, số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng là công nhân, nhân viên và học sinh thực hiện test nhanh tại nhà định kỳ trong thời gian nghỉ Tết để chuẩn bị đi học và người lao động quay trở lại nơi làm việc.

Quảng Ninh dự báo trong những ngày tới, số ca mắc ghi nhận trong ngày tiếp tục tăng mạnh so với các ngày trước khi công nhân đi làm, học sinh trở lại trường học và đặc biệt là các lễ hội trong, ngoài tỉnh, các sự kiện tập trung đông người… Ngành y tế tỉnh khuyến khích người dân chủ động và tăng cường tự thực hiện test nhanh tại nhà sau Tết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19Tin COVID-19 sáng

Các tin liên quan đến bài viết