Muốn tránh phiền phức từ các cuộc gọi, quảng cáo không mong muốn, tôi đã đăng ký chặn cuộc gọi, tin nhắn rác qua đầu số 5656. Thế nhưng vẫn không thoát khỏi nhiều kiểu quảng cáo. Có khi từ chính các quảng cáo của nhà mạng.
Muôn kiểu quảng cáo làm phiền
Gần đây, khi mua sản phẩm tại một cửa hàng điện máy, nhân viên xuất hóa đơn yêu cầu cho biết số điện thoại, sợ bị làm phiền bởi quảng cáo nên tôi nhắc chừng: “Đừng gửi tin nhắn quảng cáo nhé, tôi rất kỵ”. Nhân viên mạnh miệng hứa: “Quý khách an tâm!”.
Thế nhưng tuần này, tôi nhận được tin nhắn quảng cáo từ chính cửa hàng hôm nọ. Thật ra khách hàng khó thể từ chối cung cấp số điện thoại khi một số nơi có chính sách bảo hành sản phẩm thông qua số điện thoại.
Một lần khác, sau khi làm thẻ tại một ngân hàng thì tôi nhận được ngay thư quảng cáo mời mua bảo hiểm từ ngân hàng đó. Việc khách hàng điền đầy đủ thông tin và việc ngân hàng gọi đến xác minh thông tin cũng là dịp ngân hàng quảng cáo dịch vụ.
Là người quan tâm vấn đề an ninh, bảo mật, một lần lên mạng đọc và xem được hình ảnh từ camera tại một trụ ATM của ngân hàng nọ bị lộ, tôi gọi đến đường dây nóng ngân hàng để báo họ biết và khắc phục. Nhân viên ngân hàng có nhờ viết email cụ thể vấn đề… Vậy là từ đó tôi thường xuyên nhận quảng cáo mở thẻ, mua bảo hiểm từ ngân hàng. Rõ là làm việc tốt xong còn bị làm phiền, nghĩ thiệt tức!
Quảng cáo là điều bình thường trong kinh doanh, tuy nhiên quảng cáo cũng nên có văn hóa, cách làm phù hợp nhất. Uy tín và hành xử của người kinh doanh có thể ảnh hưởng đến nhận thức và quyết định sử dụng sản phẩm của khách hàng. Nhưng có lẽ nhiều người đã “quên”, chọn cách quảng cáo bất chấp, phiền người khác.
Chăm sóc khách hàng hay quảng cáo?
Nhiều khi bạn đang chờ một tin nhắn, cuộc gọi quan trọng. Chuông báo. Bạn vội vàng mở điện thoại thì nhận phải “rác”. Thật là hại cảm xúc! Vậy nên, cả nhà tôi đều đăng ký dịch vụ 5656 với sự tin tưởng lớn lao từ nay sẽ khỏi bực mình. Từ ngày 1-10, người dân có thể trực tiếp gọi điện hoặc nhắn tin phản ảnh về việc bị làm phiền. Tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo tưởng sẽ khó còn đất sống…
Trưa 4-12, cả nhà đang ăn cơm thì có một cuộc gọi. Do đang chờ cuộc gọi quan trọng nên tôi tức tốc cầm máy và hụt hẫng vì số lạ hoắc. Và tôi được nghe tiếng người máy nói khá nhanh, nội dung cho biết số thuê bao có thể nhận được mấy chục phút gọi miễn phí nhưng phải nhắn tin theo cú pháp để nhận…
Cuộc gọi không mong muốn này được cài bằng giọng máy chứ không phải người thật, không khác gì những cuộc gọi lừa đảo, làm phiền thường gặp. Tôi liền soạn tin nhắn phản ảnh gửi đến số 5656 ngay và thất vọng vì đã chặn cuộc gọi “rác” nhưng vẫn bị “rác” hành.
Tìm hiểu cách siết tin nhắn “rác”, tôi được biết nội dung khách phản ảnh về thông tin sẽ được gửi đến nhà mạng và các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý những thuê bao, doanh nghiệp cố tình gây phiền hà cho người dân. Trong trường hợp này thật trái khoáy, cuộc gọi lại từ tổng đài của nhà mạng.
Chiều cùng ngày, tôi gọi đến số tổng đài chăm sóc khách hàng góp ý thẳng thắn. Nhân viên nhà mạng cho biết đó là cuộc gọi chăm sóc khách hàng thân thiết, lâu năm và sẽ xem xét lời góp ý.
Rất nhiều lần nhận được cuộc gọi sau khi sử dụng một dịch vụ (sửa mạng máy tính, lắp đặt máy móc…), tôi rất cảm ơn những nhân viên trực máy sau đó nhiệt tình hỏi han và thậm chí dành cho họ một cuộc khảo sát, đánh giá liên quan đến dịch vụ, thái độ nhân viên bán hàng. Điều này khác với kiểu robot nói liên tu bất tận, không cần nghe – chỉ cần nói thông tin dịch vụ. Đó là một kiểu quảng cáo “xả rác”, làm phiền.
Nhà mạng cũng làm phiền khách hàng thì không hay chút nào. Và cách hiểu về tin nhắn “rác” cho thấy cũng có sự khác biệt giữa thuê bao và nhà mạng. Chăm sóc khách hàng hay làm phiền khách từ cuộc gọi, tin nhắn họ không cần đến? Chính các nhà mạng cần gương mẫu trong cuộc chiến với “rác” quảng cáo.
Nguồn: tuoitre.vn