Số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1%  tổng số DN cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số DN có vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 55% tổng số DN trong ngành nông nghiệp. Đó là thông tin do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết tại diễn đàn “Đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tuần qua.

Đây là một vài điểm nhấn trong bức tranh tổng thể “trái ngọt” thu về chưa nhiều như mong muốn – dù những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Không những vậy, còn nhiều DN đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên (đất đai, nước) chứ chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học – công nghệ; hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng…

Ca cao trồng xen trong vườn điều ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng - Ảnh: Đông KiểmCa cao trồng xen trong vườn điều ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng – Ảnh: Đông Kiểm

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực tế này là tình trạng “trên thông dưới thắt” trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, không ít chính sách chưa sát với thực tiễn khiến DN không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, có đến 63% DN khó khăn về đất đai, 70% DN gặp khó khăn về tiếp cận tín dụng, 82,5% DN chưa tiếp cận được bảo hiểm trong nông nghiệp và 77% DN khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về khoa học – công nghệ… Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, hỗ trợ nông nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm 7% tổng doanh thu của người nông dân, chủ yếu thông qua kinh phí khuyến nông và giảm một số loại phí. Mức hỗ trợ này chưa bằng một nửa của Trung Quốc và Indonesia, còn mức hỗ trợ nông nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc lên đến 55-60%… Cùng với đó, sự hợp tác, liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp. Ngoài ra, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút sự quan tâm của các DN về loại hình đầu tư này.

Để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển lên tầm cao như kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ có nhiều bước đột phá trong chính sách về đất đai và tín dụng thời gian tới để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung ưu tiên DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong thời gian ngắn sẽ chỉnh sửa, tham mưu để Chính phủ ban hành nghị định mới. Ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp các bộ, ngành liên quan để ban hành những chính sách mang tính đột phá, tích cực và sát với thực tiễn để thu hút DN và các thành phần kinh tế đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp…

Riêng ở Bình Phước, ngành nông nghiệp cũng đón nhận những thông tin tích cực, tiếp thêm niềm tin và động lực cho những người gắn bó, liên quan ngành nông nghiệp, nhất là cộng đồng DN. Bộ NN&PTNT đã có văn bản đồng ý với kiến nghị của UBND tỉnh về việc cần có một gói tín dụng cho cây điều, tương tự như chương trình tín dụng để tái canh vườn cây cà phê già cỗi đang được thực hiện ở Tây Nguyên. Nếu được Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, đơn vị liên quan đồng ý và ban hành cơ chế triển khai sớm, gói tín dụng này sẽ góp phần đáng kể giúp Bình Phước – tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước, thực hiện thành công đề án phát triển ngành điều bền vững đến năm 2020. Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang bắt đầu triển khai việc hỗ trợ đầu tư, xây lắp mô hình tưới nhỏ giọt cho cây tiêu và cây ca cao trồng xen dưới tán điều cùng với hỗ trợ vật tư, phân bón đối với xã viên của các hợp tác xã. Sang năm 2017, xã viên sẽ được hỗ trợ thêm giống cây điều để thực hiện tái canh vườn điều.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết: Trong năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà”, lấy DN làm nòng cốt trong chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực như điều, tiêu, bưởi da xanh, rau sạch…

Từ khóa : công nghệ sạchdoanh nghiệpnông nghiệpphát triển

Các tin liên quan đến bài viết