Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; có 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, có thể ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững.
Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ 15 – 49 tuổi có 2,1 con. Ảnh: TTXV
Lo ngại mức sinh thấp
Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, cơ cấu dân số vàng đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hiện Việt Nam lại đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, nhiều chuyên gia cho rằng đây là điều đáng lo ngại.
Ngoài 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, hiện có 21 tỉnh, thành phố lại có mức sinh thấp, thậm chí một số nơi mức sinh rất thấp tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người (chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước), điều này sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững.
Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nhận định: “Nhờ thành công của chương trình Dân số – Kế hoạch hoá Gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ 15 – 49 tuổi có 2,1 con từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp tới 1,48 con”.
Bên cạnh đó, ước tính mỗi năm cả nước còn có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn (tỷ lệ khoảng 7,7%); trong số này, có khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15 – 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Chuyên gia y tế cũng cho rằng, mức sinh thấp có tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa – xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Đáng chú ý, tình trạng mức sinh thấp đang không chỉ diễn ra ở một số đô thị – nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đơn cử như ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng mức sinh thấp còn dẫn đến nhiều hệ lụy như hội chứng “4 – 2 – 1” – tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và 1 người con. Cụ thể, đối với hội chứng “4 – 2 – 1”, khi còn nhỏ, đứa trẻ được 6 người chăm sóc nhưng lớn lên đứa trẻ lại phải gánh vác, chăm sóc lại 6 người. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại, đứa trẻ được chăm sóc, nâng niu nên khi gánh vác nhiệm vụ phải chăm sóc 6 người thì sẽ không thể sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như các kỹ năng cần thiết. Đối với cộng đồng, mức sinh thấp cũng có thể dẫn đến nguy cơ 2 trường học phải nhập lại thành một trường.
“Nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ dẫn đến già hóa dân số khi tỷ lệ người 60 tuổi trở lên rất cao”, GS.TS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
Có những chính sách khuyến sinh phù hợp
Nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh, thành có mức sinh thấp, dự thảo Luật Dân số đã đưa ra đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Đồng thời, miễn, giảm, hỗ trợ chi phí cho học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học. Với các tỉnh, thành có mức sinh thấp, địa phương cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của mình để có kế hoạch phù hợp thực tiễn.
“Thực tế, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn. Đơn cử như Hàn Quốc, sau khi phá kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, Hàn Quốc đã phải tăng gấp 3 lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Hay tại Hungary, Thủ tướng nước này tuyên bố sinh 4 con trở lên sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời…”, ông Mai Trung Sơn dẫn chứng.
Hiện Bộ Y tế, ngành Dân số cũng đã đề xuất các giải pháp để cân bằng mức sinh giữa các vùng, nhất là các vùng có mức sinh thấp về mức sinh thế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện chúng ta cần tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con, các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với việc phát triển kinh tế xã hội, đối với gia đình và chăm sóc bố mẹ khi về già để người dân hiểu. Đồng thời, tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt.
Bên cạnh đó, việc thí điểm và từng bước mở rộng các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp là rất cần thiết. Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như: Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi. Đồng thời xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con…
Theo Báo Bình Phước