Ngày 18-5, nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được ban hành nhằm đưa du lịch Việt vào top 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Du khách quốc tế đánh giá Hội An (Quảng Nam) là điểm đến xanh, nhiều trải nghiệm
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng đây là các nhóm giải pháp cần thiết nhưng trong số đó, cần có những giải pháp triển khai ngay để thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.
Kéo dài thời hạn visa là quan trọng
Trong nghị quyết, Chính phủ giao cho Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa).
Trước đó, Chính phủ đã đề xuất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó, đề xuất kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá ba tháng. Hiện nay, thời hạn thị thực điện tử ngắn (30 ngày) nên chưa thu hút được nhiều người nước ngoài, nhất là nhóm khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày tại Việt Nam.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng để đảm bảo phát triển du lịch, trước hết chính sách thu hút khách quốc tế từ thị trường trọng điểm. Như visa và chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch đưa các đoàn lớn đến Việt Nam. Visa không còn 15 ngày mà lên 30 – 45 ngày.
“Thủ tục thời hạn xin visa cần cải thiện, đáp xuống các sân bay các cửa ngõ vào Việt Nam thuận lợi, trong nghị quyết 82 có đề cập. Quy trình xét duyệt nhập cảnh cũng cần cải thiện, xin visa mất thời gian của du khách, làm ảnh hưởng quyết định của du khách với chuyến đi, nhất là khách có chi tiêu cao, khách gia đình hoặc những đoàn nhỏ…”, ông Hiền Hòa nói.
Lãnh đạo một công ty du lịch cho rằng chính sách visa cần thông thoáng, dễ dàng hơn. Thậm chí, nghiên cứu thêm chính sách visa người già như các nước đang làm. Thái Lan có chính sách thu hút người già ở châu Âu mua nhà ở Phuket. Từ đó thu hút khách châu Âu tới đây nhiều hơn.
Cần nhiều sản phẩm mới lạ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho biết để thu hút khách du lịch đến Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là tập trung phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn và đặc trưng hơn nữa; tăng cường quảng bá và tiếp thị du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm; cần tạo ra những sự kiện, lễ hội đặc sắc”, ông Sơn nói.
Ông Trần Văn Thanh, giám đốc Sở Du lịch Bình Định, cho biết muốn thu hút khách quốc tế, cần tạo điểm nhấn để thu hút nhanh khách quốc tế. Khách tới cần có gì đó cho họ vui chơi giải trí, hay các hoạt động du lịch tâm linh, cộng đồng.
“Bình Định đang lên phương án đón khách quốc tế đến hệ thống bảy cụm tháp Chăm và các loại hình du lịch thể thao mà khách Hàn Quốc cũng rất thích hay du lịch cộng đồng làng chài ven biển…”, ông Thanh cho hay.
Theo các doanh nghiệp, công tác quảng bá và sản phẩm du lịch Việt cần đặc sắc mới thu hút được khách. Để du lịch Việt thật sự “cất cánh” từ hiệu ứng nghị quyết 82 đặt ra cần một “nhạc trưởng” để định hướng, phát triển du lịch Việt bài bản và đồng bộ.
Ông Phạm Hà, chủ tịch Lux Group, cho rằng muốn tăng tỉ lệ quay trở lại của khách quốc tế, chúng ta cần thay đổi cách làm du lịch. Du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn truyền tai nhau bảy nỗi sợ gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh bẩn và ô nhiễm môi trường. Những vấn đề này đã và đang được giải quyết trong thời gian qua nhưng truyền thông đến với du khách còn yếu.
Một trong những điểm tắc của Việt Nam khi đưa hình ảnh du lịch ra thế giới, theo ông Hà, là khâu marketing. Muốn truyền thông được thì phải định vị được thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam là gì (ẩm thực, thiên nhiên, văn hóa hay con người…).
“Chúng ta cần định vị rõ ràng cho du khách về sản phẩm du lịch của Việt Nam. Chẳng hạn, khi nhắc đến Thái Lan du khách sẽ nghĩ đến biển, mua sắm, sự vui vẻ… nhưng nhắc đến Việt Nam, du khách vẫn chưa định hình được sản phẩm du lịch sẽ được trải nghiệm”, ông Hà nêu rõ.
Học người Thái quảng bá du lịch
Ông Ngô Minh Đức, chủ tịch HG Holdings, cho rằng thách thức lớn với du lịch Việt là làm sao để khách quay lại. Vì thực tế phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam rồi thôi trong khi đó Thái Lan khách quay lại liên tục.”Người Việt đi Thái Lan vài tháng rồi quay lại du lịch nước họ, trong khi khách quốc tế đến Việt Nam lại ít trở lại. Có thể thấy công tác quảng bá còn chưa hiệu quả”, ông Đức nhìn nhận.Tại TP.HCM, Thái Lan thành lập văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM, chi tiền khá lớn để tiếp cận khách hàng. Văn phòng của họ rất khang trang, sang trọng tại TP.HCM để thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong khi đó, Việt Nam mới đang nghiên cứu đề án phát triển văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 650.000 tỉ đồng. Trong bốn tháng đầu năm, du lịch Việt đã đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế (đạt 46% mục tiêu đề ra). Các thị trường có lượng khách tăng trưởng tốt trong năm 2023 bao gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Campuchia, Anh, Đức…
Nguồn: tuoitre.vn