Số ca bệnh COVID-19 chuyển nặng và tử vong tại TP.HCM những ngày gần đây có xu hướng tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế. Bộ Y tế cùng TP.HCM đang làm mọi cách để hạn chế số người chết do COVID-19.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện số người nhiễm COVID-19 điều trị tại TP.HCM ngày càng tăng, số người chuyển nặng nhiều, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ, trang thiết bị hạn chế tạo ra áp lực lớn.
Đến giờ này dù được chi viện nhiều, ngành y tế TP vẫn đang quá tải, việc tiếp nhận bệnh nhân có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp.
Số ca thở máy và tử vong tăng
Từ ngày 20-7 đến 5-8, số ca nhiễm tại TP.HCM từ 34.825 ca lên 108.816 ca, tăng 73.991 ca (trung bình mỗi ngày tăng hơn 4.300 ca). Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân nặng lại có xu hướng tăng trong 9 ngày qua. Ngày 28-7 có 744 người cần thở máy thì ngày 5-8 tăng lên đến 1.316 người.
Số người tử vong do COVID-19 tại TP.HCM cũng có xu hướng tăng. Ngày 20-7 có 23 người chết, nhưng đến ngày 21-7 lại có đến 58 ca, liên tục 6 ngày sau đó số ca tử vong đều hơn 50 người/ngày.
Đến ngày 28-7, số người chết tăng lên 111 ca và từ đó đến nay số người chết hằng ngày luôn ở mức ba con số. Hai ngày gần đây, con số này tăng cao đột biến, ngày 4-8 có 217 người chết, ngày 5-8 có 214 người.
TS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) – cho biết sau hơn nửa tháng hoạt động đơn vị đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 825 bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Ngoài số bệnh nhân xuất viện và được chuyển xuống điều trị ở tầng nhẹ hơn, có 63 người chết. Bệnh viện đang điều trị cho 498 bệnh nhân, trong đó có 123 người phải thở máy, lọc máu liên tục và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Theo ông Thức, những ngày qua lượng bệnh nhân F0 của TP.HCM vẫn gia tăng, dự đoán khoảng 5-7% trong số này sẽ chuyển nặng và nguy kịch.
Giám đốc một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng (tầng 3) quy mô 500 giường cho biết, lúc nào cũng trong tình trạng kín giường, do đó việc tiếp nhận được bệnh nhân nữa hay không còn tùy thuộc mức độ bệnh lý, “nếu bệnh nhân cấp cứu sẽ ráng cứu”.
“Bên cạnh các ca thở máy không xâm lấn được điều trị hồi phục tốt, có ngày 3-4 ca tử vong, chủ yếu tập trung vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền. Gần đây xuất hiện thêm ở nhóm trẻ tuổi bị béo phì” – bác sĩ này nói.
Điều khó khăn nhất của bệnh viện hiện nay, theo vị này, là thiếu máy thở xâm lấn di động dùng khi vận chuyển bệnh nhân nặng đi chụp phim X-quang hoặc CT.
Một bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho biết có tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19 khó thở và tự mua máy thở oxy tại nhà, hoặc bệnh nhân cần can thiệp thở oxy lưu lượng cao, thở máy “mắc kẹt” ở tuyến dưới do các bệnh viện hồi sức đang quá tải, thiếu cả nhân lực, vật tư.
Số ca xuất viện tăng
Một con số đáng mừng hiện nay là số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM được xuất viện từ ngày 20-7 đến ngày 3-8 tăng lên. Ngày 20-7 mới chỉ có 587 người xuất viện thì từ ngày 21-7 số người xuất viện đều trên 4 con số. Cụ thể, từ ngày 21-7 đến ngày 5-8 có tổng cộng 43.399 bệnh nhân xuất viện.
Chuyển thẳng thay vì chuyển tuyến
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết để giảm số ca tử vong, tất cả các ca COVID-19 đều phải được tiếp nhận điều trị khi có triệu chứng. Sau đó phân loại, tùy tình trạng bệnh lý có thể chuyển thẳng từ tầng 2 lên tầng 5. Mặt khác, cần phải tăng cường năng lực điều trị (nhân lực và vật lực) của tầng 5 lên một mức độ mới.
“Với 4 bệnh viện hồi sức hiện có, kết hợp với 3 bệnh viện hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai, Trung ương Huế và Việt Đức thiết lập sẽ đi vào hoạt động cuối tuần này, có thể đáp ứng việc điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Các tuyến dưới cũng cần tăng cường năng lực điều trị, khả năng cung cấp oxy, máy thở đơn giản… để giảm bớt các bệnh nhân có triệu chứng. Khi cần phải chuyển thẳng lên tuyến trên kịp thời và các bệnh viện bắt buộc phải tiếp nhận sàng lọc, phân loại, điều trị” – ông Sơn phân tích.
Ngoài ra, ông Sơn hy vọng một số loại thuốc có thể đưa vào điều trị để giảm bớt tải lượng virus cho các ca mắc, tăng cường tốc độ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi và thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách.
“Cần tổ chức lại nhân lực y tế theo dõi điều trị F0 ở phân tầng nhẹ (không triệu chứng), dành nhân lực y tế cho các phân tầng cao hơn. Ngoài đầu tư trang thiết bị y tế, mở thêm bệnh viện điều trị, dù không ai mong muốn nhưng ngành y tế cũng cần phải tính toán đến kịch bản thiết lập hội đồng đánh giá lại, chấp nhận sàng lọc máy thở, nhường máy thở cho những trường hợp có tiên lượng sống cao hơn” – một giám đốc bệnh viện điều trị COVID-19 chia sẻ.
Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, trong 5 tầng điều trị, các tầng 3-4-5 gần như hết công suất. TP.HCM phải tập trung tổ chức, rút ngắn một số quy trình, sắp xếp lại không gian để có thể tiếp nhận người bệnh, nhất là sơ cứu và cấp cứu. Đồng thời đảm bảo sự liên thông giữa các tầng điều trị.
“Ví dụ một số bệnh viện không điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể tiếp nhận người bị bệnh khác để các bệnh viện khác chuyển đổi không gian sang điều trị COVID-19” – ông Mãi nói.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM):
Phải giảm tải cho tầng 5
Bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện khá cao là điều rất tích cực. Tuy vậy biểu đồ COVID-19 của TP cho thấy số bệnh nhân tử vong đang tăng cao, có thể đạt đỉnh trong nửa tháng tới. Các ca nặng ở tầng 5 có hai loại, bao gồm bị biến chứng hội chứng cơn bão cytokine hoặc kèm bệnh nền lâu năm. Các bệnh nhân này thường đã và đang điều trị trên 10 ngày (qua thời gian vàng), bắt đầu bội nhiễm nặng, suy đa tạng.
Để giảm số ca tử vong phải giảm tải cho tầng 5. Muốn làm được điều này cần cải thiện chất lượng của mạng lưới tuyến chuyên môn kỹ thuật hiện có. Tất cả bệnh viện tuyến quận huyện, y tế tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân, trung tâm y tế cần phải được tham gia vào tuyến chuyên môn kỹ thuật để khám chữa cho bệnh nhân mắc COVID-19 như là một loại bệnh lý khác.
Cơ sở khám chữa bệnh, người đứng đầu cơ sở cần thực hiện tốt, đúng quy trình, quy chế chuyên môn trong việc khám sàng lọc, chẩn đoán, phân loại phù hợp mức độ của bệnh đúng với tuyến đơn vị đang điều trị. Việc theo dõi bệnh nhân chuyển độ là giải pháp quan trọng nhất, không cần nhân lực chuyên môn quá cao, thiết bị quá chuyên biệt và thuốc men quá nhiều. Nếu làm tốt các quy trình ở tuyến chuyên môn này, số lượng bệnh nhân cần chuyển lên tầng cao hơn sẽ thấp.
Ở tầng 4 cũng nên tiên liệu và nhận biết hai loại bệnh nhân có hội chứng cytokine và bệnh nhân lớn tuổi có kèm bệnh lý nền lâu năm để tập trung đúng nguồn lực điều trị. Điều này có thể giảm mức độ chuyển nặng, kéo theo làm giảm bệnh nhân phải chuyển lên tầng 5.
Bệnh viện phải mở cửa cấp cứu 24/7
Xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Bệnh viện dã chiến (TP Thủ Đức)
Hôm qua 5-8, giám đốc Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115, các bệnh viện trong và ngoài công lập, các bệnh viện điều trị COVID-19 và trung tâm y tế các quận huyện phải mở cửa tiếp nhận người bệnh tự đến khám và cấp cứu 24/7, đặc biệt vào ban đêm. Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh. Không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR âm tính với COVID-19 mới tiếp nhận.
Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhân viên nhằm thực hiện hướng đến mục tiêu giảm thấp tỉ lệ tử vong; không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Theo ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế, từ ngày 26-7 các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng nặng (tầng 3) gần như kín chỗ. Sở đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP nâng cấp 3 bệnh viện dã chiến (số 6, 8, 13) thành bệnh viện điều trị COVID-19 quy mô 2.000 giường có khả năng tiếp nhận điều trị các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền chuyển nặng để giảm tải các tuyến.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long – giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 – cho biết đơn vị đã nâng số lượng đường truyền tổng đài viên lên 40 (gấp 10 lần trước đây) và thiết bị hạ tầng đảm bảo hoạt động ổn định 24/7 tiếp nhận thông tin đề nghị cấp cứu, chuyển bệnh từ người dân và các cơ sở y tế. Mỗi ngày trung tâm có thể tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi. Hiện số lượng cuộc gọi nhỡ khoảng 10%. “Tổng đài đang cố gắng tăng cường nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin để đạt mục tiêu tiếp nhận 100% cuộc gọi đến tổng đài” – bác sĩ Long nói.
Ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải – cho biết các doanh nghiệp vận tải đã hoán cải hàng trăm taxi, xe khách để vận chuyển cấp cứu bệnh nhân. Có những xe vừa nhập về chưa kịp gắn biển số cũng được hoán cải thành xe cấp cứu.
Theo ông Lâm, có 500 taxi (Mai Linh 200 xe, Vinasun 300 xe) túc trực tại các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly… để vận chuyển người dân đi khám bệnh thông thường, kể cả tiêm vắc xin. Người dân khi có nhu cầu có thể gọi qua tổng đài của taxi Mai Linh (1055) hoặc taxi Vinasun (02838.272727). Hãng taxi Mai Linh còn có 200 taxi được cải tạo, gắn thiết bị y tế do trung tâm cách ly, trung tâm y tế của quận huyện điều phối hỗ trợ để vận chuyển miễn phí bệnh nhân F0 tại các khu cách ly, trung tâm y tế. Trên xe có nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên được huấn luyện đi cùng để hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết.
Ngoài ra Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đã hoán cải 226 xe 16 chỗ thành xe vận chuyển người bệnh mắc COVID-19 phục vụ các tổ phản ứng nhanh phường xã.
Hàng trăm taxi, xe khách được sử dụng để vận chuyển người bệnh đến các cơ sở cấp cứu, điều trị.
Nguồn: tuoitre.vn