Bị châu Âu phạt hàng tỷ USD, nhưng có một thứ khiến Big Tech còn lo sợ hơn thế rất nhiều, đó là TikTok của ByteDance, kẻ khiến cho vị thế của các ôn lớn mạng xã hội nước Mỹ lung lay dữ dội hơn bao giờ hết.
Thật vậy, nếu không sợ, CEO của Facebook đã không tìm mọi cách chuyển mũi dùi công kích vào TikTok.
“TikTok là mối nguy đối với giá trị và vị thế công nghệ của Mỹ, TikTok không chia sẻ cam kết như Facebook vẫn làm về quyền tự do ngôn luận”, Mark Zuckerberg thường xuyên nhắc đi nhắc lại thông điệp này trong các cuộc gặp với sinh viên, nhà lập pháp cho đến Tổng thống Mỹ.
Kết quả, TikTok thật sự bị cấm dưới thời Tổng thống Donald Trump vào tháng 9/2020 sau một loạt sắc lệnh hành pháp nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc. ByteDance, công ty mẹ của TikTok khi đó đứng trước bờ vực bị các ông lớn công nghệ Mỹ xâu xé. Microsoft và Oracle nổi lên là những bên mua tiềm năng nhất trong thương vụ này.
Cuối cùng, dù đã may mắn thoát nạn, ByteDance hiểu rằng vừa lỡ sa chân vào mảnh đất ‘bất khả xâm phạm’ của Big Tech. Bởi thứ mà TikTok của ByteDance đang nắm giữ chính là kho dữ liệu người dùng khổng lồ của thế hệ sẽ kiểm soát thế giới trong tương lai, thế hệ Gen Z.
Kẻ đánh thức những gã khổng lồ
ByteDance được thành lập bởi kỹ sư trẻ Trương Nhất Minh vào năm 2012. Thời điểm đó, công ty này vẫn đang loay hoay đi tìm ‘long mạch’ với rất nhiều ứng dụng khác nhau đã ra đời. Chỉ đến khi Douyin ra mắt thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2016, ByteDance mới đón được gió đông với 100 triệu người dùng chỉ sau một năm vận hành.
Thành công bước đầu của Douyin giúp ByteDance nhận được số tiền đầu tư khổng lồ và Trương Nhất Minh khi đó đã có một quyết định táo bạo là tấn công thị trường nước ngoài, điều mà chỉ các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent hay Alibaba mới dám nghĩ tới.
Và thế là ByteDance vượt biển lớn với tên gọi mới TikTok, bỏ ra 1 tỷ USD thâu tóm Musical.ly để có ngay 200 triệu người dùng nước ngoài. Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử.
Chỉ trong vòng bốn năm ngắn ngủi, TikTok đến nay đã có 1,1 tỷ người dùng hàng tháng (MAU) so với con số 2,3 tỷ MAU và 2,6 tỷ MAU của YouTube và Facebook.
Những con số không biết nói dối. Nhưng không chỉ có người dùng, TikTok còn thay thế đối thủ trong việc tạo ra những trào lưu, những hiện tượng mạng xã hội và thu hút phần lớn người dùng thế hệ Gen Z, tức những người trẻ sinh cuối thập niên 90s trở về sau.
Thành công nhờ ngược chiều gió
Facebook hay YouTube đã định ra những quy chuẩn về thiết kế mạng xã hội, thời lượng video để vô vàn các ứng dụng khác bắt chước và thất bại. Nhưng TikTok lại chọn con đường ngược lại.
Đây không phải nền tảng sáng tạo đầu tiên nhưng TikTok biết cách tạo ra nhu cầu thị trường và dạy người dùng. Người trẻ ngày nay thường cắm mặt vào smartphone và có rất ít thời gian để theo dõi một thứ gì đó. Vì thế TikTok đã rút gọn thời lượng video xuống chỉ còn dưới 15 giây.
Càng hay hơn, TikTok ép người dùng hoặc là xem hoặc là bỏ qua chứ không thể tua nhanh. Kết hợp với thuật toán đề xuất, ma trận video khiến người xem không thể nào rời mắt khỏi những video tưởng ngắn mà gộp ngắn thành dài vô tận trong TikTok.
Nếu cách làm của TikTok không có gì đặc biệt, Instagram và YouTube đã không phải vội vàng ra mắt tính năng bắt chước. Những kẻ khổng lồ ngủ quên trên chiến thắng vội vàng thức giấc, nhưng có thể đã quá muộn khi TikTok vừa đem về 34,3 tỷ USD cho ByteDance trong năm 2020.
Dù chưa thể IPO ở Mỹ do sức ép từ Bắc Kinh, ByteDance vẫn đang được định giá ở vòng gọi vốn gần nhất là không dưới 300 tỷ USD, gấp ít nhất ba lần siêu kỳ lân Uber của Mỹ.
Tại Việt Nam, TikTok từng chi rất nhiều tiền quảng cáo để lôi kéo người dùng và đã đạt được khoảng 10 triệu người dùng thật.
Nhưng ít ai biết rằng, trước khi TikTok xuất hiện, có một ứng dụng Việt đã nổi lên trong việc thu hút giới trẻ tên là Muvik. Ứng dụng này cũng đi theo hướng chia sẻ video âm nhạc, tập trung vào các đoạn nhạc lipsync để người bình thường cũng có thể hát nhép theo ca sĩ nổi tiếng.
Tuy nhiên, quá hạn chế vào một thể loại đã khiến Muvik thất thủ ngay cả khi TikTok còn chưa quá phổ biến ở Việt Nam. Đấy là chưa kể, TikTok có một dấu ấn riêng khó có thể bị nhầm lẫn là các video ngắn theo chiều dọc trong khi Muvik thiếu quá nhiều thứ để tạo ra dấu ấn chứ chưa nói đến việc gọi vốn mở rộng thị trường.
Suy cho cùng, các startup vẫn phải cần đến thuật toán, công cụ, AI để phân tích hành vi người dùng, gợi ý và đề xuất nội dung trước khi nghĩ đến thị trường là ai, ở đâu. Không làm được bước này, startup sẽ chỉ thay đổi từ việc bắt chước Facebook sang bắt chước TikTok mà thôi.
Nguồn: vietnamnet