Có thể thấy sự phát triển bùng nổ của TikTok là bước chạy đà cho TikTok Shop vào cuộc tranh thị phần của Shopee và Lazada tại khu vực Đông Nam Á.
Hình ảnh minh họa nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop
“Ngôi sao đang lên” của thương mại điện tử Đông Nam Á
Theo Đài CNBC ngày 26-5, TikTok Shop – nền tảng thương mại điện tử của mạng xã hội TikTok – đang phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia Đông Nam Á.
Mới đổ bộ Đông Nam Á từ năm 2022, đến nay TikTok Shop đã có mặt ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
Trong bản báo cáo gần đây gửi Tập đoàn SEA (công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee), ông Shawn Yang – nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus – nhận định: “TikTok tiếp tục phát triển liên tục ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok trong năm 2023 sẽ bằng 20% GMV của Shopee. Do đó, chúng tôi khuyến nghị Shopee tăng doanh số và công tác tiếp thị từ tháng 4-2023”.
Theo số liệu nội bộ TikTok được Đài CNBC dẫn từ trang tin điện tử The Information, GMV khu vực Đông Nam Á của TikTok Shop năm 2022 tăng gấp 4 lần năm 2021, đạt 4,4 tỉ USD. Mạng xã hội này đặt mục tiêu GMV năm 2023 đạt đến 12 tỉ USD.
Theo khảo sát được thực hiện bởi Công ty Cube Asia, người dùng TikTok Shop ở Indonesia, Thái Lan và Philippines chi cho Shopee và Lazada ít hơn lần lượt 51% và 38% so với trước đây.
Phía TikTok không đưa ra bình luận hay đính chính này về các con số trên.
Chặng đường dài để TikTok Shop trở thành thế lực mới
Dù có vẻ ấn tượng, các con số trên vẫn khá nhỏ khi đặt bên cạnh hai “ông lớn” thương mại điện tử khu vực. Trong năm 2022, GMV của Shopee lên đến 73,5 tỉ USD, trong khi của Lazada là 21 tỉ USD.
Điều này cho thấy TikTok sẽ còn phải nỗ lực nhiều để thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Shopee và Lazada.
Một người phát ngôn của TikTok nói với Đài CNBC rằng TikTok “đang tập trung phát triển TikTok Shop ở Đông Nam Á”, trong bối cảnh cả công ty lớn và người bán hàng nhỏ lẻ cùng sử dụng nền tảng này nhằm tiếp cận khách hàng mới.
Tính đến tháng 5-2023, TikTok có 135 triệu người dùng ở Đông Nam Á (theo Công ty nghiên cứu Insider Intelligence). Trong đó, Indonesia đóng góp đến 113 triệu người dùng, trở thành quốc gia có số người dùng TikTok nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ông Sachin Mittal, trưởng bộ phận nghiên cứu viễn thông và Internet của Ngân hàng DBS, phân tích: “Thói quen mua sắm bất chợt khi lướt mạng xã hội là lợi thế của TikTok”.
Song, TikTok cũng gặp khó khăn. Nổi bật nhất là nền tảng này đang trong giai đoạn “đốt tiền” giành thị phần.
Ông Jonathan Woo, phân tích viên cao cấp tại Công ty nghiên cứu chứng khoán Phillip, nhận định: “TikTok đang chi những khoản tiền cực lớn để thu hút người mua và người bán. Cách làm này không phải lúc nào cũng bền vững”.
Một kho trung chuyển của sàn thương mại điện tử Lazada tại Indonesia. Nhiều năm qua, Lazada đã xây dựng hệ thống hậu cần hoàn thiện phủ khắp Đông Nam Á
Ông Woo ước tính các ưu đãi của TikTok tiêu tốn 600 – 800 triệu USD một năm, tương đương 6 – 8% con số GMV dự kiến 10 tỉ USD năm 2023. Ông Woo chỉ ra rằng TikTok Shop “vẫn còn rất trẻ” và đang trong “giai đoạn ‘đốt tiền’ để phát triển”, chiến lược được ông Woo cảnh báo không phù hợp với thị trường ngày nay do chi phí vận hành cao.
Bên cạnh đó. TikTok Shop cũng không tự chủ toàn bộ quá trình cung ứng. Khác với TikTok Shop, trong nhiều năm qua, Shopee và Lazada đã hoàn thiện hệ thống hậu cần hùng mạnh, giảm đáng kể chi phí và thời gian giao nhận, qua đó nâng cao trải nghiệm và lòng tin người dùng.
Ông Woo kết luận: “Tôi tin TikTok Shop có tiềm năng lớn mạnh như Shopee và Lazada, song để làm được vậy sẽ tốn khá nhiều năm”.
Nguồn: vietnamnet