Thời điểm này, nhiều vườn hồ tiêu trong giai đoạn cuối kỳ ra hoa, đậu trái, nhưng ở huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), nhiều nhà nông đang thấp thỏm lo âu do tỷ lệ ra hoa, đậu trái quá thấp.
Nguyên nhân là do năm nay mùa mưa kéo dài và thời tiết thất thường khiến cây tiêu “đỏng đảnh” không chịu cho hoa, đậu trái.
Hiện giá thu mua hạt tiêu vẫn giữ ở mức thấp – 41.000 đồng/kg, cộng với vườn tiêu xác xơ không đậu trái khiến nhiều nông hộ ở tỉnh Bình Phước lâm vào cảnh khó khăn.
Tiêu ít đậu trái
Chị Phan Thị Như ở thôn 2, xã Thiện Hưng không vui như các năm trước bởi giá tiêu quá thấp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Chị cho biết, niên vụ năm 2018, với 700 trụ tiêu, gia đình thu hái được 2,7 tấn hạt.
Tuy nhiên, vụ tiêu năm nay, gia đình chị Như ước thu không được 1 tấn hạt. Chị buồn bã nói: “Thời tiết thất thường quá, khiến vườn tiêu ít ra hoa, có cây ra hoa tốt thì cũng rụng trái non. Trước kia, giá thu mua tiêu cao, gia đình đầu tư phân bón nhiều, nhưng từ khi giá tiêu liên tục xuống thấp, phải đầu tư ít đi để cân bằng chi tiêu trong gia đình”.
Gia đình ông Đặng Văn Lập, ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện có 1.000 trụ tiêu. Vụ mùa năm 2018, gia đình ông thu được 4 tấn hạt. Đầu năm 2019, sau khi thu hoạch, gia đình mạnh dạn đầu tư khoảng 50 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại. Dù hồ tiêu mất giá, nhưng đổi lại gia đình ông không quá buồn vì vườn tiêu khá xanh tốt, hoa ra sum suê, dự kiến thu được số tiền kha khá để tiếp tục tái đầu tư, gắn bó với cây tiêu lâu dài.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì gia đình ông Lập không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh hoa chuẩn bị thành trái thì rụng đầy gốc. “Vườn tiêu được gia đình chăm sóc rất kỹ, áp dụng kỹ thuật theo theo hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp cũng như khuyến nông địa phương. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng tiêu, tôi cũng không hiểu tại sao năm nay gặp hiện tượng hoa chưa kịp đậu hết trái đã rụng quá nửa”, ông Lập nói.
Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng tiêu, năm nay mưa đến muộn, thời tiết khô nóng, độ ẩm không khí thấp dẫn đến cây ít trái.
Hộ gia đình ông Vũ Ngọc Thuận ở ấp 3, xã Thanh Hòa có trên 2.000 trụ tiêu cũng trong tình trạng ít trái, nhất là vườn tiêu già trên 10 năm tuổi. Được sự tư vấn cũng như chọn làm điểm phát triển mô hình tiêu bền vững của địa phương, thế nhưng, vườn tiêu của gia đình ông cũng không tránh khỏi sản lượng thấp trong mùa vụ năm nay.
Ông Thuận chia sẻ: “Với số lượng trái đang đậu trên cây như hiện nay, gia đình ước tính thu được khoảng 2 tấn. Giá tiêu thấp cộng với việc ít trái không chỉ nhà tôi mà bà con ở đây cũng không tránh khỏi khó khăn về kinh tế”.
Nguy cơ mất mùa, giá thấp
Trước tình trạng nhiều vườn của các hộ dân cùng “số phận” tiêu đậu ít trái, ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, cho rằng, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, những năm trước đây, bà con ồ ạt chuyển đổi cây trồng, sang trồng hồ tiêu trên đất không phù hợp nên năng suất đạt thấp và dễ bị sâu bệnh.
Cùng với đó, do giá thấp trong vài năm gần đây nên các hộ không chăm sóc vườn dẫn đến tiêu phát triển yếu đi, năng suất thấp và khả năng chống chọi sâu bệnh, thời tiết kém. Bên cạnh đó, nhiều người trồng tiêu cũng chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu, sử dụng một số loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp nên cũng ảnh hưởng đến ra hoa, đậu trái.
Vụ mùa thu hoạch sắp tới, không chỉ nông hộ trồng hồ tiêu ở Bù Đốp mà nhiều hộ ở địa phương lân cận cũng đang thấp thỏm lo âu trước tình trạng cây ít đậu trái. Nguy cơ mất mùa, giá thấp ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống sinh hoạt cũng như tái đầu tư phát triển loại cây này trong thời gian tới.
Bình Phước hiện có khoảng 15.000ha hồ tiêu và tiêu được coi là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh; nhiều huyện vùng biên như Bù Đốp, Lộc Ninh lấy thế mạnh kinh tế từ cây hồ tiêu, hình thành nhiều Câu lạc bộ hồ tiêu sạch liên kết để xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu tỉnh Bình Phước, 3 năm nay, giá hồ tiêu chưa phục hồi mà còn trên đà đi xuống.
Những ngày đầu tháng 10/2019, các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu Brazil khiến cho giá hạt tiêu trong nước giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Giá hạt tiêu đen trong nước thấp nhất là 39.000 đồng/kg tại Chư Sê (Gia Lai) và tỉnh Đồng Nai; cao nhất là 41.500 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 63.000 đồng/kg, giảm 3,1% so với cuối tháng 9/2019 và giảm so với mức 87.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2019, xuất khẩu hạt tiêu đạt 15 nghìn tấn, trị giá 37,08 triệu USD, giảm 20,3% về lượng và giảm 20,1% về trị giá so với tháng 8/2019; so với tháng 9/2018 giảm 13,9% về lượng và giảm 26,8% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu đạt 233,4 nghìn tấn, trị giá 593,41 triệu USD, tăng 21,1% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2018.
Giải pháp nào cho người trồng tiêu?
Trước tình trạng khó khăn của người trồng tiêu, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại diện tích hồ tiêu, nhất là diện tích người dân trồng theo phong trào, không phù hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước để cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu chuyển đổi 2.000ha tiêu chết, khuyến cáo người dân trồng các loại cây khác phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn (giai đoạn 2019 – 2020). Qua đó, ổn định diện tích tiêu 14.500ha (hiện nay là 17.178 ha) theo đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt đã phê duyệt.
Theo TS. Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Bình Phước cần nâng cao ý thức về phòng bệnh trên vườn tiêu nông hộ, trong đó áp dụng các giải pháp sinh học để phòng, trừ bệnh cho tiêu. Ứng dụng các giải pháp công nghệ để giảm chi phí công lao động, cũng như liên kết xây dựng những vùng sản xuất đạt chứng nhận các tiêu chuẩn xuất khẩu (GAP, Rainforest, Hữu cơ) nhằm nâng cao giá trị.
“Cần nghiên cứu và sản xuất giống tiêu sạch bệnh gắn với truy xuất nguồn gốc, phục vụ cho vùng/khu vực sản xuất trọng điểm. Đánh giá môi trường đất canh tác hồ tiêu và các giải pháp cho vùng trồng chính, cũng như nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano, hữu cơ vi sinh nhằm phát triển vùng sản xuất hồ tiêu bền vững”, TS. Kha nói.
Theo dự báo mùa vụ mới 2019, vùng hồ tiêu Bình Phước vẫn còn nằm trong “vòng xoáy” lao đao khi giá chưa thể phục hồi; trong khi thêm một mùa vụ dự báo thất bát đang gây thêm nhiều thách thức và khó khăn cho người trồng hồ tiêu. Xu hướng chuyển đổi cây trồng đang được nhà nông đề cập. Thế nhưng, vốn liếng nhà vườn đã đổ vào hồ tiêu, vì vậy, khó khăn đang chồng chất khó khăn.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Hiện, cả nước có khoảng 150.000ha hồ tiêu, chiếm trên 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới, đạt gần 759 triệu USD.
Những năm tới, các địa phương cần căn cơ ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 100.000ha, tập trung đẩy mạnh phát triển cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đối với diện tích hồ tiêu bị bệnh, vườn tiêu già cỗi, khuyến cáo nông dân chuyển sang cây trồng khác. Người dân ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện (Bù Đốp) lo lắng khi tiêu ra trái ít hơn rất nhiều so với vụ mùa 2018. |
Theo K GửiH /TTXVN/VN+