Mỹ sẵn sàng ký một Tuyên bố kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, còn Triều Tiên muốn ký một Hiệp ước hoà bình như Hiệp định Paris về Việt Nam. Hai bên thực chất đã dự thảo xong Tuyên bố kết thúc chiến tranh rất ngắn gọn, nhưng đáng tiếc là Tuyên bố đó không được ký kết. 

Thông tin trên được TS. Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao – chia sẻ tại một cuộc trao đổi ngày 2/3, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 kết thúc tại Hà Nội hôm 28/2 mà không đạt được thỏa thuận chung.

“Giải mã” bất đồng đàm phán

Theo TS. Trần Việt Thái, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều vừa qua, có 2 văn kiện là một Tuyên bố chung và Tuyên bố về chấm dứt chiến tranh, cùng với 4 nội dung then chốt đã được phái đoàn 2 bên đàm phán và soạn sẵn nhưng đều không thể ký kết.

Tiết lộ lí do Mỹ - Triều chưa thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại thượng đỉnh lần 2 - 1

TS. Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao (ảnh: Tùng Đinh)

Bốn nội dung then chốt là: Kết thúc chiến tranh; Triều Tiên chấp nhận cho Mỹ vào thanh sát và phá huỷ có kiểm chứng cơ sở ở Yongbyon nhưng không nói rõ nội dung và để ngỏ cho hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều quyết định; Triều Tiên đã chấp nhận thanh sát hạn chế; Mỹ – Triều thiết lập quan hệ ngoại giao và cho phép lập văn phòng liên lạc ở hai nước.

“Trong cuộc đàm phán tại Hà Nội, Mỹ muốn “gói” 2 vấn đề là phi hạt nhân hoá và dỡ bỏ lệnh cấm vận làm một, trong khi đó Triều Tiên muốn tách ra, đó là cái gốc của vấn đề dẫn đến đổ vỡ và hai bên không ký được Tuyên bố chung.” – TS. Trần Việt Thái tiết lộ.

Về vấn đề thiết lập hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẵn sàng ký một tuyên bố kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ riêng giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng Triều Tiên muốn ký một Hiệp ước hoà bình có tính giá trị pháp lý, tương tự như Hiệp định Paris về Việt Nam.

Đối với Triều Tiên, có Hiệp ước về hòa bình Triều Tiên mới có thể chuyển đổi và phát triển. Bởi hiện trên bán đảo Triều Tiên chỉ có một Hiệp định đình chiến giữa hai miền, tức là vẫn đang tình trạng chiến tranh. Tất cả lực lượng phải huy động cho quân đội nên không còn nguồn lực tham gia sản xuất hay phát triển các lĩnh vực khác.

“Hai bên thực chất đã dự thảo xong Tuyên bố kết thúc chiến tranh rất ngắn gọn, với khoảng nửa trang. Nhưng rất tiếc bản tuyên bố đó đã không được ký kết.” – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho hay.

Đối với nội dung dỡ bỏ lệnh cấm vận, theo TS. Trần Việt Thái cho biết, quan điểm của Mỹ là không dỡ bỏ lệnh cấm vận cho đến khi Triều Tiên hoàn thành phi hạt nhân hoá. Nhưng vì khác biệt ở phi hạt nhân hoá và chưa có lộ trình nên về sau này, trong quá trình đàm phán, Mỹ có linh hoạt điều chỉnh và sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh cấm vận có tính nhân đạo. Nếu Triều Tiên đi một bước có ý nghĩa thì Mỹ cũng sẽ đáp lại một bước có ý nghĩa.

Tiết lộ lí do Mỹ - Triều chưa thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại thượng đỉnh lần 2 - 2

Hôm 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận chung (ảnh: Reuters) 

Trần Việt Thái cho biết: “Mấu chốt nhất dẫn đến hai bên không ký được Tuyên bố chung là vào phút chót, sau cuộc họp mở rộng, do bất đồng về gói cấm vận và vấn đề hạt nhân hoá nên hai bên đã không đạt được mục đích của mình. Ở đây một phần do đàm phán ở các cấp không chốt ngay được mà để ngỏ cho cấp cao.”.

Viện phó Viện chiến lược Học viện Ngoại giao cũng chia sẻ, hai bên ra về ngay khi không đạt được thỏa thuận khiến bên thứ ba không còn cơ hội để làm trung gian. Đó là điều đáng tiếc!

Lý do Hà Nội được chọn làm địa điểm hội nghị

Đề cập tới địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Việt Nam vừa qua, TS Trần Việt Thái thông tin: Mỹ muốn tổ chức ở Đà Nẵng – nơi Tổng thống Donald Trump đặc biệt ấn tượng và thích thú sau khi dự Hội nghị APEC năm 2017. Tuy nhiên, phía Triều Tiên lại lựa chọn Hà Nội, lí do vì Hà Nội là Thủ đô – cái nôi của cách mạng và là nơi cố Chủ tịch Triều Triên Kim Nhật Thành (ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un) từng đến thăm.

“Nếu Hội nghị diễn ra tại Hà Nội và ký được Tuyên bố kết thúc chiến tranh thì Triều Tiên sẽ rất thuận lợi trong tuyên truyền nội bộ, xây dựng hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un là người mang lại hoà bình và bước ngoặt lịch sử trên bán đảo Triều Tiên.” – ông Thái nói.

Trong quá trình làm việc về địa điểm tổ chức thượng đỉnh lần 2 tại Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Mỹ đã gọi điện về báo cáo Tổng thống Donald Trump việc Triều Tiên chọn Hà Nội. Khi đó, ông Donald Trump đã đồng ý với lựa chọn của Triều Tiên.

Trên thực tế, trước ngày 16/2, các đoàn tiền trạm và an ninh Mỹ đã tiến hành khảo sát rất kỹ Đà Nẵng để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều. Nhưng do quan điểm của Triều Tiên về địa điểm nên phía Mỹ đã phải chuyển hướng ra Hà Nội.

Theo Dân Trí

Từ khóa : Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triềuhọp mỹ triều tiên 2019 hà nội lần 2thượng đỉnh mỹ triều tiên lần 2tuyên bố chung Mỹ - Triều

Các tin liên quan đến bài viết