Các tài liệu mật được cho là thông tin tình báo mật của Mỹ liên tục được tung lên mạng đặt ra nhiều rủi ro không chỉ với Mỹ và các bên có liên quan như Ukraine mà còn khơi lại những ngờ vực của các đồng minh đối với Washington.

Binh lính Ukraine trong một con hào ở thị trấn Bakhmut tại miền đông nước này vào ngày 8-4, khi Kiev đang chuẩn bị cho đợt phản công lớn - Ảnh: AFP

Binh lính Ukraine trong một con hào ở thị trấn Bakhmut tại miền đông nước này vào ngày 8-4, khi Kiev đang chuẩn bị cho đợt phản công lớn 

Đã nhiều ngày kể từ sau vụ rò rỉ tài liệu mật ồn ào, Washington dường như vẫn chưa tìm ra cách ứng phó. Các nội dung rò rỉ tiếp tục được “trích xuất” và tung lên mặt báo không chỉ đe dọa an ninh của Mỹ, Ukraine mà còn khiến các đồng minh của Washington không thể ngồi yên.

Ukraine điều chỉnh kế hoạch?

Trong lúc đang cấp tập chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân, Kiev đổ lỗi cho Nga nhưng cho rằng đây “không phải vấn đề lớn” vì một phần lớn thông tin không đúng. Tuy nhiên, Ukraine cho biết sẽ cân nhắc điều chỉnh kế hoạch vì vụ rò rỉ, trong khi Đài CNN cho biết Kiev đã làm như vậy.

Không ít ý kiến cho rằng Ukraine nhiều khả năng sẽ không điều chỉnh kế hoạch quân sự ngắn hạn, bao gồm cả cuộc tấn công mùa xuân sắp tới vốn rất được chờ đợi sau nhiều tháng bế tắc trên chiến trường.

“Nó có thể ảnh hưởng đến một số quan điểm của quân đội Ukraine nhưng không nhiều lắm” – ông Artis Pabriks, cựu bộ trưởng quốc phòng Latvia, nhận định trên tờ Foreign Policy.

Khi được hỏi việc thông tin về tình hình lực lượng Ukraine bị lộ có ảnh hưởng đến kế hoạch tấn công của Kiev không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết quân đội Ukraine không chỉ dựa vào “một kế hoạch cụ thể” và bày tỏ tin tưởng vào khả năng của Kiev.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói dù Washington cung cấp vũ khí và tư vấn quân sự nhưng “Ukraine đưa ra quyết định về cách thức thực sự thúc đẩy nỗ lực giành lại lãnh thổ của mình”.

Theo giới phân tích, dù các tài liệu này sẽ không tác động ngay lập tức lên chiến sự nhưng bộc lộ rủi ro tiềm ẩn về vấn đề an ninh lâu dài đối với các chiến dịch của Ukraine. Kiev từ lâu đã lo lắng về thông tin mà nước này chia sẻ với Mỹ có thể bị lộ ra ngoài.

“Trường hợp này cho thấy người Ukraine đã hoàn toàn đúng về điều đó”, một trong những quan chức châu Âu không nêu tên nói trên tờ Politico.

Khủng hoảng niềm tin

Ngày 11-4, ông Lloyd Austin tuyên bố sẽ “lật từng hòn đá” để truy nguyên các tài liệu bị lộ. Ông Austin là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ lên tiếng bình luận về vụ việc.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp Mỹ đã mở các cuộc điều tra “khá căng thẳng” sau khi ông Chris Meagher, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho biết các tài liệu đặt ra “nguy cơ rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và có khả năng lan truyền thông tin sai lệch”.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết vấn đề này chỉ được thảo luận ở cấp cao nhất.

Cùng với đó, Mỹ còn phải xử lý một cuộc khủng hoảng niềm tin ở thời điểm nhạy cảm khi Washington đang vận động đồng minh, đối tác trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Vụ việc được coi là một trong những vụ rò rỉ tình báo lớn nhất của Mỹ kể từ khi WikiLeaks tung hàng triệu tài liệu nhạy cảm lên mạng giai đoạn 2006 – 2021.

Nó cũng đặc biệt gây lo ngại vì phần lớn các tài liệu tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, nơi mà Washington đã nhiều lần nói rằng cần sự hợp tác giữa các đồng minh ở NATO, châu Âu và các nơi khác.

Ngoài ra, “cách thức rò rỉ và nội dung rất bất thường” là nhận định về vụ việc của một cựu chuyên gia phân tích tình báo Mỹ.

Người này cho rằng những vụ rò rỉ lớn như vụ của cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden trước đây được đưa cho các nhà báo trước chứ không phải tung thẳng lên mạng xã hội như lần này.

Ngày 11-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington “đã làm việc với các đồng minh và đối tác ở cấp độ cao những ngày qua, trong đó có việc trấn an họ về cam kết bảo vệ thông tin tình báo của chúng tôi”.

Washington đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ các đồng minh về việc vì sao tài liệu bị rò rỉ, ai chịu trách nhiệm và làm sao để gỡ bỏ các tài liệu trên mạng… Nhưng đến đầu tuần này, theo các quan chức châu Âu, các đồng minh vẫn chỉ nhận được câu trả lời là Washington “đang điều tra”.

Mỹ lo về năng lực của Ukraine

Theo phân tích của Hãng tin AFP về các tài liệu, Mỹ đã rất lo ngại về khả năng Ukraine có thể đạt được các chiến tích đáng kể trong cuộc phản công sắp tới cũng như năng lực phòng thủ của Kiev trước các cuộc tấn công của Nga.

Cụ thể, tài liệu đề tháng 2-2023 cho rằng 89% hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Ukraine được tạo thành từ các hệ thống SA-10 và SA-11 thời Liên Xô sẽ sớm hết tên lửa vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 5-2023.

Ngoài ra, năng lực bảo vệ tiền tuyến của hệ thống phòng không tầm trung của Ukraine “sẽ bị suy giảm hoàn toàn vào ngày 23-5”.

Mức độ xác thực của các tài liệu vẫn chưa rõ khi Ukraine và một số nước như Hàn Quốc, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) phủ nhận hoặc cho rằng nhiều thông tin là thêu dệt, còn các quan chức Mỹ nói nhiều tài liệu đã bị chỉnh sửa.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : rò rỉ tài liệutài liệu mậttình báo Mỹ

Các tin liên quan đến bài viết