Ngày 11/8, Bộ Tài chính đã thông tin về việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017. Theo đó, thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5 nghìn tỷ đồng so với tháng 6, lũy kế đến hết tháng 7, ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: M.P)

Trong đó, thu nội địa, tháng 7 ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với tháng 6. Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân  chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017 theo chế độ quy định, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Đồng thời, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất – kinh doanh có xu hướng tăng, cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế  đã có ảnh hưởng tích cực đến số thu NSNN.

Lũy kế đến hết tháng 7, thu nội địa ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán năm, bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2016; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đạt 40,7% dự toán năm, giảm 11%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 93,5% dự toán năm, tăng 29,8%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 77,9% dự toán năm, tăng 13,8%; các khoản thu nội địa còn lại đạt 53,7% dự toán năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 56% dự toán năm trở lên, trong đó không kể thu tiền sử dụng đất và thu từ xổ số kiến thiết thì có 12 địa phương đạt trên 62% dự toán năm; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 56%); 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Thu từ dầu thô, tháng 7 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 660 tỷ đồng so với tháng 6. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 6/2017 dao động ở mức thấp (khoảng 46-48 USD/thùng); giá dầu thanh toán bình quân trong kỳ khoảng 48 USD/thùng, giảm 2 USD/thùng so với giá dự toán năm.

Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạt 7,94 triệu tấn, bằng 64,6% kế hoạch, bằng 88,6% so với cùng kỳ năm 2016; giá dầu thanh toán bình quân 7 tháng khoảng 53,7 USD/thùng, cao hơn 3,7 USD/thùng so với giá tính dự toán năm.

Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, tháng 7 ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (6,1 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt 15,87 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 165 nghìn tỷ đồng, bằng 57,9% dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, tổng chi NSNN tháng 7 ước 110,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 695,16 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý chi NSNN đã đề ra theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017.

Như vậy, đến hết tháng 7/2017, bội chi ngân sách trung ương ước là 87,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 50,6% dự toán; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.

Cũng theo Bộ Tài chính, về công tác huy động vốn, tính đến ngày 31/7/2017, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phát hành là 201.535 tỷ đồng. Trong đó khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 183.915 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 17.620 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 8, sẽ tổ chức thảo luận Dự toán NSNN năm 2018 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2018-2020 với các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty.

Đồng thời, thông báo kế hoạch huy động vốn quý III/2017 ra thị trường. Thực hiện nghiêm các giải pháp về thu và chống thất thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, chống chuyển giá, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo đúng Luật Quản lý thuế, tích cực thu hồi nợ đọng thuế, tránh tình trạng nợ đọng lớn, kéo dài./.

Nguồn dangcongsan.vn

Từ khóa : Bộ Tài ChínhChỉ thị số 14/CT-TTgngân sách

Các tin liên quan đến bài viết