Dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu thanh toán điện tử tăng vọt khi nhiều gia đình tăng mua hàng online. Thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc cũng tăng trưởng đáng kể như một loại hình thanh toán “sạch”.
Rất nhiều con số ấn tượng cho thấy người Việt Nam đã quen dần với thanh toán không tiền mặt và nhiều người nhận được lợi ích không nhỏ.
Thanh toán “sạch” lên ngôi
Có thói quen đi chợ để tận tay mua thực phẩm mỗi sáng nhưng từ khi dịch, chị Vân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã chuyển sang dùng dịch vụ đi chợ thay trên ví điện tử và thanh toán online.
“Tôi chọn mặt hàng rồi thanh toán, sau đó chỉ việc ở nhà chờ nhận hàng rồi chế biến, đỡ lo hơn hẳn” – chị Vân nói.
Ngoài ra, chị Vân cho hay thanh toán qua ví điện tử cũng nhận được nhiều lợi ích. Như chỉ cần vài thao tác trên ví, tiền điện, nước hằng tháng đã đóng xong lại được tích điểm, nhận quà là các voucher giảm giá tại các cửa hàng tiện lợi, thức ăn nhanh… Khi nạp các thẻ điện thoại trả trước cũng được khuyến mãi, hoàn tiền nhiều hơn so với mua thẻ cào.
Thống kê của Grab cho thấy dịch COVID-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến.
Theo dữ liệu của Moca – đối tác chiến lược của Grab, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3-2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.
Nhìn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.
Theo số liệu từ VisaNet – mạng lưới xử lý thanh toán của Visa, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54%.
Theo bà Đặng Tuyết Dung – giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, khảo sát cũng cho thấy các công nghệ thanh toán mới đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, chẳng hạn hình thức thanh toán không tiếp xúc (thẻ contactless, khách có thẻ chỉ cần tự cầm thẻ để sát thiết bị chấp nhận thanh toán), phương thức thanh toán sinh trắc học, như sử dụng dấu vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch…
Ngân hàng vui vẻ nhập cuộc
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm – phó tổng giám đốc Sacombank – cho biết mặc dù dịch bệnh, 4 tháng đầu năm doanh số chấp nhận thẻ vẫn tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước, với tỉ trọng lên đến 35% trên tổng doanh số thanh toán chấp nhận thẻ tại Sacombank.
Ngược lại, với doanh số thanh toán trực tiếp tại quầy trong nước và đặc biệt là giao dịch nước ngoài sụt giảm mạnh.
Theo ông Tâm, dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu thanh toán điện tử tăng vọt, nhiều gia đình đã quan tâm đến loại hình mua hàng online, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Loại hình thanh toán không tiếp xúc cũng tăng trưởng đáng kể như một loại hình thanh toán “sạch”.
“Số lượng giao dịch qua ứng dụng mbanking và Sacombank Pay cũng tăng trưởng rất nhiều. Đổi lại, ngân hàng cũng đã triển khai rất nhiều chương trình ưu đãi hoàn tiền, giảm giá, quay số trúng thưởng, giảm phí dịch vụ… để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt” – ông Tâm nói.
Ông Lê Thành Trung – phó tổng giám đốc HDBank – cho biết kết thúc quý 1, giao dịch qua Internet banking tại HDBank tăng trưởng tới 112%, số lượng thẻ thanh toán mở mới trong quý 1 tăng 67% so với cùng kỳ 2019.
“Không chỉ là công nghệ, khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt với HDBank sẽ được hưởng lợi từ cả một hệ sinh thái, như được ưu đãi thanh toán thẻ khi mua hàng tại các siêu thị điện máy; mua vé máy bay Vietjet Air; các mặt hàng thiết yếu tại hệ thống Saigon Co.op…” – ông Trung nói.
30 triệu giao dịch thanh toán điện tử mỗi ngày
Ông Phạm Tiến Dũng – vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước – cho biết thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, được đầu tư, nâng cấp. Tính đến tháng 2 vừa qua, cả nước có 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động…
Ông Dũng cho hay theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 1 tháng có khoảng 15 triệu người sử dụng Internet banking và mobile banking trong tháng dịch COVID-19 vừa rồi. Đây là con số rất lớn. Ước tính, một ngày Việt Nam có khoảng 30 triệu giao dịch thanh toán.
“Nếu ai đã dùng thanh toán điện tử trên mobile, kể cả tiền điện, tiền điện thoại… tôi nghĩ rằng không ai muốn quay trở lại để thanh toán bằng tiền giấy nữa” – ông Dũng nhấn mạnh về sự thuận tiện của thanh toán điện tử nếu thực sự biết tận dụng.
Thanh toán không tiền mặt mọi nơi, tại sao không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế – cho biết nhìn vào các con số thống kê về thanh toán không tiền mặt thì thấy rõ ràng thanh toán điện tử ở Việt Nam đã phát triển và tăng trưởng rất nhanh, hình thức thanh toán rất đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Song, thực tế trên thị trường, tiền mặt được thanh toán rất phổ biến. Từ ăn bát phở đến đi xe ôm, đến đổ xăng, thậm chí mua cả những tài sản có giá trị rất lớn như thửa đất hay ôtô… khách hàng vẫn trả được bằng tiền mặt. Điều đáng nói là có những khoản như viện phí, người dân muốn chuyển khoản, cà thẻ, qua điện thoại cũng chưa được tại nhiều nơi.
Dưới góc độ chuyên gia công nghệ ngân hàng, ông Phạm Quang Đệ nhận định cần thêm sự tiện lợi cho người sử dụng, nhất là những khách hàng cao tuổi. Muốn thanh toán điện tử, người dân phải có tài khoản ngân hàng. Rồi trả một món tiền lớn hay nhỏ thì phải thao tác vài cú click chuột, phải nhớ mật khẩu…
Ông Phạm Tiến Dũng cũng đồng tình khi cho thói quen là rào cản lớn nhất khiến thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, thói quen thay đổi khi người ta thấy rõ được lợi ích và sự tiện lợi. Chưa kể dịch vụ phải thật đa dạng.
Nếu một khách hàng của ngân hàng vào chương trình mobile banking, Internet banking nhưng chỉ trả tiền điện thoại thì khách hàng sẽ rời ngay đi. Cho nên giai đoạn vừa rồi đặt ra vấn đề là phải kết nối hệ sinh thái số của ngân hàng với các nền kinh tế khác như điện, nước, viện phí, học phí… để thanh toán điện tử.
95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng
Theo ông Phạm Tiến Dũng, đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với thuế, hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện.
Doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử.
Một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, thanh toán đối với các dịch vụ ở khu vực công, nhất là học phí ở nhiều nơi, vẫn bằng tiền mặt.
Nguồn: tuoitre.vn