Sáng 27/6, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), lễ tang cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà sử học tài danh Phan Huy Lê đã được trọng thể tổ chức.
>> GS. Phan Huy Lê: Nhà giáo tài danh, nhà Sử học hàng đầu đất nước
>> GS. Phan Huy Lê là biểu tượng của ngành Xã hội và Nhân văn
>> GS Phan Huy Lê – người tổng kết lịch sử Việt Nam
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và nhiều vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến viếng cố Giáo sư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo đã gửi vòng hoa kính viếng.
Lễ an táng GS Phan Huy Lê tổ chức tại công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h00 cùng ngày.
GS. Phan Huy Lê là chuyên gia hàng đầu của nền sử học Việt Nam, một tài năng, nhân cách lớn đã từ trần hồi 13h10 phút ngày 23/6/2018 tại bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 85 tuổi.
Trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết: “Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, chuyên gia hàng đầu của nền sử học Việt Nam, một tài năng lớn trong giới sử học nước nhà đã ra đi. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến Giáo sư. Vĩnh biệt Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê”.
Trong hơn sáu thập kỷ kể từ khi bắt đầu là một giảng viên đại học đến lúc đi xa, ông đã không ngừng học tập và làm việc, nghiên cứu và giảng dạy, đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển giáo dục và nền Sử học nước nhà.
Cả cuộc đời ông là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, về đức tính kiên định, sẵn sàng xả thân vì khoa học, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Lãnh đạo các đoàn Trung ương, Chính phủ vào viếng GS Phan Huy Lê
GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Khánh – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KH Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Hàng trăm nhà nghiên cứu ở nhiều nước đã có dịp đến Việt Nam và từng được gặp gỡ hoặc làm việc dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của GS. Phan Huy Lê đều không thể nào quên hình ảnh về một nhà khoa học nhiệt thành mà điềm tĩnh, uyên bác, nghiêm khắc mà rất chân tình, gần gũi.
Cầu mong linh hồn Thầy được thanh thản phiêu diêu trên miền cực lạc; và ở nơi chín suối, Thầy có thể mỉm cười vì những gì mà Thầy đã làm, đã cống hiến và để lại cho hôm nay và cho hậu thế”.
Gia đình viếng GS Phan Huy Lê
Các vị lãnh đạo viết sổ tang
Tiễn đưa GS Phan Huy Lê về với đất mẹ
GS.Phan Huy Lê Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp) (sinh ngày 23/2/1934) tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là trụ cột của ngành lịch sử Việt Nam và đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1988-2016); Chủ tịch danh dự hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nguyên Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo, đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, khoa Lịch sử; nguyên chủ nhiệm khoa Đông phương học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.
Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản)… Trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình, GS Phan Huy Lê đã để lại nhiều công trình đồ sộ.
Theo Dân Trí