BP – Với 43% số dân là đồng bào dân tộc Khơme, sinh sống tập trung ở 3/6 ấp hiện vẫn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, có chùa Sóc Lớn – di tích lịch sử cấp tỉnh, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) đang được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chọn xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng.

Lễ hội Phá bàu ở Lộc Khánh thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh tham giaLễ hội Phá bàu ở Lộc Khánh thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh tham gia

VỀ LỘC KHÁNH XEM LỄ HỘI

Sóc Lớn, theo tiếng Khơme là Phum Thum, ở Lộc Khánh là vùng đất rộng lớn hình thành và phát triển lâu đời, gồm 3 ấp Sóc Lớn, Chà Đôn, Ba Ven ngày nay. Đây cũng là nơi có cộng đồng người Khơme sinh sống nên vẫn giữ được nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống đặc trưng riêng của đồng bào Khơme. Vì vậy, Lộc Khánh đón nhiều nhà khoa học lịch sử đến nghiên cứu văn hóa Khơme Bình Phước, Đông Nam bộ. Bảo tàng Bình Phước chọn Lộc Khánh để phục dựng thành công các lễ hội phá bàu, xuống đồng.

Về Lộc Khánh nhiều người vẫn được nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian của dân tộc Khơme lưu truyền. Đặc biệt, trong cộng đồng người Khơme ở Lộc Khánh vẫn thường xuyên trình diễn nghệ thuật dân gian như hát đối đáp trong đám cưới, hát giao duyên nam – nữ, múa lâm vông, múa trừ tà ma… 

Những nét văn hóa dân tộc vẫn còn hiện diện, được người Khơme ở Lộc Khánh gìn giữ gồm: 28 ngôi nhà sàn truyền thống được xây dựng lâu đời, mang nét đặc trưng cư trú của người Khơme vùng cao. Các phong tục như ở rể (mẫu hệ), xuất gia tục học tại chùa Sóc Lớn của Phật giáo Nam tông; tục cưới hỏi… đang được duy trì trong cộng đồng dân tộc Khơme ở Lộc Khánh rõ nét. Hội đồng già làng xã Lộc Khánh phối hợp với Bảo tàng Bình Phước, chính quyền xã hằng năm duy trì tổ chức các lễ hội phá bàu, xuống đồng. Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khơme Chôl Chnăm Thmây và các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo như Dâng y Catrinna, Sen Dolta, Phật Đản… được bà con Khơme ở Lộc Khánh tổ chức đều đặn.

Trong sản xuất nông nghiệp, người Khơme ở Lộc Khánh gắn bó chặt chẽ với sản xuất lúa nước ở các cánh đồng lúa bao quanh 3 ấp Chà Đôn, Sóc Lớn, Ba Ven. Nghề thủ công tiêu biểu là đan chiếu lùng, đan gùi vẫn được duy trì và trao đổi mua bán trong cộng đồng người Khơme ở Lộc Khánh.

Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh cho biết, để duy trì và phát huy các lễ hội đã được phục dựng, xã chọn bàu nước, cánh đồng lúa phía trước UBND xã để tổ chức lễ hội hằng năm, đồng thời giao Hội đồng già làng có nhiệm vụ quản lý.

Riêng chiếu lùng nhu cầu sử dụng trong cộng đồng vẫn còn rất cao nhưng nguồn nguyên liệu đang bị thu hẹp nên người sản xuất ngày càng ít. Xã Lộc Khánh dự tính sẽ lấy 2 ha đất đầm lầy ở bàu nước tự nhiên để trồng cây lùng. Trong năm 2017, xã xin được đầu tư 10km đường nối trung tâm xã với quốc lộ 13, đoạn ngã ba Đồng Tâm (Lộc Thịnh) để kết nối tuyến du lịch lịch sử, sinh thái Tà Thiết.

ĐỊA CHỈ “ĐỎ” DU LỊCH  TÂM LINH  

Chùa Sóc Lớn thành lập năm 1929 là ngôi chùa Khơme có tuổi đời cao nhất ở Bình Phước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Khơme ở Lộc Khánh đã cùng người Kinh một lòng theo cách mạng. Chùa Sóc Lớn cũng trở thành địa điểm che giấu nhiều cán bộ lão thành như ông Lâm Dách; ông Chín Hùng (Nguyễn Văn Nồng, Đại đội trưởng 31), nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh; ông Phan Văn Hồng (Năm Hồng), nguyên Chủ tịch UBND huyện; Anh hùng Lao động Lâm Búp, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN huyện… Công lao với cách mạng của bà con dân tộc Khơme vẫn còn ghi dấu ấn ở các địa danh Sóc Lớn, Sóc Nhỏ, Ba Ven, Chà Đôn với nhiều đảng viên lão thành tuổi đời 80 trở lên gương mẫu trong xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Ngày 15-12-2004, chùa Sóc Lớn (chùa Khơme duy nhất) vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 17-5-2009, Thượng tọa Thạch Nê (1972) tại Bạc Liêu nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sóc Lớn. Bên cạnh vận động xây dựng trùng tu chùa, Thượng tọa Thạch Nê (gương điển hình thi đua yêu nước 2010-2015) đã cùng Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Khánh nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào Khơme, chung tay giảm nghèo và lưu giữ, phát triển nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Khơme. 

Hiện chùa Sóc Lớn có trường học được xây 2 tầng, thiết kế theo văn hóa người Khơme bề thế với các phòng học, nhà ở cho học sinh, giáo viên; phòng tăng ni, tổng kinh phí 5,8 tỷ đồng từ vận động phật tử đóng góp. Chùa cũng đã xây bếp, nhà ăn tập thể… 3 tháng hè, các sư dạy chữ Khơme cho khoảng 200 học sinh, đồng thời xóa mù chữ cho hàng trăm người ở mọi lứa tuổi. Các em có hoàn cảnh khó khăn được chùa nuôi ăn, ở. Các sư của chùa còn hỗ trợ Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh dạy chữ Khơme cho giáo viên, cán bộ huyện. Chùa cũng trợ cấp kinh phí học văn hóa cả 2 thứ tiếng Việt – Khơme cho 150 chú tiểu đang học ở chùa tại tỉnh Bạc Liêu và các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh… Đặc biệt, chùa Sóc Lớn còn là cái nôi nuôi dưỡng phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc Khơme.

Hằng năm, có khoảng 9.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, hành hương ở Lộc Khánh, trong đó có cả các nhà nghiên cứu lịch sử. Mỗi năm, xã đón 4 đợt sinh viên với khoảng 200 em/đợt. Khách hành hương chiếm số lượng lớn nhất với khoảng 8.000 người/năm và thường lưu trú qua đêm ở chùa…

Đề án Phát triển du lịch cộng đồng xã Lộc Khánh do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng, dự tính năm 2018 sẽ đi vào hoạt động toàn diện; kinh phí 4,482 tỷ đồng, từ nguồn vốn Ngân hàng Phát triển châu Á. Lộ trình: Năm 2016, hoàn thiện dự án, triển khai trồng nguyên liệu sản xuất nghề thủ công truyền thống, sửa chữa một số nhà ở truyền thống. Năm 2017, khôi phục nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống…

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết: Hiện nay, đề án đã và đang chuyển động, xã chọn 100 hộ đan gùi, chiếu lùng. Khôi phục nghệ thuật trình diễn dân gian từ nhạc cụ đến truyền dạy cho lớp trẻ. Dự án đi vào hoạt động sẽ nâng cao thu nhập của người dân từ dịch vụ du lịch, hỗ trợ Lộc Khánh hoàn thành tiêu chí thu nhập của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn:BPO

Từ khóa : du lịchKhơmeSở Văn hóa - Thể thao và Du lịchTôn Giáo

Các tin liên quan đến bài viết