Tình hình dịch bệnh tại “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương đáng báo động khi số ca mắc liên tục tăng, tỉ lệ ca mắc mới trong ngày trên quy mô dân số đã vượt TP.HCM. Điểm nóng này đang ứng phó như thế nào?
Trước diễn biến số ca bệnh tăng cao và nhiều ca chuyển nặng, bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu đã được Bộ Y tế và tỉnh Bình Dương đưa vào hoạt động, đặt tại khuôn viên Bệnh viện quốc tế Becamex, thành phố Thuận An
Khi chưa đến đỉnh của dịch COVID-19, đặc biệt là chủng Delta, thì chúng ta không nói trước được điều gì. Tôi chỉ mong muốn là một ngày ngủ dậy, chúng ta nhận được những ca nhập viện do phát hiện F0 mới bằng số ca cho xuất viện thì lúc ấy đỉnh dịch đã có. Lúc đó chúng ta sẽ tiên lượng được là lúc nào dịch sẽ lui và sẽ tổ chức được việc đưa Bình Dương trở lại tình hình bình thường mới.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu
Ngày 14-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết tính tới hết ngày 13-8, toàn tỉnh đã có 39.492 ca mắc. So với quy mô dân số Bình Dương khoảng 2,6 triệu người thì tới nay tỉ lệ ca mắc đã tới trên 1,5%.
“Chưa tới đỉnh dịch”
Mặc dù quy mô dân số của Bình Dương chỉ bằng khoảng 1/4 của TP.HCM nhưng ca mắc mới mỗi ngày lại cao hơn “đàn anh”, theo số liệu công bố của Bộ Y tế.
Đặc biệt, trong vòng hai tuần gần đây, tốc độ gia tăng ca F0 tại Bình Dương mỗi ngày hầu hết là tới bốn con số, trong đó ngày 12-8, số ca mắc là trên 3.000 người, tiệm cận với ca mắc mới của TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay vẫn chưa thể biết được khi nào thì tới đỉnh dịch vì số ca mắc mới mỗi ngày còn cao, chưa thấy dấu hiệu giảm lại.
Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo trung ương về kiểm tra vào những ngày đầu của đợt bùng phát dịch COVID-19, ban chỉ đạo của Bình Dương dự báo số ca F0 có thể lên tới 20.000-30.000 người, nhưng thực tế hiện ca mắc đã đạt tới xấp xỉ 40.000 người.
Số ca COVID-19 mắc mới tại TP.HCM và Bình Dương
Bình Dương | TP.HCM | |
13-8 | 2.186 | 3.531 |
12-8 | 3.028 | 3.841 |
11-8 | 1.897 | 3.416 |
Tổng ca mắc | 39.592 | 140.539 |
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, phần lớn các ca mắc là trong các khu phong tỏa và khu cách ly cho các trường hợp test nhanh dương tính. Hiện Bình Dương đang mở rộng lấy mẫu lần thứ hai để sàng lọc F0 ra khỏi cộng đồng.
Thành phố Thuận An là địa phương có tình hình COVID-19 nặng nề nhất tại Bình Dương. Các đô thị khác có nhiều ca mắc cũng đều là các khu vực có nhiều nhà máy, sản xuất công nghiệp, lần lượt là: Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng…
Các F0 liên tục được đưa tới các khu điều trị dã chiến tại Bình Dương
Nhiều ca chuyển biến nặng
Mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại Bình Dương đòi hỏi sự đánh giá đúng mức và ưu tiên cho địa phương này, theo nhận định của nhiều người am hiểu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Văn Quang Tân – giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, nơi đang điều trị cho các bệnh nhân ở “tầng 3” (tầng trên cùng, cho các ca diễn biến nặng) – cho biết ông và các đồng nghiệp rất đau lòng khi mỗi ngày đều chứng kiến số người ra đi vì COVID-19 là hai con số.
“Các bác sĩ, nhân viên y tế hiện đang căng mình chống dịch, có sự chi viện của các nơi nhưng vẫn không đủ nhân lực. Một số máy móc để điều trị đã có, nhưng nếu thiếu bác sĩ có chuyên môn thì cũng không thể vận hành” – bác sĩ Tân cho biết.
Tới nay đã có trên 8.600 ca F0 xuất viện, nhưng cũng còn tới trên 11.600 bệnh nhân COVID-19 đang trong các cơ sở điều trị (trên 600 người đang diễn biến nặng). Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Bình Dương đã xây dựng được 4 khu điều trị dã chiến quy mô lớn nhưng vẫn rất cần bổ sung bác sĩ.
Đã có 309 người tử vong vì COVID-19 tại Bình Dương, theo công bố của ngành y tế. Nhưng con số này mới chỉ gồm các ca đã có xét nghiệm PCR khẳng định, còn nếu tính cả các ca test nhanh dương tính đã tử vong thì số liệu sẽ cao hơn.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y Hà Nội, kiêm giám đốc y khoa Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương – cho rằng ban đầu Bình Dương có sự lúng túng trong điều trị, đặc biệt là các bệnh nhân ở tầng 2, 3 nhưng nay đang dần được khắc phục. Hiện nay số lượng bệnh nhân đang tiếp tục tăng cao, nhiều ca chuyển nặng nên có áp lực rất lớn lên các cơ sở điều trị ở các tầng trên.
Tình nguyện viên giúp vận chuyển gạo của nhà hảo tâm để hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng vì COVID-19 tại Bình Dương
Công nhân “khát” vắc xin
Bình Dương vừa đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu 437 giường đặt tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex để “chia lửa” cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện.
Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu có sự tăng cường nhân sự từ các tỉnh thành của Bộ Y tế, để giúp Bình Dương điều trị cho các ca nặng và vừa; đồng thời để giảm tỉ lệ ca bệnh tử vong.
Giải pháp lâu dài nhất vẫn là vắc xin nhưng đây cũng đang là vấn đề bất cập rất lớn tại Bình Dương.
Theo công bố của Sở Y tế, 544.000 liều vắc xin được phân bổ từ đợt 1 đến đợt 16 đã tiêm xong từ ngày 11-8, nhưng số liệu cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia đến ngày 14-8 mới chỉ là trên 303.000 liều.
Đại diện nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại Bình Dương nêu lo lắng trước nguy cơ phải đóng cửa đồng loạt khi người lao động chưa được tiêm vắc xin.
Nhiều điểm tiêm vắc xin tại Bình Dương thông báo ngưng tiêm vì không có vắc xin khiến nhiều người dân hụt hẫng – Ảnh: B.S.
Một chủ đầu tư khu công nghiệp lớn có hàng trăm nhà máy đang hoạt động tại Bình Dương cho biết theo khảo sát đã có khoảng 70% doanh nghiệp tạm ngưng, một số doanh nghiệp gắng gượng sản xuất “3 tại chỗ” nhưng cũng đứng trước áp lực phải ngưng hoạt động.
Người dân Bình Dương đã thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 hơn một tháng, từ trước khi có chỉ đạo của Chính phủ áp dụng chung cho 19 tỉnh phía Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc với ban chỉ đạo tỉnh Bình Dương vào ngày 5-8 đã thống nhất mục tiêu tới cuối tháng 8-2021 tỉnh này sẽ “cơ bản khống chế dịch” để trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh hiện tại thì cần rất nhiều sự nỗ lực để hướng tới mục tiêu này.
UBND tỉnh Bình Dương đã liên tục làm văn bản “cầu cứu” Bộ Y tế và Thủ tướng xin “càng sớm càng tốt” cấp thêm 1 triệu liều vắc xin để tiêm cho công nhân, người lao động nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Nguồn: tuoitre.vn