Nhiều chị em phụ nữ ở độ tuổi trung niên gặp không ít rắc rối về sức khỏe khi thường xuyên căng thẳng, tần suất làm việc cao, ăn uống không điều độ…

Nhiều chị em phụ nữ thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, nhức mỏi... sau thời gian dài làm việc căng thẳng - Ảnh: NGỌC KHẢI

Nhiều chị em phụ nữ thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, nhức mỏi… sau thời gian dài làm việc căng thẳng 

Không chỉ đối diện tình trạng tóc bạc nhiều, cơ thể hay nhức mỏi, họ còn thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, tim đập nhanh… khiến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần bị giảm sút.

“Thúc đẩy” rối loạn cung cấp máu cho não

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, khoa y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho hay rối loạn tiền đình không phải là bệnh mà là hội chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau, với các biểu hiện thường gặp: chóng mặt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu, ù tai, buồn nôn, nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi…

Hội chứng rối loạn tiền đình liên hệ mật thiết đến bệnh lý tai, mũi, họng và thần kinh. Hội chứng này được phân loại dựa vào vị trí tổn thương theo giải phẫu gồm: hội chứng tiền đình ngoại biên và trung ương.

Một trong các triệu chứng thường gặp trong hội chứng tiền đình là chóng mặt (vertigo), xuất hiện với ảo giác chuyển động của người và vật xung quanh, thường là xoay tròn nhưng cũng có thể chuyển động thẳng hay cảm giác nghiêng ngả.

Người dân cần chú ý phân biệt chóng mặt do rối loạn tiền đình với các triệu chứng như: cảm giác mất thăng bằng (có thể có nguồn gốc từ tiền đình, tiểu não, hệ thị giác); sợ hãi muốn té xuống (đa số có nguồn gốc từ tâm lý).

Ngoài ra cũng cần chú ý cảm giác choáng váng, hoa mắt, gồm cảm giác như đầu óc quay cuồng, tối sầm, không kết hợp ảo giác vận động (trái ngược với chóng mặt). Cảm giác này xảy ra trong điều kiện não bị rối loạn cung cấp máu.

Ví dụ như kích thích dây thần kinh X quá mức, hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, hạ oxy máu, hạ đường huyết, nặng hơn là mất ý thức.

Theo bác sĩ Ánh Ngân, trường hợp thường xuyên căng thẳng, làm việc nhiều, ăn uống không điều độ… là các yếu tố thúc đẩy tình trạng rối loạn cung cấp máu cho não, gây ra cảm giác choáng váng, hoa mắt như trên, và thường bị nhầm lẫn là rối loạn tiền đình.

Người bệnh cần được thăm khám để có thể chẩn đoán xác định, loại trừ những nguyên nhân bệnh lý thực thể.

Tập thể dục 45 - 60 phút/ngày, dành thời gian thư giãn và nghỉ ngơi... giúp hạn chế căng thẳng, nguy cơ dẫn đến hội chứng rối loạn tiền đình - Ảnh: XUÂN MAI

Tập thể dục 45 – 60 phút/ngày, dành thời gian thư giãn và nghỉ ngơi… giúp hạn chế căng thẳng, nguy cơ dẫn đến hội chứng rối loạn tiền đình 

Phòng rối loạn tiền đình từ lối sống, sinh hoạt thế nào?

Để hạn chế căng thẳng ở nhóm phụ nữ là lao động trí óc sắp bước vào tuổi trung niên (sau 40 tuổi trở đi), bác sĩ Ánh Ngân khuyến cáo cần chú ý đến các yếu tố:

– Không gian làm việc: tạo nhiều mảng xanh cho không gian làm việc thông qua việc bố trí, sắp xếp nơi làm việc thoáng đãng. Dùng thiết bị điều hòa trong phòng làm việc ở nhiệt độ vừa phải, tránh quá lạnh hoặc phần khí lạnh thổi trực tiếp vào vùng cổ gáy, đầu mặt, dễ khiến co cứng cơ vùng cổ gáy, cũng là một yếu tố thúc đẩy các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, choáng váng.

– Ngủ đủ giấc: đảm bảo giấc ngủ chất lượng 7-8 tiếng đồng hồ mỗi đêm.

– Tập thể dục 45 – 60 phút/ngày.

Chú trọng việc quan sát và điều chỉnh hơi thở trong lúc tập, tránh gắng sức. Khi tập luyện với cường độ cao cần có sự hướng dẫn và theo dõi của huấn luyện viên để đảm bảo luyện tập đúng động tác và phù hợp với sức khỏe của từng cá nhân.

– Ăn uống khoa học nhưng không cực đoan.

Ngày nay, có rất nhiều chế độ ăn khác nhau được phổ biến. Chúng ta còn có rất nhiều các hội nhóm ăn cùng nhau theo một chế độ cụ thể. Tuy nhiên, việc tìm ra chế độ ăn phù hợp cho bản thân cần thời gian trải nghiệm và điều chỉnh. Đừng ép bản thân ăn theo một chế độ nào khiến bạn khó khăn trong việc chuẩn bị, tuân thủ và duy trì.

– Thư giãn và nghỉ ngơi.

Có thể kết hợp một số phương pháp thư giãn như luyện tập thở bốn thời (Thời 1: hít vào, ngực nở, bụng căng; Thời 2: giữ hơi, cố gắng hít thêm; Thời 3: thở ra, không kìm, không thúc; Thời 4: thư giãn hoàn toàn), xoa bóp bấm huyệt vùng đầu mặt.

Theo y học cổ truyền, kích thích các huyệt vùng đầu mặt như thái dương, ấn đường, suất cốc, ế phong… bằng cách day ấn huyệt hay châm kim và cứu ấm, giúp hành khí hoạt huyết, thông kinh lạc, giảm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.

“Khi đã điều chỉnh lối sống mà vẫn bị các triệu chứng của hội chứng tiền đình, người bệnh cần đến thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân thực thể, và có phương pháp điều trị phù hợp”, bác sĩ Ngân khuyến cáo thêm.

Theo bác sĩ Ánh Ngân, trong y học cổ truyền, các triệu chứng chóng mặt, choáng váng, hoa mắt có điểm tương đồng với chứng “huyễn vựng”.

Trong các sách xưa, nguyên nhân đã được nhắc đến thường gặp như ẩm thực thất điều (ăn uống không điều độ), lao lực quá độ (làm việc cực nhọc hoặc căng thẳng thường xuyên), phòng dục quá độ (quan hệ tình dục quá nhiều), thiên quý suy (tuổi cao kèm tình trạng cơ quan trong cơ thể suy giảm hoạt động)…

Như vậy từ xa xưa, các nguyên nhân liên quan đến lối sống, sinh hoạt đã được chú trọng và nhắc đến trong việc kiểm soát các triệu chứng rối loạn vùng đầu mặt.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : phụ nữ trung niênrối loạn tiền đình

Các tin liên quan đến bài viết